Pháp luật

Sơn La: Tiếng kêu oan thống thiết của gia đình liệt sỹ

(DNVN) - Những ngày tháng 7, nhân dân cả nước tri ân tới các gia đình thương binh – liệt sỹ bằng nhiều việc làm đền ơn đáp nghĩa thiết thực và cảm động. Vậy mà, tại Sơn La, một gia đình liệt sỹ bị tranh chấp đất trên chính nhà mình đã kêu oan 11 năm nay, với gần 200 lá đơn gửi đi khắp nơi nhưng chưa cơ quan nào giải quyết dứt điểm.

Người đứng đơn là chị Đàm Thị Tươi, con gái liệt sĩ Đàm Văn Tặng. Liệt sỹ Đàm Văn Tặng, hi sinh năm 1967, để lại người vợ trẻ là Vũ Thị Hiên, khi đó mới có 36 tuổi và 2 con nhỏ - đứa bé (chị Tươi), mới sinh, không biết mặt bố. 

Cụ Hiên lọt thỏm trong căn nhà đang rình đổ ập xuống.
Cụ Hiên lọt thỏm trong căn nhà đang rình đổ ập xuống.

Từ đó, người mẹ trẻ  ở vậy làm lụng nuôi con, thờ chồng. 5 năm nay, cụ Hiên mắc bệnh tâm thần,  mất trí  nhớ, không điều khiển được hành vi; vợ chồng chị Tươi đón cụ về chăm nuôi. Hiện 5 người, gồm cụ Hiên, vợ chồng chị Tươi và hai người con trai của chị đang sống trong ngôi nhà số 439, tổ 4, phường Quyết Tâm, Thành phố Sơn La.

Ngoài trời nắng như thiêu đốt. Chúng tôi bước vào ngôi nhà thấp tè, xập xệ càng thấy nóng hơn bởi yếm khí, ngột ngạt. Phòng ở của cụ  Hiên tối om, hơi nóng bốc lên khó chịu, không thứ đồ đạc gì đáng giá. 

Bức tường nứt toác. Trên giường, cụ Hiên  nằm còng queo, gầy xác, cạnh đó là đống gạch. Chị Tươi giải thích, bức tường nứt, lún, chị phải chèn gạch thế này, ngộ nhỡ đêm hôm bất thình lình tường đổ… 

Tôi hỏi, sao gia đình không cố vay mượn xây ngôi nhà cho tử tế? Chị Tươi ứa nước mắt, đất nhà chị đang thuộc diện tranh chấp, không dám xây. Rồi chị bật khóc: “Nhưng em có tranh chấp với ai đâu! Nhà em đang sống yên lành, đất nhà em có sổ đỏ từ lâu. 

Căn nhà cấp 4 bé nhỏ và bị chính quyền xã
Nhà chị Tươi (nhà cấp 4) bên những ngôi nhà cao tầng.

 

"Bỗng nhiên chính quyền tắc trách, cấp đất cho gia đình bên cạnh trùm lên đất nhà em. Chính quyền đã thừa nhận làm sai nhưng không giải quyết dứt điểm, khiến em phải đi đòi quyền lợi suốt 11 năm nay, chứ nhà em có tranh chấp với ai đâu. Đây, các anh xem đi…”. 

Nói đoạn, chị đưa cho chúng tôi một tập tài liệu, dễ đến hàng cân. Quả nhiên, các  quyết định, biên bản, công văn ... trong tập tài liệu này, chính quyền địa phương đã thừa nhận sai sót trong việc cấp đất cho hộ liền kề vào đất của gia đình chị Tươi.  

Trong tập tài liệu, chúng tôi còn nhận thấy nhiều quyết định trái luật; thể hiện sự đùn đẩy trách nhiệm theo kiểu… “đá bóng”. Thậm chí, tại Công văn số 08-CV/UBKTTU, ngày 13/10/2010 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La, về việc  thông báo kết quả giải quyết đơn thư cố cáo, chúng tôi phát hiện có dấu hiệu của sự bao che cho cấp dưới và lừa dối dân. 

Nhưng chuyện này kể sau. Ở đây, chúng tôi muốn nói về việc thực thi pháp luật của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong tập tài  liệu có khoảng 200 lá đơn của chị Tươi kêu cứu tới các cấp, các ngành. 

Nhiều đơn thư kêu cứu đã gửi đi nhưng vẫn bặt âm tín.
Nhiều đơn thư tố cáo đã gửi đi nhưng vẫn bặt âm tín.

 

Chị Tươi cẩn thận tới mức, đơn thư gửi tới đâu chị đều yêu cầu  người nhận “ký sống” vào đơn; nếu gửi qua Bưu điện, chị Tươi lưu giữ biên lai. Trong số biên lai của Bưu điện, có 54 biên lai ghi nhận đơn thư chị Tươi gửi tới Tỉnh ủy Sơn La, trong đó có 6 đơn thư gửi đích danh  ông Hoàng Văn Chất, Bí thư  Tỉnh ủy Sơn La từ khi ông Chất làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La (năm 2008).

Chúng tôi chào cụ Hiên ra về. Bỗng cụ Hiên nhỏm dậy cười ngây ngô, giọng thều thào: “Các con ở lại ăn cơm đã”. Chị Tươi rưng rưng: “Cụ tưởng các anh ở Vietnam Airlines Điện Biên. Vietnam Airlines Điện Biên nhận đỡ đầu cụ; trợ  cấp hàng tháng cho cụ.

Các anh chị trên ấy tốt lắm. Ngày lễ, ngày Tết hay lúc cụ ốm đau, đi viện, dù mưa gió, rét mướt, các anh chị trên ấy đều đến thăm, cho quà, rồi chăm sóc, động viên cụ như chính con của đẻ cụ. Vậy mà…”

Rời nhà chị Tươi, tôi ngoái lại. Dáng chị nhỏ bé, tôi nghiệp trước ngôi nhà thấp tè, xập xệ, bên cạnh những ngôi nhà cao tầng ngạo nghễ. Rồi tôi chợt hỏi, không hiểu chị lấy sức lực ở đâu mà suốt 11 năm vừa kiếm sống để nuôi mẹ già, nuôi con ăn học và chạy khắp nơi kêu oan? 

Và, liệu tiếng kêu thống thiết của chị có tới được những người có trách nhiệm cao nhất của tỉnh và những người công bộc của dân, lo cho dân hay không?  Và, đến bao giờ, thân nhân gia đình liệt sỹ Đàm Văn Tặng mới hết đọa đày; mới được làm ngôi nhà trên chính mảnh đất của mình? 

 

Báo Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin mới nhất đến bạn đọc.

Nhóm PV điều tra
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo