‘Sống khỏe’ nhờ làm linh kiện cho Nhật
Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) đang kêu ca không đủ năng lực hay điều kiện của các DN ngoại quá khắt khe thì vẫn có một số DN Việt Nam thành công nhờ cung ứng linh kiện, phụ kiện cho những tập đoàn hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Đức, Ý…
Vinavit, Bách Tùng, Duy Khanh… là những DN 100% Việt Nam có gian hàng trưng bày sản phẩm, giới thiệu công nghệ hiếm hoi tại triển lãm về công nghiệp hỗ trợ do Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cùng các đơn vị phối hợp tổ chức tại TP.HCM (từ ngày 9 đến 11-10).
Trung thực, kiên nhẫn là chìa khóa thành công
Ông Hà Long Quốc, Giám đốc Công ty Vinavit (TP.HCM), cho biết DN ông chuyên sản xuất và phân phối sản phẩm ốc vít, bù-long với chất liệu bằng thép không gỉ có dung sai chặt chẽ, được kiểm soát nghiêm ngặt. Hiện 40% sản phẩm của DN xuất khẩu đi nước ngoài, chuyên cung cấp cho các công ty điện tử hàng đầu của Nhật Bản như Haier, Toshiba…
“Không phải DN Việt Nam không đủ khả năng sản xuất ốc vít, phụ kiện cho DN nước ngoài mà chính là họ không đủ kiên nhẫn để đáp ứng những yêu cầu phía nước ngoài đưa ra. Ví dụ khi Vinavit sản xuất chốt mô-tơ cho các thiết bị điện tử của Toshiba, DN đã mất 4-5 năm mới có thể trở thành nhà cung ứng như ngày hôm nay. Ban đầu, các DN nước ngoài chỉ đặt số lượng hàng rất ít để họ kiểm tra mẫu, chất lượng có đạt chuẩn không. Sau đó, mất một thời gian dài DN nước ngoài mới đặt hàng với số lượng tăng dần. Và đến lúc thật an tâm họ mới ký những đơn hàng lớn” - ông Quốc chia sẻ.
Tương tự, cũng mất năm năm Công ty TNHH Xây dựng và Cơ khí Bách Tùng (Bình Dương) mới trở thành nhà cung cấp sản phẩm mấu nối các đường cáp điện trong thiết bị của Công ty Fujikura (Nhật Bản). Ông Nguyễn Bá Tòng, Giám đốc Công ty Bách Tùng, cho hay người Nhật rất cẩn thận, mỗi mẫu sản phẩm họ đều theo dõi chất lượng từ sáu tháng đến một năm. Nếu DN của ông không kiên nhẫn chờ đợi để đáp ứng đòi hỏi của phía nước ngoài mà đi sản xuất cho các thị trường khác thì chắc chắn không có ngày hôm nay.
Theo ông Tòng, sự trung thực chính là chìa khóa thành công khi làm việc với DN Nhật Bản. Các sản phẩm linh kiện, phụ kiện của DN Việt Nam sản xuất thường bị lỗi, chất lượng không đồng đều, chỉ cần phát hiện là họ chấm dứt hợp tác. Trong vòng hai năm, Bách Tùng đã thuyết phục được công ty điện tử Foster (Nhật) để cung cấp các phụ kiện chi tiết. Lý do đơn giản mà đại diện Foster đưa ra là DN Việt Nam uy tín. Khi sản phẩm bị lỗi nhỏ, DN không lấp liếm, đổ lỗi cho bất cứ lý do gì mà phải báo lỗi trước khi hàng đến tay họ. Nếu họ không chấp nhận những lỗi đó thì phải sản xuất lại lô hàng.
Cơ hội được DN Nhật giúp sức
Ông Hirokata Yasuzumi, Giám đốc điều hành JETRO, cho biết theo một nghiên cứu của JETRO, tỉ lệ phụ tùng mà các DN Nhật mua tại Việt Nam chỉ chiếm 32% trong khi mua tại Trung Quốc chiếm 64% và 53% tại Thái Lan. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh xuất khẩu và lợi ích kinh doanh của Việt Nam.
“Vì vậy, chúng tôi thành lập một tổ chức diễn đàn các DN Nhật, Việt và các tổ chức chính phủ có liên quan cùng hợp tác vì sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Thông qua các hoạt động triển lãm thường niên, Nhật Bản sẽ đưa sang hàng trăm thương hiệu toàn cầu về máy công cụ, công nghệ gia công kim loại, những thương hiệu hàng đầu trong ngành chế tạo điện tử để giới thiệu giúp DN tiếp cận với công nghệ mới” - ông Yasuzumi nói.
Ông Kanzawa Toshio, Công ty Takashima, cho biết nhiều DN Nhật Bản tại triển lãm không chỉ cung cấp công nghệ mà sẽ tìm kiếm mối hợp tác lâu dài với DN Việt Nam trong việc cung ứng phụ tùng, linh kiện. Qua đó sẽ giúp DN Việt Nam chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.
Theo ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), đây là dịp để DN Việt Nam học hỏi công nghệ, kết nối với các nhà mua hàng, đẩy mạnh xuất khẩu.
Kiểm chứng năng lực bằng thực tế
Đại diện Công ty Duy Khanh (TP.HCM) hiện cung ứng các chi tiết máy cho các công ty Sanyo, Toshiba (Nhật), Schneider Electric (Pháp)…, cho biết yếu tố thành công tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp hỗ trợ cho DN nước ngoài chính là hệ thống quản lý. Đa phần những DN Việt Nam muốn hợp tác với DN Nhật, Hàn đều đã có thiết bị, máy móc tốt đủ năng lực sản xuất. Nhưng trong 10 điều kiện DN ngoại đưa ra, DN Việt Nam chỉ mới đáp ứng khoảng bảy điều kiện, những cái khác là bất khả thi. DN ngoại không chỉ cần lời nói “tôi làm được, tôi đủ khả năng” của DN Việt Nam mà họ sẽ kiểm chứng bằng thực tế có bằng chứng xác thực. Như một sản phẩm đủ điều kiện phải có nhà máy, phải có hệ thống quản lý chất lượng ISO, tiêu chuẩn môi trường, xử lý nước thải. Nhân lực phải được đào tạo, nguồn nguyên liệu phải có xuất xứ, các công đoạn sản xuất phải có giấy tờ xác thực…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines