Tin tức - Sự kiện

Sức dân, bao nhiêu?

Trong khi bà thứ trưởng bộ Tài chính khẳng định “mức giảm trừ như thế là khoan sức dân rồi” thì những người dân cụ thể lại đang trình bày trên báo chí một sức dân thực tế đang kiệt quệ với bao khoản thuế, phí trong bối cảnh chỉ lạm phát thôi đã ăn mòn thu nhập thực tế bao lâu nay.

Đang có một khoảng cách rất lớn giữa nhận thức của bộ Tài chính – với tư cách là cơ quan phụ trách chuyện thu chi của Nhà nước – và người dân – với tư cách đối tượng được/bị móc hầu bao về cái “sức dân” ấy, trong định hướng sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân.

 

Tạm gác “khoảng cách” nói trên sang một bên, cũng dễ thấy cái gọi là “khoan sức dân” (nếu có thực) của bộ Tài chính. Thừa nhận hiện nay “giá cả tăng cao gây khó khăn đến đời sống người dân, trong đó có người nộp thuế”, nhưng bộ này lại đề xuất chờ đến năm 2014 mới áp dụng việc sửa đổi vì quan điểm của bộ là “chính sách phải ổn định”.

 

Khi trình dự luật lên Quốc hội, bộ đã “hứa” về sự “ổn định” này, giờ phải chứng minh bằng cách cưỡng bách tuổi thọ của luật trong… năm năm, tính từ 2009, bất chấp đòi hỏi thực tế của cuộc sống.

 

Ngay từ khâu soạn thảo, lấy ý kiến, cả khi đã được thông qua, đã có rất nhiều ý kiến phản biện dự án luật Thuế thu nhập cá nhân, không chỉ về mức độ động viên, mà còn về phương pháp xây dựng. Ấn định một mức khởi điểm chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh trong điều kiện đời sống kinh tế nhiều biến động thay vì chọn cách để chúng có thể tự điều chỉnh theo sự thay đổi, chính cách làm này của bộ Tài chính là nguyên nhân gây ra sự bất ổn định của chính sách.

 

Không hiểu sao, giờ đây, khi đã phải sửa luật, phương pháp đó vẫn được sử dụng. Còn rất nhiều chuyện phải bàn về tư duy và kỹ thuật làm luật, làm chính sách hiện nay mà đây chỉ là một ví dụ.



Ấn định một mức khởi điểm chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh trong điều kiện đời sống kinh tế nhiều biến động thay vì chọn cách để chúng có thể tự điều chỉnh theo sự thay đổi, chính cách làm này của bộ Tài chính là nguyên nhân gây ra sự bất ổn định của chính sách.

 

Một ví dụ thời sự khác là chuyện “chưa hết lo phí bảo trì đã đối mặt phí lưu thông”.

 

Ngoài phí bảo trì đường bộ sẽ được thu từ ngày 1.6 tới, bộ trưởng bộ Giao thông vận tải cho biết một số loại phí khác như phí lưu hành phương tiện giao thông, phí ôtô đi vào khu vực trung tâm các thành phố lớn sẽ được bộ này trình Quốc hội trong thời gian tới cũng với mục tiêu hạn chế ùn tắc giao thông, hạn chế xe cá nhân.

 

Hiện, một phương tiện giao thông đã phải cõng trên mình rất nhiều loại thuế, phí cố định khác như trước bạ, xăng dầu (môi trường)… cũng như “lưu động” theo… lộ trình tại chi chít các trạm thu phí quốc doanh, tư nhân.

 

Tuyên bố sẽ xây trạm thu phí trên quốc lộ 1A, đoạn có thể né phí đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, để “lùa” xe sang đường cao tốc nhằm đảm bảo hiệu quả tài chính trước mắt cho ngân sách và lâu dài cho đơn vị nhận nhượng quyền thu phí, cũng đang nối dài bức xúc.

 

Trả lời câu hỏi của báo chí về nguy cơ phí chồng phí, ông Nguyễn Văn Quyền, phó tổng cục trưởng tổng cục Đường bộ, bộ Giao thông vận tải, nói: “Quỹ bảo trì đường bộ, theo tôi biết là phí chuyên cho việc sử dụng đường bộ. Còn những loại phí khác thì thuộc lĩnh vực khác, tôi chưa có nghiên cứu sâu về những loại phí đó”.

 

Cũng vì góc nhìn “cục bộ” trên lập trường lợi ích bản thân này mà các đơn vị chủ thu thường cho rằng mức thu do mình đề xuất hay ấn định không cao (cá biệt, có quan điểm cho rằng phải thu thật cao mới phát huy… tác dụng).

 

Trong khi, trên thực tế, chỉ với một túi tiền, với một tài sản là chiếc xe, người dân đang phải chi cho rất nhiều khoản khác nhau. Tính hiệu quả (trường hợp các loại phí giao thông là hạn chế phương tiện cá nhân, ùn tắc giao thông), công bằng (người đi nhiều đóng nhiều), khả thi (thu được với chi phí hành thu thấp) – những tiêu chí để đánh giá một sắc thuế – phí, lại không thấy lãnh đạo các bộ, cục giao thông chứng minh.

 

Mười mấy, hai chục ngàn tỉ đồng/năm dự kiến thu được từ các đề xuất trên, rốt cuộc, tác dụng dễ thấy nhất không cần phải chứng minh là tăng nguồn thu.

 

Đối lập với góc nhìn “cục bộ” của tổng cục Đường bộ là bức tranh tổng thể về gánh nặng thuế – phí của người dân. TS Phạm Thế Anh, dẫn nguồn từ ADB Indicator 2010, tính toán rằng tỉ lệ động viên (thu ngân sách nhà nước) từ mức thuế, phí và lệ phí ở nước ta vào khoảng 25 – 26% GDP (GS.TS Nguyễn Mại cũng vừa dẫn một nguồn khác từ bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết giai đoạn 2006 – 2010 tỷ lệ này ở ta tới 28% GDP). Theo ông Thế Anh, nếu loại trừ thu từ dầu thô thì vẫn chiếm tới trên 21% GDP. Một con số mà ông cho là quá cao so với các nước trong khu vực.

 

Theo đó, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia khoảng 15%; Philippines dưới 13%; Indonesia 12%; Ấn Độ chỉ 7 – 8%. Có thể nói trung bình mỗi người dân nước ta chịu tỷ lệ thuế/thu nhập cao gấp từ 1,5 – 3 lần so với các nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đương.

 

Phải so với khu vực vì những nước phát triển hơn có tỷ lệ động viên cao hơn, nhưng cùng với đó là mạng lưới an sinh xã hội cũng cao cấp hơn. Một vấn đề khác, theo ông Thế Anh, là “lạm phát thường được ví như một loại “thuế” tàng hình ở ta rất cao, đối với các nước trong khu vực lạm phát ở mức 4 – 5% đã được coi là cao, thì ở ta lạm phát đang ở mức hai con số”.



Cách đầu tiên hợp lòng dân, hợp xu thế hơn để tái huy động sức dân (và cả doanh nghiệp – vì thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay của ta cũng đang cao hơn khu vực, thiếu cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư) là tiết kiệm qua đầu tư, để nền kinh tế trở nên hiệu quả.

 

Áp lực cân đối thu chi đang đè nặng trên vai bộ Tài chính, khi tỷ lệ thâm hụt ngân sách đang ở mức cao. Nhưng không thể vì áp lực thuộc về chức năng nhiệm vụ này mà trút hết gánh nặng đó lên vai người dân. Để giảm thâm hụt, có thể giảm chi tiêu công, đầu tư công hay tăng thu ngân sách.

 

Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng cách đầu tiên hợp lòng dân, hợp xu thế hơn để tái huy động sức dân (và cả doanh nghiệp – vì thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay của ta cũng đang cao hơn khu vực, thiếu cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư) là tiết kiệm qua đầu tư, để nền kinh tế trở nên hiệu quả.

 

Nếu phải chọn đồng thời các biện pháp thì cũng phải tìm những nguồn thu mới, ưu tiên lựa chọn thành phần dân nào để buộc san sẻ chứ dứt khoát không thể là dân nghèo thông qua các loại thuế, phí đổ đồng đầu người. Một quan điểm cần được thống nhất là cách căn cơ nhất để bảo vệ nguồn thu là phải… nuôi dưỡng nguồn thu.

 

Quay lại những tranh luận, thảo luận về luật Thuế thu nhập cá nhân, đúng là nguồn thu từ loại thuế này đang chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng nguồn thu.

 

Nhưng, vấn đề không ở chỗ nắm chặt hơn nữa những người “có tóc” đang làm công ăn lương mà phải lôi cho được những kẻ “trọc đầu” đang được lợi từ một nền kinh tế ngầm, sử dụng tiền mặt, chưa quen với việc sử dụng hoá đơn, chứng từ. Đây là chuyện thuộc về… hành thu, về bài toán quản lý đường đi thực tế của đồng tiền trong xã hội!

 

Còn nhớ, giới chuyên gia đã chờ đợi cơ hội tái phân phối, thu hẹp bất bình đẳng thu nhập, hạn chế hoạt động đầu cơ… như thế nào khi nghe tin pháp lệnh Thuế nhà, đất (nhưng quy định tạm thời chưa thu thuế nhà) sẽ được “nâng cấp” lên thành luật Thuế nhà, đất hứa hẹn đánh nặng vào những người có nhiều đất lẫn nhà.

 

Những dự thảo đầu tiên vẫn có tên là luật Nhà, đất, quy định thuế suất bằng 0 đối với nhà đầu tiên có giá trị thấp, luỹ tiến đối với nhà có giá trị cao và nhiều nhà.

 

Thế nhưng, sản phẩm cuối cùng của quá trình lập pháp này chỉ là một thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, mất luôn cả chữ “nhà” trong cái tên, mức đánh thuế đối với nó thì đương nhiên không quy định. “Một sự thắng lợi của các nhóm lợi ích có sức mạnh mặc cả”, một chuyên gia kinh tế đã bình luận như vậy vào cái ngày Quốc hội thông qua!

 

Theo SGTT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo