Sửa luật để doanh nghiệp tư nhân phát triển
Trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tối 4/5, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá, khối doanh nghiệp tư nhân, chiếm một lực lượng lớn nhất, đông đảo nhất và là lực lượng quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận "Chúng ta chưa quan tâm đầy đủ đến các doanh nghiệp này". Bộ trưởng cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ sửa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư theo hướng ngành nghề nào Nhà nước không cấm thì người dân và doanh nghiệp đều được tham gia.
Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi sẽ bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, với tư tưởng xuyên suốt là "sử dụng cơ chế thị trường để phân bổ nguồn lực, đảm bảo cho các thành phần kinh tế được tiếp cận nguồn lực ngang nhau, bởi hiện nay phân bổ nguồn lực chưa bình đẳng.
Bộ trưởng cũng cho biết, trong soạn thảo về định hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới, một trong những mục tiêu đưa ra là phải tập trung mọi nguồn lực, có những chính sách đủ mạnh để thúc đẩy khai thác tất cả các lợi thế về doanh nghiệp tư nhân trong nước. Doanh nghiệp tư nhân sẽ là động lực quan trọng bậc nhất đóng góp vào tăng trưởng của Việt Nam.
Trước đó, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2014, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp tư nhân với nền kinh tế và mong muốn chính phủ Việt Nam có sự quan tâm đặc biệt tới khối doanh nghiệp này.
Theo bà Victoria Kwakwa, kể từ khi đổi mới, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng và đóng góp lớn vào thành công của kinh tế Việt Nam. Bà Victoria Kwakwa cũng đề nghị, để cho khối doanh nghiệp tư nhân đóng góp nhiều hơn nữa vào nền kinh tế Việt Nam, Việt Nam cần đổi mới khuôn khổ luật pháp, khuôn khổ chính sách cần phải rõ ràng để doanh nghiệp và các bên tham gia một cách nhất quán, công bằng, minh bạch, đặc biệt là cần đơn giản thủ tục hành chính để hạn chế những rào cản từ thủ tục phức tạp và sự quan liêu.
Bà Victoria Kwakwa cũng cho rằng, các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì thế cần tìm mọi cách để doanh nghiệp vừa và nhỏ thật sự phát huy vai trò mà cơ chế, chính sách cho điều này là rất quan trọng. Đồng thời, Việt Nam cần bình đẳng hơn nữa đối với doanh nghiệp tư nhân trong việc tiếp cận các nguồn lực từ tài chính, đất đai...
Trong số những câu hỏi được Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp để trình lên Thủ tướng tại Hội nghị này, các doanh nghiệp cũng đề nghị phải bảo đảm trên thực tế sự bình đẳng của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tư nhân với các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp lớn và khu vực FDI trong tiếp cận các nguồn lực, đất đai, tín dụng, các dự án đầu tư công và mua sắm công. Mặc dù luật pháp, chính sách không có sự phân biệt, nhưng có sự phân biệt trên thực tiễn đã hạn chế cơ hội phát triển của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tư nhân trong nước.
Tổng kết Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã giao Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh rà soát triển khai quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các địa phương để đảm bảo bảo lãnh cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Đồng thời Thủ tướng cũng cho biết, một trong những nội dung Chính phủ đang tập trung chỉ đạo là cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển