Sóc Trăng: tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng cho biết: Đứng trước những khó khăn chung của nền kinh tế, nhằm tìm hiểu tình hình hoạt động của doanh nghiệp, trong tháng 12/2012, Sở KHĐT tỉnh đã gởi 1.500 phiếu điều tra khảo sát.
Thông tin phản hồi của các doanh nghiệp cho thấy hiện các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, 43,48% doanh nghiệp không tiếp cận được tín dụng, 43,48% doanh nghiệp không tìm được thị trường tiêu thụ do nhu cầu tiêu thụ giảm và đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm; 28,98% bị khó khăn do lạm phát, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao trong khi khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; 15,85% doanh nghiệp khó tuyển dụng được lao động có tay nghề; 16,43% doanh nghiệp cho rằng họ khó khăn trong tiếp cận thông tin thị trường, pháp luật; 10,63% doanh nghiệp cho rằng họ thiếu kỹ năng quản lý nên quản lý sản xuất chưa hiệu quả; ngoài ra một số doanh nghiệp cũng cho rằng họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất sạch trong thực hiện các dự án đầu tư - sản xuất kinh doanh, thiếu nguyên liệu sản xuất, cạnh tranh không lành mạnh của một số doanh nghiệp,…
Xuất khẩu gạo là thế mạnh của Sóc Trăng
Khi tìm hiểu về nguyên nhân khó tiếp cận về tín dụng, 43,57% doanh nghiệp cho rằng do lãi suất quá cao; 31,43% doanh nghiệp cho rằng họ không tiếp cận được tín dụng do không có nguồn vốn thế chấp; 22,14% cho rằng do thủ tục vay vốn quá phức tạp.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, từng bước ổn định và phát triển sản xuất, với sự hỗ trợ từ Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng, tỉnh sẽ bắt đầu triển khai Kế hoạch 5 năm phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (2012-2016), trong đó tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Một là, tăng cường hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và đào tạo lao động kỹ thuật cho doanh nghiệp. Tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn để tổ chức các lớp đào tạo khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là sẽ tổ chức các lớp đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp như nâng cao kỹ năng quản trị cho lãnh đạo doanh nghiệp, kế toán doanh nghiệp,…Đây được xem là giải pháp bền vững trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp.
Hai là, sớm thành lập và đưa vào hoạt động ổn định Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng - mái nhà chung cho các doanh nghiệp của tỉnh, đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp, và hỗ trợ hoạt động cho các doanh nghiệp.
Ba là, xây dựng và vận hành hệ thống thông tin - giáo dục - truyền thông. Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Cổng Thông tin hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (www.soctrangsme.vn); tiếp tục thực hiện và nâng cao chất lượng chương trình “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa" trên Đài Phát thanh Truyền hình Sóc Trăng,… nhằm góp phần phổ biến kịp thời thông tin thị trường, pháp luật, kinh tế - xã hội,… đến các doanh nghiệp.
Bốn là, tiếp tục cải các các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Đăng tải đầy đủ các thủ tục quy định trên website các sở ban ngành để các doanh nghiệp . Cung cấp các phần mềm tiện ích hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi hơn khi thực hiện các thủ tục theo quy định (như phần mềm tra cứu mã ngành đăng ký mã ngành, tra cứu thông tin doanh nghiệp,…).
Năm là, tỉnh sẽ sớm ban hành chính sách khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh như đào tạo về kế toán, tư vấn tài chính và thuế, tư vấn quản lý, tư vấn đầu tư, hỗ trợ pháp lý, …
Sáu là, tăng cường tổ chức các buổi họp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và tiếp thu khuyến nghị của doanh nghiệp để các cơ quan liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Bảy là, tiến hành nâng cấp chuỗi giá trị cho gạo và hành tím – là 02 sản phẩm thế mạnh và truyền thống của tỉnh, từng bước tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại và tạo nguồn nguyên liệu ổn định cung ứng cho doanh nghiệp hoạt động trong các ngành hàng này.
Tám là, xây dựng và triển khai Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm bảo lãnh tín dụng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tín dụng; và Quỹ Đầu tư phát triển, tạo điều kiện huy động và đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế của tỉnh, giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh.
Chín là, xây dựng và triển khai Đề án thành lập Vườn ươm doanh nghiệp nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực toàn diện cho các doanh nghiệp mới khởi sự hoặc các doanh nghiệp tiềm năng, giúp họ biến những ý tưởng kinh doanh thành hiện thực; giúp học viên trở thành doanh nhân thật sự khi rời khỏi Vườn ươm.
Hy vọng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ thuận lợi hơn trong hoạt động, từng bước ổn định và phát triển sản xuất, góp phần thiết thực hiện vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo