Tin tức - Sự kiện

Sở Y tế Hà Nội tăng cường công tác y tế, phòng chống dịch bệnh tại vùng ngập úng

Sở Y tế Hà Nội đề nghị TTYT Dự phòng cử cán bộ chuyên môn cao giám sát, hỗ trợ vùng ngập úng xử lý môi trường khi nước rút, dự trù hóa chất, trang thiết bị y tế...

Vào những ngày đầu tháng 8, đoàn công tác Sở Y tế do Giám đốc Sở - TS Nguyễn Khắc Hiền làm trưởng đoàn đã thị sát và kiểm tra công tác đáp ứng y tế, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng ngập úng tại huyện Chương Mỹ. Theo báo cáo mới đây, tính đến hết tháng 7/2018, có 3.627 hộ gia đình tại Chương Mỹ bị ngập úng hoàn toàn nằm ở 11 xã vùng thấp, trũng, trong đó có xã Nam Phương Tiến và xã Tân Tiến bị ngập úng nặng.

Đại diện Trung tâm y tế dự phòng huyện Chương Mỹ cho hay, để đáp ứng công tác y tế chủ động chăm sóc và bảo vệ tốt sức khỏe người dân vùng ngập úng, đơn vị này đã thành lập 5 đội cấp cứu cơ động và thường trực tại đê Tả Bùi, sẵn sàng ứng cứu kịp thời nếu có sự cố xảy ra. Hiện đơn vị đã phối hợp cùng Bệnh đa khoa huyện Chương Mỹ, các trạm y tế 11 xã bị ngập úng nặng để khám chữa bệnh cho hơn 1.500 người dân tại đây. Qua khám sàng lọc, phát hiện 40 bệnh nhân đau mắt đỏ, 6 bệnh nhân tiêu chảy, 10 bệnh nhân mắc bệnh về da liễu và các loại bệnh khác.

Để giải quyết tình hình trước mắt, Trung tâm y tế huyện đã phối hợp cùng các trạm y tế xã tổ chức cấp phát 4.688 túi thuốc gồm thuốc gia mắt, thuốc ngoài da; 5.740 túi CloraminB; 2.740 túi phèn chua cho các hộ dân bị ngập úng. Các cán bộ y tế cũng tổ chức tổng vệ sinh môi trường cho trên 300 hộ gia đình...

Qua thị sát và kiểm tra tình hình, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu các đơn vị y tế huyện Chương Mỹ phối hợp với UBND các xã tiếp tục tăng cường công tác y tế đảm bảo người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tốt nhất.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ cần đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, tăng cường tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng chống một số bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ như các bệnh về da, mắt, đường tiêu hóa, rắn cắn; các trường hợp tai nạn thương tích như điện giật, đuối nước; các biện pháp đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm…

Giám đốc Sở cũng đề nghị Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội cử cán bộ có trình độ chuyên môn cao giám sát, hỗ trợ Chương Mỹ giám sát dịch bệnh, xử lý môi trường khi nước rút và dự trù hóa chất, trang thiết bị y tế đáp ứng việc vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn huyện. 3 bệnh viện gồm Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ, Bệnh viện Mắt Hà Đông và Bệnh viện Da liễu Hà Nội cũng được Sở yêu cầu phối hợp với Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ cấp cứu kịp thời các trường hợp nặng, đáp ứng cơ số thuốc và tổ chức khám sức khỏe, tầm soát bệnh cho người dân... đảm bảo người dân được chăm sóc y tế tốt nhất.

Ngoài ra, hiện nay bệnh đau mắt đỏ đang trở thành dịch dễ lây lan tại vùng ngập lũ, để đề phòng căn bệnh này, người dân cần giữ gìn vệ sinh tay, mắt, chống lây lan là quan trọng nhất. Có thể phòng bệnh bằng cách rửa mắt bằng nước muối hoặc nước mắt nhân tạo khi có người xung quanh bị đau mắt đỏ.

Người dân cần thực hiện một số biện pháp như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, rửa mặt hằng ngày bằng khăn mặt riêng với nước sạch; vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý; khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, người dân cần sử dụng kháng sinh tra mắt để chống nhiễm khuẩn như dung dịch Cloroxit 0,4%; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của bệnh nhân. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt, vật dụng cá nhân dễ bị nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, kính mắt; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.

Nên đọc
Theo VTV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo