Sư cô "mua gỗ sưa với giá 1,2 tỷ đồng" nói gì?
Trong những ngày này, dư luận đang xôn xao về việc Sư cô Thích Diệu Bản – trụ trì chùa Cựu Quán, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội mua gỗ Sưa của Đình Cựu Quán (gần chùa Cựu Quán – PV) với giá 1.2 tỷ đồng
Vậy câu chuyện này thực hư như thế nào? Chúng tôi đã có mặt tại chùa Cựu Quán và nghe Sư cô Thích Diệu Bản “trần tình” về câu chuyện “mua bán” gỗ sưa.
“Ngày 28 tháng Giêng năm Giáp Ngọ, tức 27 tháng 2 năm 2014, tôi (tức Sư cô Thích Diệu Bản) từ chùa Bát Phúc (thôn Hạnh Đàn, huyện Đan Phượng – nơi Sư cô Thích Diệu Bản kiêm trụ trì) về chùa Cựu Quán để làm lễ giỗ Tổ tại chùa.
Khi về được nghe các Cụ trong ban Khánh tiết khoe rằng “Thầy ơi, chúng con đã mua được mấy thửa ruộng trước cửa Đình”, Tôi có hỏi: “Tiền ở đâu mà các Cụ mua ruộng?” thì các Cụ trả lời: “Ở trong Đình có bốn khúc gỗ, chúng con có cho người xem, và họ nói bán đi là thừa tiền mua ruộng, vì vậy chúng con sẽ bán để lấy tiền mua ruộng mở rộng khuôn viên và tu sửa vào Đình, còn thừa thì chúng con sẽ xây cổng làng. Trong tết, cũng đã họp quân dân chính và đưa ra thì mọi người cũng đều phấn khởi và nhất chí, nói rằng “đây là cơ hội nghìn năm có một, các Cụ nên tiến hành làm.” Sau đó vì Tết nên chúng con chưa làm được, các gia đình kia cũng chưa đồng ý bán ruộng nên chúng con cũng chưa giám bán gỗ. Nay họ đã đồng ý bán ruộng và làm giấy tờ xong rồi, nên chúng con sẽ tiến hành họp trong Ban để bàn và bán chỗ gỗ đấy đi. Bán xong chúng con sẽ lấp đất và xây tường bao. Còn thừa tiền đâu thì chúng con sẽ tiến hành xin phép và xây cổng làng.”
Các Cụ cũng trao đổi: “Việc bán mấy thanh gỗ sẽ rất phức tạp, vì vậy, nếu những người trong ban chúng con mà gọi người đến bán thì dân sẽ dị nghị... vì vậy chúng con chưa biết làm cách nào. Thầy có cách gì thì giúp chúng con...?”
Tôi nghe như vậy, thấy rất mừng cho các Cụ đã mua được ruộng, nếu bán được chỗ gỗ kia sẽ có tiền để tu sửa và làm được nhiều việc vào Đình và các công trình phúc lợi cho dân, làm đẹp làng xã. Do vậy tôi hưởng ứng ngay, cũng hứa là sẽ giúp các Cụ và chính quyền thôn. Bởi vì từ trước đến nay công việc đình chùa, các vị cũng hết lòng chung tay góp sức để xây dựng, sửa sang mới được khang trang như hiện tại. Tôi đã nhận mua số gỗ trên với giá là 10 triệu đồng/kg, để các Cụ có ngay tiền thanh toán tiền đất đã mua cho dân.
Tôi có nói các Cụ: “Nếu bán các Cụ phải họp và có biên bản cuộc họp, mọi người phải nhất chí và ký kết vào đó thì Thầy mới mua, để làm hoành phi và câu đối kỷ niệm ở chùa Bát Phúc.”
Đến ngày 1.3.2014, các Cụ gọi cho tôi là đã họp và thống nhất xong, mọi người đều đã ký vào biên bản và đồng ý bán cho Thầy với giá như trên. Sau đó các Cụ mang biên bản sang chùa Bát Phúc để tôi xem và ký vào.
Đến ngày mùng 2 tháng 3 năm 2014, các Cụ hạ bốn khúc gỗ xuống và gọi cho tôi nói: “Chúng con đã hạ gỗ xuống, đang cất nhờ trong kho của chùa, mời Thầy về xem và làm việc.” Do bận công việc Phật sự, đang ở xa nên chưa thể về ngay được. Tối mùng 2, cùng ngày, tôi mới về đến nhà, khi sang chùa Cựu Quán thì gặp các Cụ cùng chính quyền đang có mặt đầy đủ ở đó.
Khi bắt đầu mở cửa kho để xem, tại thời điểm đó có ba người trong dân ra đó là bà Nguyễn Thị Trọng, bà Nguyễn Thị Chúc và ông Nguyễn Phú Bảo hỏi về việc bán gỗ thì ông Nguyễn Ích Chắt, có trao đổi với ba vị trên và mời các vị vào họp.
Sau khi họp và thông qua biên bản, mời 2 vị là bà Nguyễn Thị Trọng và ông Nguyễn Phú Bảo cùng ra sân để cân gỗ. Tổng số gỗ cân được là 127.5 kg. Các Cụ và các ông có mặt tại lúc đó đều thống nhất trừ cho Thầy 7.5 kg gỗ rác và đinh. Số gỗ còn lại là 120 kg. Tôi đã tiến hành trả các Cụ 1 tỷ đồng bằng 3 sổ tiết kiệm trị giá một tỷ đồng và hai trăm triệu tiền mặt. Đây là số tiền tôi đã dành dụm được trong nhiều năm. Sau đó nhờ xe trở gỗ về chùa Bát Phúc.
Khi về đến cổng chùa Bát Phúc, tôi thấy có mấy thanh niên đang đứng đó. Tôi đánh xe vào trong và cho các cháu khiêng gỗ xuống sân thì thấy mấy thanh niên kia đi thẳng vào chỗ bốn thanh gỗ và nói với tôi rằng: “Số gỗ này Thầy mua ở đình Cựu Quán phải không?”. Tôi trả lời: “Vâng”. Họ nói tiếp: “Số gỗ này chúng tôi đã theo đuổi để mua từ năm ngoái, các Cụ cũng đã cho chúng tôi xem, lúc đó các Cụ nói là khi nào bán sẽ gọi cho chúng tôi. Nay Thầy lại mua mất của chúng tôi, cảm phiền thầy chia cho chúng tôi mỗi người một ít.
Tôi không đồng ý và đưa giấy ra, nói: “Các Cụ đã đồng ý bán cho tôi để làm vật kỷ niệm ở chùa, vì vậy tôi không thể chia cho các chú được.” Nhưng họ nhất định đòi chia và có thái độ giữ tợn, các đệ tử của tôi thấy thế sợ quá, bảo tôi: “Thôi, thầy để cho họ đem đi, không thì thầy trò mình lại nguy hiểm đến tính mạng, chúng con sợ lắm”.
Cuối cùng thầy trò chúng tôi đành phải để lại cho họ cả bốn thanh gỗ trên, yêu cầu họ trả lại đủ số tiền là 1.2 tỷ đồng mà tôi đã mua. Họ đồng ý và cho ba người giao tiền lại cho tôi. Các đệ tử của tôi nhận giúp, bốn thanh niên người của họ đã khiêng gỗ đi.
Sáng ngày hôm sau, tức ngày mùng 3 tháng 3 năm 2014, các Cụ trong ban khánh tiết gọi điện cho tôi để ra ngân hàng rút tiền tiết kiệm về trả tiền mua ruộng. Tôi đã dùng số tiền kia để trả tiền mặt cho các Cụ và nhận lại ba quyển số tiết kiệm.
Thực ra thì tôi cũng không có mục đích mua gỗ sưa để sử dụng từ trước, nhưng do các Cụ có lời nhờ tôi đứng ra giúp để cho dân làng yên tâm là người thật việc thật, chứ không có gì là khuất tất ở đây.
Thiết nghĩ, đây cũng là việc làm tốt đem lại lợi ích cho dân làng, nên tôi đã quyết định giúp các Cụ mà chưa hề có sự chuẩn bị trước. Sau đó đã xảy ra những việc hiểu lầm, có những thông tin không đúng với bản chất thật của sự việc, cộng thêm một số cá nhân với dụng ý không tốt từ trước, đã lợi dụng việc này, cố ý bôi nhọ chính quyền cùng một số người liên quan”.
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo