Sói già Hoàng Sa trổ tài trên biển
Trong những ngày căng thẳng giữa điểm nóng Hoàng Sa, tôi chạy như con thoi từ dưới mạn lên cabin, từ mũi ra đuôi tàu rồi ngược lại, vẫn luôn thấy thuyền viên bình thản lạ lùng. Tất cả cùng thao tác răm rắp và chuyên nghiệp. Đặc biệt, trên cabin, dáng hình thuyền trưởng Nguyễn Văn Còn B cứ sừng sững...
Những cú bẻ lái, vọt ga, rẽ trái, quẹo phải, tăng tốc… của các tàu trong tổ đội diễn ra như phim hành động. Và không phải ngẫu nhiên, “chiến mã” ĐNa 90039 được chọn là tổ đội trưởng tổ đội tàu cá Thanh Khê (Đà Nẵng) vươn khơi trong thời điểm này, sát cánh bên tàu ĐNa 90235 của anh Trương Văn Hay.
Chú Tám trổ tài
60 tuổi, thuyền trưởng Nguyễn Văn Còn B là “sói già” Hoàng Sa còn hiếm hoi sót lại của thế hệ thuyền trưởng vang danh đội tàu Thanh Khê oanh liệt một thời. “Thế hệ tui giờ đã nghỉ hưu, bàn giao tàu cho con cháu hết rồi” - ông bần thần trong đêm Hoàng Sa u tịch.
Như đã nói, màn bẻ lái nhanh như điện xẹt của Lê Dũng, thuyền trưởng ĐNa 90098 vào trưa 14/5, thoát khỏi cú chồm húc hung hãn của “trâu xanh” vẫn bị ông cậu Còn B quát mắng ầm ĩ qua Icom. Rồi những ngày sau đó, những mệnh lệnh chỉ đạo chính xác của ông giúp biên đội đứng vững trước vòng vây ngày càng quây chặt của tàu cá Trung Quốc.
“Nạt những Chiến, Dũng, Thương… không phải chuyện đùa. Toàn mấy tay thiện nghệ, nói lơ mơ chúng nó chửi ngay, chả kiêng nể gì đâu. Chuyện nghề ấy. Ngoài đời thì chú cháu, trên dưới rõ ràng, nhưng bước vào những cuộc như thế này, phải ngon thì mới nói được chúng nó” – ông chắc nịch.
Những cú tăng tốc ngoạn mục của thuyền trưởng Còn B ngày 13 và 14/5 chưa phải là tuyệt kỹ đỉnh cao, mà màn cắt đuôi, tăng tốc và làm tàu cá Trung Quốc lỡ trớn ngày 15/5 mới phô diễn hết tài nghệ, sự quyết đoán sắc lạnh của ông. Khi ấy khoảng 19 giờ tối, anh em trên tàu nghỉ tạm sau cả ngày bị quần thảo mệt mỏi.
Tàu đang cách giàn khoan Hải Dương 981 chừng 5 hải lý, “trâu đen”, “trâu xanh” Trung Quốc vẫn quây bịt bùng. Thoáng thấy biên đội tàu Thanh Khê nhúc nhích, hàng loạt tàu cá Trung Quốc lại khởi động lao tới, vẫn chiến thuật là áp sát, không ngại đâm, húc, va và cài bẫy tạo tình huống.
Vẫn là “trâu xanh” 98003, dường như đã được phân định kèm riết tàu ĐNa 90039 lần này ép ngay bên mạn rồi bất ngờ hú còi tu tu, khuấy động cả một vùng biển. Bên mạn kia là một tàu khác, trước mũi là hai tàu sắt màu ghi. Cài số lùi? Tiến sát vào giàn khoan để lọt hẳn vào trận địa mai phục và chưa biết lúc nào sẽ thoát ra, cùng với đó sẽ là quãng thời gian cực kỳ nguy hiểm cho toàn bộ anh em cũng như sinh mạng cả con tàu.
Ông Còn B cài số lùi thật. ĐNa 90039 rì rì giật lùi, gần như lọt hẳn vào trận địa hơn 5 tàu sắt Trung Quốc đang đón lõng. Ánh đèn pha sáng rực cả một vùng, nhoay nhoáy rọi vào tâm điểm là tàu chúng tôi. Đặc biệt trên cabin, giờ rõ như ban ngày.
Tất cả nín thở. 5, 10 rồi 15 phút. Tôi như bất động nhìn ông Còn B, lúc này cũng không chớp mắt. “Chú Tám. Vọt”! – Tiếng thét đanh gọn từ phía đuôi tàu. Đang cài số lùi, rê bánh lái. Ông Còn B ngồi bật dậy. Sang số, nhấn ga, bẻ lái, ba thao tác đó được ông làm trong chớp mắt. Con “chiến mã” ĐNa 90039 vọt lên, lách vào kẽ hở giữa “trâu xanh” và một tàu màu ghi khác nhỏ hơn.
“Trâu xanh” lỡ trớn lao theo không kịp, suýt nữa va vào tàu sắt màu ghi ngay đầu mũi. Tiếng hò reo vang dậy cả góc biển. Trên Icom ồn ào lời chúc mừng từ các đồng đội. Có thể nói, đó là pha xử lý đỉnh cao nhất của người thuyền trưởng già.
“Thấy chú Tám xử lý chưa? Mình không quyết đoán quả đó, nó đã tạo được một tình huống bẫy tàu mình chủ động đâm tàu cá Trung Quốc. Tàu họ lớn, chỉ cần một cú húc nặng bên mạn thôi, ta chìm là cái chắc. Anh em chú không lo vì họ bơi trên biển còn giỏi hơn chạy bộ. Nhưng…” - ông dừng lời nhìn qua tôi. Thời gian như đứng lại. “Chú Tám” là tên gọi thân thương và kính trọng của thuyền viên đối với vị chỉ huy Nguyễn Văn Còn B.
Trắng đêm đó, cùng trực canh cabin với ông, những thời khắc hiếm hoi được ngồi bên ông trò chuyện, mới thấu hiểu được góc khuất đằng sau dáng vẻ oai nghiêm thủ lĩnh, mệnh lệnh như sơn của ông. Học hết lớp 5, đến giờ chữ đã bay theo thời gian. 17 tuổi đã lên tàu, 20 tuổi làm thuyền trưởng đến tận hôm nay. Không biết chữ, nhưng kho kinh nghiệm, thần thái ứng xử, cốt cách quân tử của ông là cả một câu chuyện cực kỳ hấp dẫn.
“Ronaldo” của biển
Không có nhiều những giây phút nghỉ ngơi giữa biển trong chuyến hải trình khổ ải ra Hoàng Sa giữa “tọa độ nóng” lúc này. Toàn tàu thức dậy từ 4h30 sáng và kết thúc công việc lúc 10h đêm. Một số được ngủ, số còn lại phải trực canh. Mặc dù vậy, có một người không cần phải làm việc nhiều, được đặc quyền nghỉ ngơi, không tham gia việc vặt. Đó là ngư phủ Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1968.
“Tui không chức, không danh thuyền trưởng hay máy trưởng, nhưng vắng tui là khó làm ăn” - ngư dân 46 tuổi ấy tự tin nói sau một cú bẻ lái thành thạo thoát hiểm khỏi vòng vây tàu Trung Quốc.
Từng là lính đặc công, giải ngũ trở về làng chài Thanh Khê, anh Thành đầu quân vào đội ngư phủ xa bờ. Ngườithấp đậm vạm vỡ, nụ cười hiền, nước da đồng hun sóng sánh giữa nước biển Hoàng Sa, anh Thành được mệnh danh là “rái cá”, là một trong những thợ lặn lành nghề bậc nhất ở Đà Nẵng.
Chiều ấy, sau cú thoát vòng vây, anh Thành nhảy ùm xuống biển như chứng minh những lời nhận xét của đồng nghiệp là không ngoa chút nào. Cú lặn sâu biểu diễn ém hơi mấy phút giữa Hoàng Sa có độ sâu gần 2 ngàn mét. “Chưa ăn nhằm gì đâu” – ngư dân trẻ Nguyễn Ngọc Trọng thốt lên thán phục.
Anh Thành kể, kinh nghiệm để đời từ mấy năm làm lính đặc công giúp anh có kỹ thuật lặn ém hơi, không cần bình thở cả mấy phút, xuống độ sâu vài chục mét. Nhưng đó chưa phải là biệt tài duy nhất để hiện nay, anh đang là “ngôi sao” được các tàu cá Đà Nẵng mời về.
Anh thổ lộ, mấy năm gần đây, ngoài mức thu nhập bắt buộc phải có mỗi lần ra khơi, nếu tàu nào muốn “sở hữu” Thành, phải có phí lót tay. Mức giá ban đầu một tàu đưa ra là 30 triệu, đến nay đã đội lên 70–80 triệu, mức giá cao nhất hiện nay. Tuy nhiên, là cháu kêu ông Còn B bằng cậu, anh Thành vẫn ở lại với “chiến mã” ĐNa 90039. “Quen rồi, đói no cùng hưởng”.
Biệt tài của anh Thành đó là sự đa năng, anh có thể lặn, làm tài công, máy trưởng, kéo dù, nấu ăn… tất tật công việc được anh làm vô cùng chuyên nghiệp. Và điểm quan trọng nhất, anh là người có đôi mắt tinh tường, giác quan biển cả nhạy bén. Gặp luồng cá, anh nói: Chỗ này cỡ 10 tấn. Khi thả lưới, kéo lên sai số chỉ vài tạ. Đây là điểm mấu chốt khiến “phí chuyển nhượng” của ngư phủ Nguyễn Văn Thành tăng vù vù.
“Có Thành, tiết kiệm được rất nhiều công sức. Gặp luồng cá vài tạ mà cũng quăng lưới thì coi như đứt. Kéo lên kéo xuống tay lưới ngàn cân cũng mất vài ngày” - thuyền trưởng Còn B nói. “Không chi khó cả, nhìn qua, tui lặn xuống, quan sát được và đánh giá. Lặn xong, tui bảo anh em.
Đó, thả lưới đi, tui… nghỉ” – anh cười sảng khoái, rũ tong tong những giọt nước biển khỏi khuôn mặt rám nắng. Không dễ để ai cũng được như anh Thành. Cũng chính trên tàu ông Còn B mấy năm trước, ngư phủ tên Sơn chết bất đắc kỳ tử ngoài Hoàng Sa. Y học bó tay, người nói đột quỵ, kẻ bảo ruột thừa.
Nhưng sự thật, Sơn chết vì ngạt nước khi lặn quá sâu, kỹ thuật ém hơi không đúng. Mới đây, cũng một thợ lặn khác giờ phải ngồi xe lăn, bán thân bất toại vì áp suất nước sâu làm teo hết chân tay. “Xuống độ sâu vài chục mét, sống chết chỉ trong gang tấc” – ngư phủ Thành tâm sự.
Máy trưởng Nguyễn Văn Trường, nói ngắn gọn: Ra Hoàng Sa thời điểm này, giữa vòng vây nguy biến, không có những “ngư dân siêu phàm” như chú Tám, như Thành, Tiến…, bọn tui khó mà yên tâm!
Khi độc giả đọc những bài này, ngoài kia, biên đội tàu cá Đà Nẵng, Quảng Nam… vẫn đang kiên cường bám trụ ngư trường quanh khu vực giàn khoan. Và nữa, hàng ngàn tàu cá đã, đang và sẽ Hoàng Sa thẳng tiến, không quản ngại hiểm nguy. Họ gửi gắm điều gì cho triệu triệu con tim Việt? Mời bạn đọc xem kỳ cuối: “Những cột mốc can trường giữa trùng khơi”.
Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo