Sôi động mua bán, sáp nhập ngân hàng
Thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng năm 2015 trở nên sôi động ngay từ những ngày đầu năm khi thông điệp sẽ có khoảng sáu thương vụ ngân hàng sáp nhập diễn ra trong năm được phát ra từ chính những lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Thông tin trên thu hút dư luận không chỉ bởi số lượng ngân hàng mà còn bởi tên các "ông lớn" cũng xuất hiện trong quá trình M&A lần này như VietinBank, Vietcombank, BIDV...
Sự vào cuộc của các "ông lớn"
Ðề cập câu chuyện tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã từng nhấn mạnh: Giai đoạn vừa qua, NHNN mới chỉ xử lý những ngân hàng yếu kém nhất trong hệ thống các TCTD. Lúc đó, do môi trường vĩ mô tiền tệ bất ổn nên hạn chế xử lý để bảo đảm an toàn hệ thống. Ðến nay, môi trường vĩ mô ổn định hơn, tiềm lực của NHNN cũng được nâng lên nhiều, cho phép có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Do vậy, NHNN sẽ triển khai quyết liệt và đồng bộ việc tái cơ cấu, sáp nhập và xử lý nợ xấu trong sáu tháng đầu năm 2015 và sáu tháng cuối năm chỉ phải xử lý nốt những việc còn lại.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cũng cho biết, trên cơ sở Ðề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, năm 2015 là năm NHNN sẽ tập trung tạo điều kiện thúc đẩy nhanh các phương án sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD trên cơ sở tự nguyện và đúng quy định pháp luật. Trong đó, sẽ nâng cao vai trò chủ đạo của các NHTM Nhà nước thông qua việc các NHTM Nhà nước tham gia tích cực vào quá trình sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD khác.
Sự "bật đèn xanh" về chủ trương từ cơ quan quản lý Nhà nước như vậy lý giải vì sao tại các cuộc họp đại hội đồng cổ đông hay hội nghị tổng kết cuối năm của các NHTM Nhà nước như Vietcombank và VietinBank, câu chuyện mua bán, sáp nhập đã được đặt trên bàn nghị sự và được các đại biểu nhắc lại nhiều lần. Mặc dù tên tuổi của các ngân hàng đối tác trong các thương vụ sáp nhập chưa được thông tin một cách chính thức, nhưng tại một hội nghị triển khai kế hoạch năm 2015 của một NHTM Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: Tham gia quá trình mua bán sáp nhập đợt này, ngân hàng thương mại không hề mất mát gì về tiền bạc hay tài sản. Cái ngân hàng phải bỏ ra đó là công sức, uy tín, kinh nghiệm, đào tạo. NHNN sẽ có cơ chế chính sách để các ngân hàng thương mại tham gia không bị thua thiệt. Ðơn cử lấy thí dụ như với trường hợp của Vietcombank nếu nhận một ngân hàng nhỏ phía nam về, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã gợi mở những thứ mà ngân hàng sẽ được lợi: Sẽ có được mạng lưới với mấy chục, mấy trăm chi nhánh, phòng giao dịch mà ngân hàng không mất đồng nào; thứ nữa, được tiếng là NHNN góp phần vào tái cơ cấu bởi hiện Vietcombank đang là NHTM Nhà nước nắm cổ phần chi phối mà ở đây NHNN là đại diện.
Xu hướng sáp nhập tất yếu
Hệ thống ngân hàng đang bước vào giai đoạn hai của quá trình M&A. Nhận xét về các ngân hàng đã tham gia sáp nhập giai đoạn một, TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết: Qua giám sát có thể nhận thấy, nhóm ngân hàng yếu kém đã có chuyển biến tích cực như chỉ số về huy động vốn, thanh khoản, xử lý nợ, cho vay/huy động vốn,... đều tăng cao so với mức trung bình chung của toàn hệ thống. Các ngân hàng này cũng đã trả được nợ tái cấp vốn cho NHNN trong thời gian trước. Tuy nhiên cũng vẫn còn một, hai ngân hàng còn khó khăn và cần thêm thời gian để tái cơ cấu.
Năm 2015 được xác định là năm NHNN sẽ xử lý tiếp một bước cơ bản tình trạng sở hữu chéo để hình thành một số TCTD có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh cao. "NHNN kiên quyết xử lý pháp nhân theo quy định của pháp luật đối với những TCTD yếu kém không có triển vọng phục hồi và phát triển, kể cả áp dụng biện pháp giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc", Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh khẳng định. Chính vì vậy, việc phối hợp thúc đẩy sáp nhập, hợp nhất và tăng cường quy mô, năng lực tài chính của TCTD cũng được xác định như một xu hướng tất yếu trong năm 2015.
Cũng nhìn nhận về xu hướng sáp nhập này, TS Vũ Viết Ngoạn đồng quan điểm khi cho rằng: Về mặt chính sách vẫn cho phép các ngân hàng thời gian đầu tự tìm hiểu và "kết hôn" với nhau. Nhưng nếu đến một thời hạn, ngân hàng yếu không thể tự tìm được đối tác thì dứt khoát cần tới sự trợ giúp từ chính sách để bảo đảm lành mạnh hóa hệ thống. "Chắc chắn có những cuộc "kết hôn" gượng ép, nhưng đây là điều cần thiết để bảo đảm lợi ích chung, không chỉ của hệ thống ngân hàng mà cả quốc gia," ông Ngoạn nhấn mạnh.
Theo nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm, không tính đến sáu NHTM trong diện sáp nhập bắt buộc NHNN chỉ định, sẽ có một số NHTM cổ phần thuộc top 2 và 3 chủ động "tìm hiểu" nhau, nếu được sẽ "kết hôn" trong tương lai cho phép. Cụ thể hơn, ngoài diễn biến Southernbank đang chờ ngày sáp nhập với Sacombank, với tiềm lực đủ mạnh ACB có thể tự tái cơ cấu làm mới mình, Eximbank cũng được đồn đoán đang trong quá trình đi "tìm hiểu"...
Như vậy có thể thấy, nếu như giai đoạn một mà ở đó các ngân hàng nhỏ yếu kém tìm cách tự cứu mình bằng việc sáp nhập lại với nhau, thì bước sang giai đoạn hai sẽ là việc tham gia của các "ông lớn" trong hệ thống ngân hàng vào quá trình tái cấu trúc và sẽ trở thành xu thế trong thời gian tới. Những ngày đầu năm này với những diễn biến trên thị trường càng thể hiện xu thế ngân hàng lớn tham gia tái cấu trúc ngân hàng nhỏ đang hình thành nên khá rõ ràng. Các thương vụ M&A diễn ra trong thời gian tới giữa các ngân hàng này có thể vừa để "dọn dẹp" các ngân hàng yếu kém, vừa tăng quy mô, nâng cao hiệu quả cho những ngân hàng lớn, giúp ngân hàng Việt Nam có thể cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực.
Theo Nhân Dân
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Xăng giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo