Sở hữu chéo và những hệ lụy của sở hữu chéo
Bối cảnh toàn cầu hóa và đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh thị trường đã, đang và sẽ còn tạo ra những động lực và cơ hội gia tăng các hoạt động đầu tư chéo vào nhau, do đó, sở hữu cổ phần chéo lẫn nhau dưới mọi hình thức ngày càng phức tạp. Sở hữu chéo có thể là trực tiếp hay gián tiếp, trong cùng một pháp nhân hay thông qua một pháp nhân thứ ba giữa các doanh nghiệp, cũng như ngân hàng.
Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012 do Ủy ban Kinh tế công bố, sở hữu chéo trong lĩnh vực tín dụng ở Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp và có thể quy tụ theo hai nhóm lớn là sở hữu chéo giữa các ngân hàng thương mại (NHTM) với nhau và sở hữu chéo giữa các tập đoàn, công ty với NHTM, cụ thể:
Nhóm 1: Sở hữu chéo giữa các NHTM và tổ chức tài chính với nhau, gồm:
Sở hữu chéo giữa các NHTM nhà nước và NHTM nước ngoài tại các NH liên doanh. Việt Nam hiện có 6 NH liên doanh và mỗi trong số đó thuộc sở hữu của một số NH nước ngoài và trong nước.
Sở hữu chéo của các NHTM nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần. Hiện có gần tám NHTM cổ phần có quan hệ cổ phần với bốn NHTM nhà nước. Riêng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam có sở hữu chéo với bốn ngân hàng, trong đó sở hữu 11% tại Ngân hàng Quân đội; 8,2% tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam; 4,7% tại Ngân hàng Phương đông và 5,3% tại Ngân hàng Sài Gòn.
Sở hữu lẫn nhau giữa các NHTM cổ phần. Hiện Việt Nam có ít nhất sáu NHTM cổ phần có cổ đông là một NHTM cổ phần khác như Eximbank hiện sở hữu 10,6% cổ phần tại Sacombank; 8,5% cổ phần tại VietABank...
Cổ đông chiến lược nước ngoài tại các NHTM nhà nước lẫn ngân hàng cổ phần trong quá trình mở rộng thu hút vốn và kỹ năng quản trị từ nước ngoài. Hiện Việt Nam có khoảng 10 NHTM có đối tác chiến lược là các tập đoàn tài chính nước ngoài.
Nhóm 2: Sở hữu chéo giữa các NHTM cổ phần với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân:
Hiện có khoảng gần 40 DNNN và tư nhân có sở hữu trên 5% tại các NHTM cổ phần. Hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đều sở hữu NH như Tập đoàn Điện lực Việt Nam sở hữu Ngân hàng TMCP An Bình, Tập đoàn Viễn thông Quân đội sở hữu Ngân hàng TMCP Quân đội... Mối quan hệ giữa NHTM cổ phần với các tập đoàn tư nhân ngày càng trở nên phức tạp. Nhiều NH có thể được sở hữu bởi rất nhiều công ty gia đình hoặc các thành viên gia đình vốn đồng thời lãnh đạo ở các DN khác.
Sở hữu chéo luôn có tác động hai chiều đối với nền kinh tế và với bản thân mỗi chủ thể tập đoàn, ngân hàng và doanh nghiệp tham gia các sở hữu loại này.
Một mặt, trong trường hợp tốt nhất, sở hữu chéo góp phần cải thiện sự hỗ trợ vốn, công nghệ, kinh nghiệm và hiểu biết lẫn nhau giữa các đối tác; thúc đẩy hoạt động liên kết kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và quốc tế; góp phần nâng cao năng lực quản trị, tài chính, công nghệ, nhân sự, mở rộng quy mô, thị phần, cải thiện sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh, nhất là đối với DN và NH nhỏ; hình thành nên một cơ cấu sở hữu và quản trị ổn định trong các doanh nghiệp, ngân hàng. Hơn nữa, sở hữu chéo cho phép công ty khai thác được các cơ hội và tiềm năng kinh doanh có lợi trên thị trường; đa dạng hóa hoạt động và phân tán rủi ro kinh doanh; đồng thời, cho phép đạt hiệu quả khống chế, chi phối thị trường cao với một lượng vốn cổ phần nhỏ theo “mô hình kim tự tháp”...
Mặt khác, trong nhiều trường hợp, sở hữu chéo gây hệ lụy khôn lường cả vi mô và vĩ mô, nhất là khi nó bị lạm dụng để phục vụ lợi ích nhóm hay để che giấu tình trạng ọp ẹp về tài chính của các DN và NH có liên quan. Sở hữu chéo gây tình trạng mù mờ về sở hữu thực, thực trạng lỗ, lãi và trách nhiệm giải trình, dẫn đến làm giảm hiệu lực và hiệu quả quản lý đối với DN và NH. Việc sở hữu chéo giữa các NH tạo điều kiện để cho các DN sở hữu NH này có thể dễ dàng vay được vốn từ NH kia.
Đặc biệt nguy hại nếu sở hữu chéo bị lạm dụng và biến tướng thành sự lũng loạn để thiết kế bộ máy lãnh đạo DN và NH tham gia sở hữu chéo chỉ bao gồm những “người trong cuộc” và họ có quyền, có cách chi phối, vô hiệu hóa các cơ chế kiểm soát nội bộ và kiểm toán bên ngoài, khiến hoạt động tài chính nội bộ bị méo mó nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ phá sản của DN và NH, đồng thời đe dọa đổ vỡ lớn cho hệ thống chung. Khi bị lạm dụng có chủ đích với quy mô lớn và thường xuyên, sở hữu chéo tạo ra tình trạng tăng vốn ảo trong các ngân hàng, vô hiệu hóa các giới hạn và nguyên tắc an toàn tín dụng theo quy định hiện hành, nguồn vốn và các dòng tiền của các ngân hàng không được đánh giá đúng và giám sát chặt chẽ, sự thâu tóm bất hợp pháp thậm chí biến ngân hàng thành công ty gia đình hay chỉ của một vài cá nhân.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, qua kết quả NHNN thanh tra 27 tổ chức tín dụng trong năm 2012, nhiều tổ chức tín dụng bị chi phối bởi một nhóm cổ đông, thông qua sự chi phối ở các khoản vay. Ở một số ngân hàng, thậm chí 90% tổng dư nợ thuộc về các khoản vay kiểu này. Sở hữu chéo, cùng với và thông qua hoạt động đầu tư và bảo lãnh chéo, còn gây biến dạng hoạt động kinh doanh lành mạnh, nhất là về cơ cấu vốn, thậm chí tạo nên dòng “vốn ảo”, khi buộc các đơn vị hoạt động kinh doanh có hiệu quả phải trợ cấp cho các công ty hoạt động không hiệu quả trong nội bộ tập đoàn, hệ thống.
Ngoài ra, sở hữu chéo dưới áp lực của một vài cổ đông lớn thường tạo ra sự thiếu công bằng và lành mạnh trong hoạt động kinh doanh vì lợi ích nhóm và thông tin nội bộ bị rò rỉ có chủ đích. Sở hữu chéo còn khiến dòng vốn huy động đi lòng vòng giữa các ngân hàng, mà không tới nơi cần thiết phục vụ mục tiêu của Chính phủ và yêu cầu phát triển bền vững. Các mối quan hệ sở hữu chéo càng phức tạp bao nhiêu thì hiểm họa rủi ro hệ thống càng tăng lên bấy nhiêu, đặc biệt khi chúng bị cộng hưởng bởi các khoản đầu tư chéo đều thua lỗ và thị trường trầm lắng ngoài dự đoán ban đầu. Sở hữu chéo khiến bức tranh tổng thể về ngành ngân hàng, nhất là về chủ sở hữu đích thực và về nợ xấu có thể khiến Đề án Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Chính phủ bị mất phương hướng và các hoạt động quản lý nhà nước về tài chính - tiền tệ bị rối loạn với các hệ lụy khó lường.
Sở hữu chéo có nguyên nhân khách quan và cả chủ quan, do yêu cầu có thực của đời sống kinh tế - xã hội và còn do cả những kẽ hở của luật định. Quá trình tái cấu trúc hệ thống NH cần phát huy được mặt tích cực và chủ động giảm thiểu các vấn đề hệ lụy từ sở hữu chéo nêu trên.
Việc cho phép một ngân hàng mua cổ phiếu ngân hàng khác, các cổ đông được sở hữu cổ phiếu nhiều ngân hàng khác nhau là cần thiết; nhưng cũng cần thiết phải bổ sung các quy định giới hạn nghiêm ngặt hơn về mức sở hữu cổ phần và quyền tham gia lãnh đạo của mỗi cá nhân, kiên quyết chấm dứt tình trạng tồn tại những ngân hàng chỉ do một, hai cổ đông hoặc một nhóm cổ đông chi phối, dư nợ ngân hàng có đến 70 - 90% phục vụ cho nhóm cổ đông đó.
Vì vậy, cùng với quy định hiện hành của NHNN về một cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ một số trường hợp đặc biệt; cổ đông và những người liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, cần bổ sung quy định mỗi cá nhân không được dùng những người được ủy quyền để mua hay khống chế cổ phần tại ngân hàng và một người đã là nhân viên hoặc thuộc ban quản lý của ngân hàng này, thì không được đóng vai trò ở một ngân hàng khác vì như vậy sẽ tạo ra mâu thuẫn trong lợi ích cá nhân. Đặc biệt, cần nghiêm cấm việc các công ty và tập đoàn kinh tế đầu tư hoặc sở hữu ngân hàng, rồi lại dùng ngân hàng đó để đầu tư vốn cho các dự án của mình không qua giám định hiệu quả kinh doanh.
Việc khống chế tỷ lệ sở hữu tại các tổ chức tài chính, tín dụng bởi cá nhân cũng như DN cần phải tính đến cả những sở hữu chéo gián tiếp và ngăn ngừa được hình thức ủy quyền góp vốn để giảm thiểu sự lũng đoạn của một cá nhân hoặc một DN có thể có ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động tín dụng tại các NH thông qua các công ty con của mình. Vì vậy, nên bổ sung quy định các công ty con không được phép nắm giữ cổ phiếu của công ty mẹ và công ty mẹ cũng không được phép nắm giữ quá mức (ví dụ, 40%) cổ phần của công ty con. Luật hóa vấn đề sở hữu chéo, đồng thời, tăng cường vai trò và kết hợp chặt chẽ hoạt động của cơ quan giám sát ngân hàng - bảo hiểm - chứng khoán về một mối, đồng bộ, thông suốt là rất cần thiết để làm rõ “bức tranh” phức tạp đã hình thành và tìm cách ngăn chặn sự lặp lại sở hữu chéo trong tương lai.
Bên cạnh việc NHNN giám sát các quy định hạn chế tỉ lệ sở hữu giữa các NH với nhau, cũng như yêu cầu các tập đoàn nhà nước phải thoái vốn khỏi các tổ chức tài chính, tín dụng theo lộ trình đến năm 2015, Chính phủ cần sớm nghiên cứu và thành lập thêm những định chế tổ chức, những bộ phận độc lập để cảnh báo, kiểm soát và điều tra những vấn đề liên quan đến ngành ngân hàng, tách biệt và kiểm soát chặt chẽ giữa chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại ở Việt Nam nhằm chỉ đạo kịp thời, chính xác việc giảm thiểu sở hữu chéo không cần thiết.
Lợi ích nhóm là nguyên nhân làm gia tăng sở hữu chéo, đồng thời cũng là rào cản lớn nhất, thao túng và ảnh hưởng đến cả hệ thống trong quá trình xử lý, tái cơ cấu ngân hàng. Đáng mừng là Thống đốc NHNN đã khẳng định, “kiên quyết không lùi bước” trong việc đấu tranh với lợi ích nhóm để xử lý các ngân hàng yếu kém, mang lại sự lành mạnh cho tổ chức tín dụng và năm 2013, NHNN sẽ ban hành một loạt quy định mới để xử lý các bất cập hiện nay, trong đó có ban hành hệ thống pháp luật về sở hữu chéo và làm minh bạch hệ thống ngân hàng…
TS. Nguyễn Minh Phong
Theo ĐBND
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo