Sức khỏe các ngân hàng thế nào trước bất ổn biển Đông?
Hai tháng sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng có những biến động và ảnh hưởng nhất định.
Nhiều lần trong khoảng thời gian trên, chúng tôi nhận được phản ánh từ cán bộ một số ngân hàng thương mại, có hiện tượng người dân rút tiền cục bộ để mua vàng, ngoại tệ phòng ngừa rủi ro, chủ yếu ở khu vực phía Nam.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng, biến động giá vàng và tỷ giá… là những quan ngại trước ảnh hưởng của sự kiện trên. Thực tế những ngày đầu tháng 5/2014, ít nhiều đã có những xáo trộn nhất định. Nhưng đến nay, hoạt động của hệ thống cũng như ở những thị trường nhạy cảm nói trên cơ bản an toàn và ổn định.
Ngân hàng tăng khả năng chống đỡ
Theo dữ liệu chúng tôi tham khảo ở kênh chuyên trách và có thẩm quyền, tiềm lực của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung vẫn tiếp tục gia tăng để tăng cường khả năng chống đỡ rủi ro.
Trong 5 tháng đầu năm 2014, tổng quy mô vốn chủ sở hữu của hệ thống đã tăng 2,93%, trong đó vốn điều lệ tăng 2,07%. Tỷ lệ an toàn vốn của các tổ chức tín dụng luôn ổn định ở mức trên 13% trong các tháng đầu năm.
Đặc biệt, trước hiện tượng mà một số cán bộ tín dụng phản ánh nói trên, bên cạnh tốc độ huy động vốn ở mức cao, thanh khoản của các tổ chức tín dụng lại ở trong kỳ tốt thất nhiều năm trở lại đây, hay rủi ro thanh khoản chỉ ở mức thấp.
Các chỉ báo từ dữ liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng/huy động vốn từ thị trường 1 liên tục giảm từ 91,91% (cuối tháng 12/2013) xuống 89,05% (cuối tháng 6/2014) do tín dụng tăng chậm hơn so với huy động vốn.
Đặc biệt, các tài sản có tính thanh khoản cao đến cuối tháng 5/2014 đã tăng 24,15% so với cuối năm 2013, cao gần gấp 3 lần tốc độ tăng trong cả năm 2013. Điều này cho thấy dự trữ thanh khoản của hệ thống không ngừng được nâng lên nhờ nguồn vốn huy động dồi dào và việc gia tăng đầu tư vào trái phiếu chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.
Nhu cầu vay trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm. Đến cuối tháng 6/2014, dư nợ huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng giảm 5,28% so với cuối năm 2013.
Tỷ trọng tiền gửi tiết kiệm trong tổng huy động vốn thị trường 1 đang ở mức khá cao và tiếp tục tăng từ 52,3% (cuối năm 2013) lên 58,95% (cuối tháng 6/2014). Điều này cho thấy cơ cấu nguồn vốn của các tổ chức tín dụng tiếp tục cải thiện theo chiều hướng ổn định.
Tỷ lệ khả năng thanh toán ngay tăng từ 22,87% (cuối tháng 12/2013) lên 25,49% (cuối tháng 6/2014) và hầu hết các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ về khả năng chi trả theo quy định.
Thử sức bền điều hành chính sách
Tuần trước, khi trao đổi với PV, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, đưa ra một góc nhìn: nếu sự kiện biển Đông xảy ra khoảng vài năm về trước, chắc chắn thị trường vàng đã có nhiều biến động khó lường. Tuy nhiên, suốt từ đầu năm đến nay, thị trường vàng trong nước ổn định, Ngân hàng Nhà nước gần như không phải can thiệp.
Với tỷ giá, sau đợt biến động đầu tháng 5 đến trung tuần tháng 6, Ngân hàng Nhà nước tiến hành điều chỉnh, thị trường nhanh chóng trở lại ổn định. Tỷ giá USD/VND liên tục hạ nhiệt nhanh trong những ngày gần đây.
Cùng với thanh khoản của hệ thống ổn định và sức phòng thủ tốt hơn, có ý kiến cho rằng các thị trường nhạy cảm như vàng, ngoại tệ… “may mà” có được sự ổn định. Nhưng, chính sách điều hành không hẳn là “ăn may”.
Phát biểu tại hội nghị toàn ngành ngày 9/7 vừa qua, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), nhắc lại một giai đoạn vẫn còn nóng hổi trong sự quan tâm của công chúng: mới khoảng một năm về trước, dư luận có nhiều quan điểm trái chiều, kể cả hoài nghi và phản bác, về việc điều hành chính sách tiền tệ, nhất là ở lĩnh vực vàng và ngoại hối.
Nhưng, ông Khang nhìn nhận rằng, đến nay dư luận nói chung cũng đã nhìn nhận sự hợp lý của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành, đặc biệt là trong quản lý và hạn chế những tác động bất lợi ở thị trường vàng.
Tại hội nghị trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng nêu đúc kết rằng: nếu như trong ba năm trở lại đây, Chính phủ không thiết lập lại được sự ổn định vĩ mô, chính sách tiền tệ không tạo được sự ổn định ở những thị trường, lĩnh vực nhạy cảm, thì chắc chắn bất ổn biển Đông sẽ là một trải nghiệm khó khăn.
Theo ông, đây là sự kiện thử sức bền trong điều hành chính sách tiền tệ, cũng như thử thách niềm tin trên thị trường.
Và cho đến nay, bên cạnh sự tăng cường khả năng chống đỡ rủi ro của hệ thống các tổ chức tín dụng, niềm tin thị trường đang được củng cố, và là một chốt chặn đối với những tác động bất lợi từ bên ngoài.
VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng
Cột tin quảng cáo