Sốt ruột đợi kế hoạch hành động
Doanh nghiệp (DN) Việt Nam và Nhật Bản đang muốn liên kết để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên. Tuy nhiên, họ vẫn đang phải kiên nhẫn chờ đợi.
Sau khi kết thúc buổi thảo luận liên quan đến cụm liên kết ngành tại Hội thảo Chiến lược công nghiệp và phát triển cụm liên kết ngành do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Quỹ Kinh tế Nhật Bản (JEF) tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty Thương mại và chế biến thực phẩm Thông Tấn (Hà Nội) vẫn giữ nguyên những băn khoăn của mình. Câu hỏi của ông về việc Nhà nước sẽ hỗ trợ các DN đến đâu để phát triển các mối liên kết một lần nữa vẫn bị... để ngỏ.
“Là DN sản xuất hàng xuất khẩu, chúng tôi hiểu rất rõ phải liên kết mới phát triển được. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang liên kết với nhiều đơn vị, nhưng rất khó khăn trong kiểm soát chất lượng của các đầu mối cung cấp nguyên liệu. Nhà nước có tham gia vào phần việc này không? Có phải là cứ DN phải đặt cạnh nhau trong một khu vực mới liên kết được không?”, ông Tấn đặt câu hỏi.
Ngay cả Công ty TNHH Ecolink, một trong những DN được cho là khá bài bản trong phát triển chuỗi liên kết, từ vùng nguyên liệu đến chuỗi phân phối trong chế biến thực phẩm, cũng không khỏi lúng túng khi thấy các quy định liên quan chồng chéo.
“Theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý quá trình sản xuất ban đầu. Bộ Y tế quản lý quá trình sản xuất hàng tiêu dùng. Trong khi đó, Luật An toàn thực phẩm lại chia trách nhiệm cho 3 bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công thương theo nhóm sản phẩm, nghĩa là theo thành phần cấu tạo chính”, ông Thân Dĩ Ngữ, Giám đốc Ecolink phân tích và cho rằng, nếu không thống nhất trách nhiệm của các cơ quản quản lý, thì các chiến lược, quy hoạch hỗ trợ liên kết sẽ khó thực hiện và doanh nghiệp cũng không khai thác được cơ hội của mình.
Không chỉ DN Việt Nam sốt ruột, mà đối tác Nhật Bản cũng có tâm trạng tương tự. Ông Noriyuki Yonemura, Tổng thư ký JEF thẳng thắn cho rằng: “Việt Nam sẽ phải thực hiện đầy đủ lộ trình cắt giảm thuế theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA) vào năm 2018. Nếu Việt Nam tiếp tục tập trung vào các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, trong khi chi phí nhân công ngày càng tăng, DN FDI sẽ chuyển sang nước khác. Thời gian còn lại không nhiều”.
Sự sốt ruột của các DN chế biến thực phẩm cũng như ông Noriyuki Yonemura còn bởi lý do trong Chiến lược công nghiệp hoá của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản, chế biến thực phẩm được cả phía Việt Nam và Nhật Bản đề xuất là một trong 6 ngành ưu tiên phát triển. 5 ngành còn lại là điện gia dụng/điện tử, đóng tàu, máy nông nghiệp, môi trường và tiết kiệm năng lượng và công nghiệp ô tô, sản xuất phụ tùng ô tô. Trong lịch trình đã được hai bên đề xuất, trong tháng 3/2013 hoàn tất chiến lược để quý III/2013 có được kế hoạch hành động.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ Tổ công tác xây dựng Chiến lược này, thì Dự thảo Chiến lược vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến các bộ, ngành.
Cũng phải nhấn mạnh, 6 lĩnh vực được lựa chọn vừa là ưu tiên phát triển của Việt Nam, song cũng chính là các lĩnh vực mà DN Nhật Bản đang thực sự quan tâm và muốn đầu tư vào Việt Nam. Hiện tại, số thương hiệu Nhật Bản đang làm ăn trong các lĩnh vực này khá nhiều. Có thể kể tới những cái tên như Acecook, Kyoei Food trong lĩnh vực chế biến thực phẩm; Panasonic trong lĩnh vực điện tử; Honda, Toyota trong lĩnh vực công nghiệp ô tô…
Tuy nhiên, lo ngại từ phía Nhật Bản là, việc xây dựng kế hoạch hành động đang vướng vào một số khó khăn, như nguồn lực hạn chế, các biện pháp toàn diện thực hiện chính sách công nghiệp chưa rõ…
Công Duy
Theo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo