Sống chung với rác thải bệnh viện
Bức xúc...
Theo phản ánh, tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) diễn ra từ lâu, nguy cơ tiềm ẩn nhiều hệ lụy đối với cuộc sống người dân về lâu dài. Mặc cho người dân kiến nghị nhiều lần, nhưng đến nay vẫn không được các cơ quan chức năng xem xét, tìm phương án xử lý.
Ông Nguyễn Duy Liệu, Trưởng Khối phố 10 cho biết: "Khu xử lý rác thải bệnh viện nằm cách khu dân cư khoảng 50m. Vào mùa nắng nóng mùi hôi thối bốc lên, mỗi lần đốt rác khói mùi khét lẹt cả một vùng. Mùa mưa nước thải bẩn ở bệnh viện ngấm xuống đất rồi chảy lênh láng ra đường của khu dân cư, theo nguồn nước vào giếng sinh hoạt của người dân. Người dân chúng tôi rất lo lắng”.
Nguyên nhân để nước thải y tế trôi chảy ra khu dân cư, người dân phản ánh ở bệnh viện Hương Khê từ trước tới nay không có hệ thống xử lý nước thải, nước thải được xả ra trực tiếp. Năm 2010, UBND huyện Hương Khê đã có quyết định thu hồi gần 1 hec ta đất để mở rộng khuôn viên bệnh viện, phục vụ hai công trình gồm có khoa lây và khu xử lý rác thải bệnh viện (gồm có rác thải y tế, nước thải) để xử lý thực trạng này. Kế hoạch triển khai mà người dân được họp bàn là sẽ di dời một số hộ dân ở quá gần khu xử lý rác thải ra khỏi khu vực, đồng thời sẽ có một đường ống dẫn nước thải bệnh viện ra xa khỏi khu vực dân cư (theo thiết kế xây dựng thì đường ống được dẫn nước thải ra khu vực nằm ở Khối 14). Vậy nhưng, đến nay kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện!.
Ông Nguyễn Duy Liệu, Trưởng Khối phố 10, thị trấn Hương Khê bức xúc: "Từ ngày khu xử lý rác thải được vận hành người dân càng thêm lo lắng, bởi nền nhà dân thấp hơn so với công trình 2-3m. Trong khi đó, hệ thống thoát nước theo thiết kế không được lắp đặt, chỉ cần có mưa to thì toàn bộ nước thải bệnh viện sẽ ngấm vào nền đất sau đó tuồn hết xuống khu dân cư. Bây giờ chúng tôi không có biện pháp gì cả”.
Nước bẩn từ bệnh viện còn dính vết vào tường quanh khu vực dân cư sau trận mưa, nhưng cực chẳng đã người dân nơi đây vẫn phải chịu đựng. Không nhà nào đủ điều kiện chuyển đến nơi ở khác, cũng không đủ tiền mua các loại máy lọc nước hiện đại để lọc nước sinh hoạt. Trước mắt, hậu quả chưa thấy rõ nhưng không ai dám chắc về lâu dài sẽ không có những hệ lụy.
Đó mới chỉ là chuyện nguồn nước, người dân nơi đây còn bức xúc việc bệnh viện để chất thải rắn y tế trộn lẫn rác sinh hoạt xả ra bãi rác cộng động mà không qua xử lý lò đốt. Đã nhiều năm, HTX môi trường thị trấn Hương Khê hợp đồng thu gom rác hàng ngày ở bệnh viện rồi đưa ra bãi rác thị trấn xử lý chôn lấp, người dân khẳng định việc này hoàn toàn có cơ sở. Một số hộ dân ở gần khu xử lý rác thải bệnh viện khẳng định thêm, lò đốt rác ở bệnh viện được đầu tư gần năm năm nhưng mới chỉ một lần thấy vận hành sử dụng.
Đầu tư tiền tỷ “gánh” thêm nỗi lo
Trong khi nạn rác thải y tế đang tiếp tục làm đau đầu các cơ quan quản lý thì tại Hà Tĩnh, một dự án trang bị lò đốt rác cỡ nhỏ cho các bệnh viện cấp huyện được thực hiện từ năm 2010. Đây được xem như một trong những giải pháp xử lý rác thải y tế hiệu quả được chờ đợi từ bệnh viện đa khoa huyện Hương Khê.
Ông Nguyễn Hoàng Sang, Giám đốc bệnh viện cho biết: "Trung bình mỗi bệnh nhân hằng ngày xả ra khoảng 3 -5 kg rác, trong đó có cả rác thải y tế và rác sinh hoạt. Rác thải y tế bao gồm bông băng dính, dịch truyền, chai lọ đựng thuốc và cả các chất hữu cơ...".
Giả định ở mức thấp, mỗi ngày có 50 bệnh nhân, thì bệnh viện đã có khoảng 2 tạ rác được thải ra. "Vậy phải xử lý rác thải y tế thế nào để hạn chế nguồn lây nhiễm bệnh?". Để trả lời câu hỏi ấy, ông Sơn ngay lập tức cử nhân viên đưa phóng viên tới lò đốt rác thải. Gọi là lò nhưng nó giống như một gian nhà rộng không đầy10 m2 , mái lợp tôn có ống khói xuyên qua mái cao chừng 1m, bao quanh là rào sắt hình ô vuông. Thế nhưng, xung quanh lò đốt cỏ mọc um tùm không có dấu vết của người ra vào, cửa được khóa chặt, thiết bị bên trong hoen. Trao đổi vấn đề này, giám đốc bệnh viện lại khẳng định không hề biết và nói rằng đã giao cho bộ phận hành chính phụ trách.
Qua tìm hiểu được biết, hệ thống xử lý thải y tế ở bệnh viện Đa khoa Hương Khê được đầu tư gần 5 tỷ đồng theo ngồn vốn trái phiếu Chính phủ, Sở Y tế Hà Tĩnh làm chủ đầu tư (gồm có hệ thống xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng, kho chứa chất thải rắn) và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2010. Song từ khi đi vào sử dụng lại không hiệu quả nên bài toán xử lý rác thải của bệnh viện vẫn đang là nỗi ám ảnh với người dân nơi đây.
Thực trạng cần sớm được xử lý
Ông Phan Quốc Lập - Trưởng phòng TN&MT huyện Hương Khê cho biết: Thực trạng ô nhiễm môi trường ở bệnh viện huyện Hương Khê diễn ra đã nhiều năm, đến nay vẫn chưa được giải quyết. Hàng năm chúng tôi đều tiến hành kiểm tra và phát hiện những sai phạm nhưng phía bệnh viện vẫn chưa chịu khắc phục. Sắp tới sẽ tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra”.
Báo cáo quan trắc định kỳ lần I năm 2014 của Trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường Hà Tĩnh, cho biết thực trạng rác thải tại bệnh viện này: Tổng lượng chất thải rắn thông thường phát sinh trong ngày là 20 kg, phát sinh trong 6 tháng là 3.600kg; Tổng lượng rác thải rắn y tế nguy hại phát sinh trong ngày là 3kg, phát sinh trong 6 tháng là 54 kg.
Theo kết quả đánh giá, ở bệnh viện đa khoa huyện Hương Khê đã có những biện pháp thu gom, phân loại dạng các chất thải rắn y tế theo QĐ43/2007/QĐ-BYT. Tuy nhiên, một số dạng chất thải rắn có thể phân loại tái chế vẫn để trộn lẫn xử lý cùng với rác thải thông thường, loại rác thải này được bệnh viện hợp đồng thuê HTX môi trường thị trấn Hương Khê xử lý bằng cách chôn lấp; Chất thải là nước hiện vẫn chưa xây dựng được bề mặt xử lý riêng. Ngoài ra, bệnh viện vẫn chưa có nhà lưu giữ chất thải rắn. Giải pháp xử lý tạm thời chất thải rắn vẫn là đốt bỏ.
Có thể thấy, mặc dù đã được đầu tư dự án hàng tỷ đồng hệ thống xử lý rác thải nhưng câu chuyện nhức nhối về môi trường lâu nay ở bệnh viện huyện Hương Khê vẫn chưa có những chuyển biến tích cực. Theo đề xuất của cơ quan chuyên trách về môi trường, rất cần giải pháp đồng bộ từ thu gom đến xử lý, cũng như công nghệ và tài chính để sớm chấm dứt thực trạng này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất