Thị trường

Sinh viên trong mắt nhà tuyển dụng: Kiến thức hổng, thực hành kém, tác phong chưa chuyên nghiệp

60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sửa chữa, bảo trì ôtô tại TP.HCM đã tham gia đánh giá chất lượng sinh viên các trường đại học, cao đẳng sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng vào làm việc tại các công ty này.

Sinh viên gặp gỡ doanh nghiệp trong một ngày hội việc làm. Nhiều doanh nghiệp lớn vẫn thích tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp để tiếp tục đào tạo một cách bài bản - Ảnh: Hà Bình

Cuộc khảo sát được thực hiện bởi thạc sĩ Nguyễn Ngọc Phương - trưởng khoa động lực Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng. Qua đó, những người trực tiếp tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động đã “chấm điểm” sinh viên về kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành, trình độ ngoại ngữ, tác phong làm việc và năng lực nghề nghiệp.

Kém và lạc hậu

Theo kết quả khảo sát, ở phần lý thuyết (kiến thức nền), doanh nghiệp đánh giá sinh viên “rất yếu kém”, khó có thể vận dụng những kiến thức lý thuyết đã học để giải quyết vấn đề thực tế. Trong khi đó, tệ hơn, ông Huỳnh Văn Thọ - phó giám đốc dịch vụ Công ty cổ phần ôtô Phú Đạt - cho biết: những kiến thức sinh viên được học trong trường quá lạc hậu so với yêu cầu thực tế trong công việc.

Tương tự, qua khảo sát, những nhà tuyển dụng cho rằng hầu hết sinh viên được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng hiện nay kỹ năng thực hành còn yếu. Nhiều sinh viên mới vào xưởng rất bỡ ngỡ với công việc được phân công. “Nếu muốn sinh viên đó làm được việc như mong muốn phải cử người kèm cặp ít nhất sáu tháng”, đó là ý kiến của ông Huỳnh Trọng Đức - trưởng phòng dịch vụ Công ty dịch vụ thương mại và cổ phần A.M.C Nguyễn Tất Thành.

Về kỹ năng ngoại ngữ, doanh nghiệp đánh giá: “Trình độ ngoại ngữ của người học hiện nay có khá hơn nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, chú trọng trình độ ngoại ngữ trong năng lực chuyên môn sẽ tăng cơ hội kiếm việc làm và thu nhập của người lao động”.

Đồ họa: V.Cường

Nề nếp, tác phong còn kém

Các doanh nghiệp cũng đánh giá tác phong, tinh thần hợp tác, trách nhiệm công việc của sinh viên mới ra trường. Theo đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng hầu hết người được tuyển dụng có cố gắng chấp hành nội quy, quy định của doanh nghiệp, nhưng vẫn còn nhiều người chưa tự giác thực hiện quy định về nề nếp doanh nghiệp. Theo các doanh nghiệp, hiện nay doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ tự động trong quản lý nhân lực, nếu lao động Việt Nam không rèn luyện tác phong công nghiệp, tính kỷ luật, chuyên nghiệp sẽ tụt hậu so với các nước khác trong khu vực.

Nhiều doanh nghiệp ưu tiên tuyển lao động có kinh nghiệm làm việc vì có khả năng tiếp thu nhanh các kiến thức mới và ứng dụng ngay trong sản xuất. Tuy nhiên cũng có những công ty thích tuyển dụng sinh viên mới ra trường. Ông Nguyễn Hoàng Thái Hải, phó trưởng phòng kinh doanh Công ty Honda Việt Nam, cho biết: “Trong quá trình tuyển dụng của các đại lý Honda Việt Nam, tôi thấy họ vẫn thích tuyển dụng sinh viên mới ra trường nhưng được huấn luyện một cách bài bản. Điều đó tốt cho đại lý trong quá trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên của mình, tuy thời gian đào tạo sinh viên mới ra trường có dài hơn so với người có kinh nghiệm”.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy doanh nghiệp nhỏ thích lao động có kinh nghiệm làm việc được ngay hoặc chỉ đào tạo trong thời gian ngắn. Còn các doanh nghiệp lớn có tiêu chí tuyển dụng khác biệt khi có lộ trình tuyển dụng, đào tạo nhân sự lâu dài. Đối tượng của họ là những sinh viên mới ra trường, đang học tại các trường đại học, cao đẳng nhưng có tố chất tốt, khả năng suy luận, kết quả học tập tốt và có khả năng phát triển.

Ngoài ra, doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng thông tin hiện nay nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao rất lớn, trong khi lao động trình độ đại học, cao đẳng doanh nghiệp ít cần hơn. Những năm đầu sau khi ra trường thì nhóm lao động đại học vẫn phải lao động như một kỹ thuật viên để tiếp cận kỹ thuật, phương pháp quản lý và nguyên tắc làm việc của công ty...

Theo Tuổi Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo