Sự thật về lãi vay thấp
7% hay 13%/năm?
Theo báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãi suất cho vay ngắn hạn tiền đồng hiện nay của các ngân hàng đối với sản xuất kinh doanh phổ biến từ 14 - 16,5%/năm (thấp nhất là 12%/năm với cho vay ngắn hạn và từ 16 - 18%/năm đối với cho vay trung, dài hạn).
Trong khi nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận được với mức LS vay 12%/năm thì Eximbank lại triển khai chương trình cho vay tiền đồng lãi suất ưu đãi tham chiếu theo tỷ giá USD/VND là 7%/năm. Khách hàng sẽ ký một hợp đồng cam kết bù đắp chênh lệch tỷ giá tối đa 3% từ nay đến cuối năm.
Trường hợp tỷ giá vượt quá mức 3%, Eximbank sẽ chịu phần vượt thêm này. Chương trình này của Eximbank đã được giải ngân hơn 1.200 tỉ đồng chỉ trong vòng một tuần.
Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cũng đã giải ngân khoảng 2.000 tỉ đồng đối với gói cho vay VND với lãi suất vay 8%/năm và rủi ro về tỷ giá (nếu có) do khách hàng chịu.
Nếu nhìn qua, mức lãi vay 7%, 8% nói trên quá hấp dẫn. Tuy nhiên, theo phân tích của một chuyên gia, mức LS này không phải là thấp. Cụ thể, lãi suất 7%/năm thì sáu tháng là 3,5%, cộng với biến động tỷ giá 3% thì mức lãi vay mà khách hàng vay trả trong sáu tháng là 6,5%, một năm tương ứng là 13%/năm. Trường hợp khách hàng vay ngắn hơn sáu tháng, mức lãi suất sẽ còn cao hơn 13%. Như vậy, vốn rẻ thực chất là không rẻ.
Buôn tiền
Theo quy định, trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng được phép +/- 20% vốn tự có nên một số ngân hàng đã dùng nguồn vốn huy động USD bán ra lấy tiền đồng cho vay. Ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc VGB - cho rằng dù cho vay với lãi suất 7%/năm nhưng ngân hàng vẫn có lời từ 3 - 4%/năm bởi ngân hàng huy động USD với lãi suất thấp 3 - 4%/năm, trong khi biến động tỷ giá USD do khách hàng chịu phần lớn. Đây là hình thức buôn tiền đã xuất hiện trên thế giới.
|
Áp lực lên tỷ giá
Trước sự hoài nghi của thị trường, ông Trương Văn Phước - Tổng giám đốc Eximbank giải thích, để có nguồn vốn rẻ, Eximbank đã chuyển hóa vốn ngoại tệ sang tiền đồng để cho vay. Không phải khách hàng chịu tỷ giá tối đa 3% để cộng vào lãi suất ra 13%/năm mà là trong trường hợp tỷ giá có biến động 1% thì khách hàng chịu 1%, tỷ giá không biến động phần trăm nào thì khách hàng chỉ chịu phần lãi suất vay 7%/năm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc tỷ giá biến động 3% là hoàn toàn có thể dự báo.
TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp Trường đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh - nhận xét gói chương trình tín dụng như của Eximbank có lợi cho phía doanh nghiệp khi được tiếp cận với mức lãi suất vay thấp. Nhưng TS Dương cũng cảm thấy "có gì đó lấn cấn ở đây" và đặt câu hỏi, tại sao ngân hàng không cho khách hàng vay luôn USD với lãi suất cho vay ngắn hạn từ 6 - 6,5%/năm mà phải chuyển đổi sang VND để cho vay với lãi suất 7%/năm và kết luận "đây là hình thức ngân hàng lách cho vay USD”.
Nhiều chuyên gia cũng cùng quan điểm trên khi biết gói cho vay với lãi suất nói trên của một số ngân hàng. Trên thực tế, sau một loạt các văn bản quy định từ phía Ngân hàng Nhà nước về việc "siết" khách hàng được vay USD, nhiều khách hàng muốn vay USD với lãi suất thấp hơn VND từ 10 - 14%/năm cũng không thể vay được. Do đó, hình thức cho vay này phần nào giải quyết nhu cầu từ phía khách hàng.
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) - cảnh báo, rủi ro lớn nhất ở đây đó là các hợp đồng tín dụng này đáo hạn cùng một lúc. Khi đó các ngân hàng phải mua lại nguồn ngoại tệ để trả lại trạng thái ngoại tệ ban đầu. Điều này sẽ áp lực lên tỷ giá. Trong trường hợp tỷ giá tăng mạnh như đã xảy ra trước đây (có lúc tăng 9,3%) thì cả người vay và NH cho vay đều rủi ro.
Các tính toán từ phía NH đưa ra chương trình này dựa vào cam kết của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình về tỷ giá sẽ không biến động quá 2 - 3% trong năm 2012. Thế nhưng từ ngày 26/12/2011 đến nay, tỷ giá ngoại tệ bình quân liên ngân hàng đứng ở mức 20.828 đồng/USD, giá USD tại các ngân hàng thương mại biến động quanh mức 20.870 - 20.970 đồng/USD. Do đó khả năng tỷ giá những tháng cuối năm như thế nào khó ai biết.
Cùng chung một lo lắng, TS Lê Thẩm Dương cho rằng, áp lực kinh tế vĩ mô khi nhu cầu ngoại tệ tăng lên vào cuối năm là hoàn toàn có. Khi đó giá ngoại tệ có khả năng bị “bóp méo”.
Theo TN
End of content
Không có tin nào tiếp theo