Sở hữu chéo trong ngân hàng ngày càng phức tạp
(vov) Ông Vũ Viết Ngoạn dẫn chứng, hiện pháp luật quy định rõ ràng: Một tổ chức không được đầu tư vào TCTD khác quá 10%, một thể nhân không quá 5%. Nhưng thực tế có những sở hữu cá nhân chiếm phần vốn tại NH nhiều hơn 5% và một tổ chức có vốn trên 10%, lách dưới hình thức này hình thức khác như thông qua người quen, qua công ty A,B,C mà họ không đứng tên. Đây là vấn đề đặt ra với cơ chế pháp luật của ta trong thời gian tới.
Nhìn vào thực trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo thời gian qua ở Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thành - Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, các mối quan hệ này đã vô hiệu hóa các quy định an toàn: NHTM tăng vốn ảo, vô hiệu hóa các quy định về vốn pháp định của các NHTM; Đánh giá không đúng tài sản “Có” rủi ro, từ đó làm tăng hệ số đủ vốn CAR một cách không thực chất; NHTM cho vay người có liên quan, từ đó vô hiệu hóa quy định về giới hạn tín dụng; NHTM vẫn có thể tham gia đầu tư chứng khoán vì vậy vô hiệu hóa quy định giới hạn đầu tư, góp vốn cổ phần nhằm tách bạch hoạt động NH đầu tư ra khỏi hoạt động của NH thương mại; NHTM có thể chuyển các khoản nợ xấu thành tài sản có khác thông qua việc chuyển nợ xấu sang các công ty con, công ty liên kết. Từ đó vô hiệu hóa quy định về báo cáo chất lượng tín dụng và trích dự phòng rủi ro.
Thực tế, hầu hết các tập đoàn lớn, các Tổng công ty đều có sở hữu ngân hàng dù có suy giảm sở hữu. Động cơ để các DNNN sở hữu NHTMCP là để NHTMCP cho vay lại các DNNN. Hệ thống quản lý cũng đang muốn hạn chế hoạt động này. Các NHTMCP được DNNN lớn sở hữu giúp đảm bảo thanh khoản, lúc nào cũng có một khoản tiền gửi lớn trên bản cân đối kế toán, tuy nhiên không đảm bảo thanh khoản bền vững. Có DNNN sở hữu tỷ trọng lớn tại NH nhưng lại không có vai trò chi phối trong kiểm soát mà là nhóm các nhà đầu tư lớn có quyền sở hữu lớn hơn, vận dụng vốn NN để làm đòn bẩy.
Theo phân tích của ông Thành, cơ cấu sở hữu chéo giúp các tổ chức không phải tuân thủ và tập trung vào các đầu tư rủi ro. Chính vì đầu tư rủi ro, không tuân thủ quy định này dẫn đến tình trạng yếu kém trong ngân hàng buộc phải thực hiện tái cấu trúc. Thế nhưng, trong đề án tái cấu trúc ngân hàng muốn tái cấu trúc hệ thống tài chính và giải quyết luôn sở hữu chéo. “Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta lại dùng sở hữu chéo để tái cấu trúc chứ không phải xóa bỏ, khiến tình trạng sở hữu chéo còn phức tạp hơn” – ông Thành nói.
Cùng cách nhìn nhận này, ông Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận xét: Những nội dung của tái cấu trúc ngân hàng vừa qua làm chưa được triệt để. Vì thế, việc chặn các mặt tiêu cực của sở hữu chéo chưa được đáp ứng. Tái cấu trúc mặc dù đã có, nhưng chưa hạn chế được tác hại của sở hữu chéo.
Thêm nhà đầu tư, sở hữu chéo thêm phức tạp
Bày tỏ quan điểm ủng hộ việc mời nhà đầu tư chiến lược vào quá trình tái cơ cấu NH, ông Vũ Viết Ngoạn lưu ý: Chúng ta đang khuyến khích các NĐT nước ngoài đầu tư chiến lược vào các TCTD để khắc phục tình trạng yếu kém của số TCTD này. Khi mời các NĐT nước ngoài (có năng lực tài chính, quản trị tốt) vào đóng vai trò là NĐT chiến lược tại các TCTD Việt Nam là sự cần thiết và nên khuyến khích, không nên coi đó là SHC.
“Chỉ có rủi ro khi những sở hữu tay đôi, tay ba đó bị lạm dụng, họ coi những định chế tài chính nơi họ đầu tư vào là nơi để hoạt động tín dụng, đầu tư cho mục đích riêng của họ vượt qua ngoài quy định của pháp luật, phạm vi kiểm soát của cơ quan Nhà nước. Đấy là rủi ro. Còn nếu thực hiện đúng quy định pháp luật thì không có rủi ro gì” – ông Ngoạn nói.
Ảnh minh họa.
Ông Nguyễn Xuân Thành phân tích: Khi mời các nhà đầu tư mới, điểm tích cực nhất là họ có vốn thật, góp được tiền thật, tăng được vốn cho NH. Nhưng việc loại bỏ được các cổ đông cũ rất khó vì quan hệ sở hữu chéo. Vì thế, kết quả NH mới có thể tiết kiệm được vốn mới có thể khắc phục được tình trạng yếu kém hiện nay, nhưng các nhà đầu tư cũ vẫn còn, lại thêm nhà đầu tư mới, nên cơ cấu sở hữu chéo lại càng phức tạp hơn.
Ông Thành cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, tạm chấp nhận tình trạng này, vì NH sẽ vững mạnh tạm thời. Nhưng nếu sở hữu chéo đó vẫn tồn tại trong tương lai, thì khả năng sẽ lặp lại vết xe đổ. “Vấn đề đặt ra là liệu sau khi có vốn mới của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, chúng ta có được lộ trình để giảm được sở hữu chéo hay không. Và cũng cần phải đặt câu hỏi liêu tiền của các nhà đầu tư mới có phải là tiền thực hay không, hay là để có vốn mới thì cũng phải đi vay ở nơi khác? Nếu như thế, quan hệ sở hữu và đi vay lại đan xen với nhau, và là một trong trong những khía cạnh nhức nhối nhất của sở hữu chéo.
Chúng ta có những quy định rất sát với thông lệ quốc tế, thậm chí rất chặt chẽ. Nhưng theo ông Thành, có hai vấn đề đối với hệ thống quy định. Thứ nhất, quy định đã có, nhưng lại thường có ngoại lệ trong việc áp dụng. Ví dụ có những trường hơp chúng ta biết là không tuân thủ các quyết định, nhưng trong thời gian trước mắt vẫn chấp nhận. Hoặc có quy định nhưng chúng ta chưa áp dụng, hoặc áp dụng có chọn lựa, và một nhóm NH hoặc các tổ chức tài chính không bị áp dụng.
Vấn đề thứ 2, đó là sự thiếu sót, hoặc hệ thống quy định chưa đủ. Các quy định nhằm điều tiết các NHTM nói riêng và TCTD nói chung thuộc phạm vi điều chỉnh của NHNN và các tổ chức chứng khoán bao gồm công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của UBCKNN. Nhưng hiện nay, chư có sự phối hợp giữa 2 phạm vi này đối với các công ty cổ phần đầu tư tài chính. Sau cùng là việc xác định lại quan hệ trong cơ cấu sở hữu chéo.
Vũ Hạnh
End of content
Không có tin nào tiếp theo