Dự án mở rộng nhà máy sợi với tổng vốn 33,9 triệu USD được Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ kỳ vọng sẽ là “át chủ bài”trước khi lên sàn.
Không đơn thuần chỉ là đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực cung ứng các sản phẩm sợi, mà việc đổ một lượng vốn lớn vào Dự án trên còn là cách để Sợi Thế Kỷ có thể thu hút được các nhà đầu tư chiến lược trong đợt bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) dự kiến vào cuối năm nay hoặc chậm nhất là đầu năm 2015.
Theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, Công ty dự kiến huy động thêm tối thiểu 54 tỷ đồng thông qua phương án phát hành 3 triệu cổ phiếu ra công chúng, với giá khởi điểm bán đấu giá 18.000 đồng/cổ phiếu.
Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ cho biết, Dự án được thực hiện trong vòng 270 ngày, kể từ lúc khởi công và do Công ty cổ phần Dinco đảm nhận phần xây lắp, kết cấu thép và hoàn thiện.
Tại thời điểm hiện tại, dự án vẫn đang bám sát tiến độ xây dựng. Theo kế hoạch, trong tháng 10/2014, sẽ tiến hành lắp đặt máy móc, thiết bị, rồi tiến hành chạy thử.
Nhằm đưa sản phẩm sợi có chất lượng, theo kịp với sản phẩm cùng loại của nhiều tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới, tại Dự án này, Sợi Thế Kỷ đầu tư toàn bộ máy kéo sợi DTY tự động có công nghệ hiện đại nhất hiện nay do Oerlikon Barmag, tập đoàn hàng đầu châu Âu cung cấp.
Bởi vậy, khi đầu tư mua sắm máy móc, công nghệ hiện đại, mục tiêu mà Sợi Thế Kỷ hướng đến là nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa, nhằm đem lại sự hài lòng tốt nhất cho khách hàng, đồng thời giúp gia tăng sản lượng cho Công ty.
Theo đó, từ đầu quý III/2015, 50% công suất thiết kế sẽ được đưa vào khai thác thương mại và 50% công suất còn lại sẽ tiếp tục đưa vào khai thác từ quý I/2016. Và kể từ thời điểm này trở đi, nhà máy sẽ chạy 100% công suất thiết kế.
“Sản lượng 50.000 tấn sợi DTY, POY/năm là mức tối ưu đối với một doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng sợi. Khi dự án này đi vào vận hành hoàn chỉnh, Công ty sẽ có điều kiện để tối đa hóa các giá trị gia tăng”, ông Hòa cho biết thêm.
Trong ngành dệt may Việt Nam, nhất là mảng sản xuất sản phẩm phụ trợ, như xơ sợi, dệt nhuộm, với sản lượng hiện tại ở mức 37.000 tấn/năm, Sợi Thế Kỷ hiện nằm trong nhóm doanh nghiệp sản xuất sợi quy mô lớn và sở hữu những lợi thế hơn hẳn so với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực.
Không những thế, Công ty còn được đánh giá sẽ có nhiều lợi thế, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, Sợi Thế Kỷ là một trong không nhiều doanh nghiệp dệt may sở hữu những yếu tố thuận lợi cho việc tìm kiếm cổ đông chiến lược.
5 năm trở lại đây, mức tăng trưởng về doanh thu của doanh nghiệp này luôn đạt ở mức 2 chữ số. Cụ thể, trong thời gian từ năm 2009 đến 2013, doanh thu của Sợi Thế Kỷ liên tục tăng bình quân 41%/năm và đạt 1.453 tỷ đồng năm 2013.
“Lợi nhuận sau thuế năm 2013 của Công ty đạt 74,4 tỷ đồng là con số đáng mơ ước với các doanh nghiệp cùng ngành, nghề. Hơn 70% sản phẩm của Sợi Thế Kỷ được xuất sang thị trường châu Âu và châu Á”, đại diện SSI nói.
Công ty đã xây dựng mạng lưới khách hàng rộng khắp, gồm nhiều nhà sản xuất có tên tuổi, như Formosa Taffeta, Dệt may Thành Công, Tập đoàn Thái Tuấn, các công ty sản xuất cho các thương hiệu lớn trên thế giới như Nike, Adidas, Decathlon, Uniqlo, Columbia, Guess...
Những mối quan hệ bạn hàng mang tầm quốc tế kể trên chắc chắn sẽ hỗ trợ Sợi Thế Kỷ nhiều hơn trong những năm tới, khi quy mô cung ứng sợi được tăng lên.
Năm 2014, dù nhu cầu sợi thế giới chưa thực sự tăng như thời điểm trước khủng hoảng, song Công ty đã đặt mục tiêu doanh thu gần 1.600 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2013; lợi nhuận trước thuế 119 tỷ đồng, tăng 25% 6 tháng đầu năm 2014, Sợi Thế Kỷ đạt lợi nhuận trước thuế 68 tỷ đồng, đạt trên 50% kế hoạch năm.
Theo Đầu Tư