Tin tức - Sự kiện

Sự khác biệt công - tư nhìn từ con số 2,6 tỉ đồng

Cả nước phẫn nộ khi thông tin lương “khủng” của các giám đốc và quan chức doanh nghiệp công ích TPHCM bị xì ra. Ví dụ như lương của Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thoát nước đô thị là 2,6 tỉ đồng/năm. Theo thông tin ban đầu, các quan chức doanh nghiệp này đã bòn rút tiền từ công sức của người lao động để bỏ vào túi riêng.

Ảnh minh họa. Nguồn: CAND.

Nhưng nhìn ở khía cạnh khác, họ kiếm tiền từ việc lợi dụng cơ chế, quan hệ để đẩy định mức công trình nên lời to, rồi chia nhau, rồi tự khen mình kinh doanh tài giỏi. Và họ nói trên báo chí rằng: Tôi lãnh lương cao nhưng không đụng vào đồng nào của ngân sách!

Nhưng loanh quanh kiểu gì cũng là tiền của dân cả. Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - phân tích về lương “khủng” của doanh nghiệp công ích tại TPHCM và yêu cầu: “Cần thiết phải rà soát. Nếu anh chi lương rất cao thì rõ ràng tiền ngân sách phải trả là rất lớn để mua dịch vụ đó cho dân. Nhưng nguyên tắc tiền ngân sách là của mọi người dân, dù có mua dịch vụ công thì cũng với giá hợp lý. Do vậy, nếu chính quyền không tham gia, không có ý kiến thì thiếu trách nhiệm với dân, tiêu tiền của dân không hợp lý, vì thực chất, chẳng hạn như việc thoát nước thì người dân không trả tiền trực tiếp mà trả thông qua chính quyền, rồi chính quyền thuê làm dịch vụ đó”.

Chính quyền thuê giá quá cao mà không được kiểm soát để đưa ra định mức phù hợp. Lợi nhuận rất lớn của các doanh nghiệp công ích minh chứng cho điều này. Cho nên, câu “ngồi mát ăn bát vàng” của dân gian vận vào đây trúng phóc. Doanh nghiệp công ích trực thuộc UBND TPHCM, các hợp đồng dọn sẵn cho, giá cả cũng ngon lành không ai cạnh tranh hoặc không có cơ hội và điều kiện để cạnh tranh. Độc quyền và đặc quyền đó mang lại hiệu quả kinh doanh cao mà không phải đau óc. Thử hỏi, nếu như các doanh nghiệp này không được cái phên giậu “công ích” che chở thì có được như vậy không?

Ngược lại với sự phởn phơ của các “ông chủ” mang danh công ích hay nhà nước là nỗi nhọc nhằn của doanh nghiệp tư nhân. Họ bỏ đồng vốn xương máu của cá nhân, gia đình, dòng họ, tham gia vào thị trường có quá nhiều rủi ro, gặp trăm thứ lực cản. Họ không có ai bảo kê, không có quyền lực làm phên giậu, họ chiến đấu trên thương trường bằng tài trí và nỗ lực cá nhân. Trong hoàn cảnh kinh tế lao dốc như hiện nay, doanh nghiệp phải đánh vật với nhiều thử thách để sống sót, có không ít người không vượt qua được, tiêu tan cả sản nghiệp.

Để lý giải cho sự khác biệt như trình bày trên, chỉ có hai chữ “Công – Tư”. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nền kinh tế đất nước khó khăn, xã hội còn bất công.

Còn nhiều doanh nghiệp công ích có chân dung như 3 doanh nghiệp vừa mới lộ diện, không chỉ TPHCM mà ở nhiều địa phương khác nữa.

Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo