Sốc: Mỹ - Triều Tiên âm thầm đối thoại về chương trình hạt nhân
Trên mặt báo, giới chức Mỹ và Triều Tiên hầu như không nói chuyện hay tiếp xúc với nhau do rào cản từ những phát ngôn “đụng chạm” tại các hội nghị quốc tế. Trước đó, một nhà ngoại giao Triều Tiên đã gọi đại sứ Mỹ tại Seoul là “một nhân vật phản diện hay một kẻ điên”.
Ngược lại, Tổng thống Mỹ Barack Obama trong bài phát biểu trước các quan chức Liên Hiệp Quốc nói rằng Triều Tiên là một “vùng đất hoang” so với Hàn Quốc.
Theo báo Một thế giới, sau khi kết thúc công việc của mình, các cựu quan chức ngoại giao hay tình báo Mỹ thường xuyên làm việc với các chuyên gia và quan chức cấp cao của Triều Tiên.
Họ tiến hành các cuộc họp ở Singapore, Berlin, Bắc Kinh và nhiều nơi khác trên khắp thế giới để thảo luận về mọi thứ, từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên cho đến những biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với Bình Nhưỡng.
Các cựu quan chức Mỹ cũng nhắc đến những lo ngại an ninh ngày càng tăng ở Washington, Seoul và Tokyo, khi Triều Tiên tiến hành các vụ thử nghiệm tên lửa.
“Triều Tiên hiểu rằng chúng tôi không đại diện cho chính phủ Mỹ. Vì vậy, đôi khi chúng tôi có thể thảo luận một cách cởi mở với các quan chức Triều Tiên, điều mà chính phủ Mỹ không làm được.
Tôi có thể nói với họ rằng: Này, đây là lý do tại sao Nhà Trắng thực hiện điều này với Triều Tiên. Hãy nhìn xem các bạn đang làm những gì”, Leon V. Sigal, một cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nói về những cuộc trò chuyện bí mật giữa các cựu quan chức Mỹ với giới chức Triều Tiên.
Giới chỉ trích nói rằng “đối thoại ngầm” giữa Washington và Bình Nhưỡng là sự lãng phí thời gian, chẳng mang lại kết quả gì. Thêm vào đó, nó chỉ tạo điều kiện để Bình Nhưỡng đưa ra những yêu sách quá đáng của họ, báo Thanh niên đưa tin.
Nhưng John Delury, giáo sư tại Đại học Yonsei ở Seoul cho rằng với kênh thông tin liên lạc giữa Triều Tiên và Mỹ gần như không tồn tại, thì “đối thoại ngầm” trở thành nơi dành cho các cuộc thảo luận không chính thức giữa chính phủ với chính phủ. Đối thoại không chính thức được xem là “cách để Triều Tiên gửi thông điệp gián tiếp trong khi ngại đưa ra trong các kênh chính thức", ông Delury nhận định.
Những người tham gia đối thoại bí mật ít khi bị chất vấn trong khi thông tin từ những cuộc đối thoại này thường được chia sẻ rộng rãi trong giới chuyên gia của chính phủ, học viện và tổ chức tư vấn. Nhiều người đặt vấn đề “đối thoại ngầm” đạt được kết quả gì. Chuyên gia Delury nói rằng câu trả lời tuỳ thuộc vào người được hỏi là ai.
Dù bị xem là không mang lại kết quả gì đáng kể nhưng theo ông Sigal, thông qua những cuộc đàm phán bí mật này, giới chức Mỹ nhận thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng giảm bớt chương trình hạt nhân dù bên ngoài vẫn khẳng định mình là siêu cường hạt nhân. Trong khi đó, vài chuyên gia tham gia trong “đối thoại ngầm” nghĩ ngược lại, cho rằng Bình Nhưỡng không muốn nói đến việc phi hạt nhân hoá.
End of content
Không có tin nào tiếp theo