Suy giảm tín dụng – Đi tìm nguyên nhân
Sự suy giảm tín dụng từ năm 2012 cho dù đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định là “không nằm ngoài dự đoán trong bối cảnh suy thoái kinh tế và sự ra đi của hàng chục nghìn doanh nghiệp...”. Tuy nhiên, với diễn biến tiếp tục suy giảm của tín dụng trong những tháng đầu năm 2013 đã khiến không ít chuyên gia, doanh nghiệp băn khoăn về khó khăn sẽ còn tiếp diễn...
Tiếp tục suy giảm
Báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 2/3013, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ vẫn giảm so với cuối năm 2012, song tín dụng bằng VND vẫn tăng khả quan. Cụ thể, tính đến ngày 28/2/2013, tín dụng giảm 0,28%, thấp hơn mức giảm 1,88% trong 2 tháng đầu năm 2012. Tính theo tháng, tín dụng đã đảo chiều tăng 0,26% trong tháng 2 từ mức giảm 1,23% trong tháng 1, cải thiện so với mức giảm trong cả tháng 1 và 2/2012. Cùng đó, số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động tiếp tục tăng 6,9% so với cuối năm 2012, đã cho thấy bức tranh đình đốn của nền kinh tế mà suy giảm tín dụng là nút thắt trong đó.
Theo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), điểm tích cực là tín dụng bằng VND so với cuối năm 2012 đã đảo chiều tăng 0,71% từ mức giảm 0,12% trong tháng 1/2013. “Mức giảm của tín dụng đối với nền kinh tế hoàn toàn là do tín dụng bằng ngoại tệ giảm, điều này cũng phù hợp với chủ trương hạn chế tình trạng đô la hóa của Chính phủ”, báo cáo nhìn nhận.
Tín dụng bằng ngoại tệ giảm là sự nối tiếp xu hướng đã thể hiện trong năm 2012. Sau khi lãi suất vay VND đã giảm mạnh, khối doanh nghiệp xuất khẩu đã tiếp cận được các mức từ 10 - 13%/năm, chênh lệch so với lãi vay bằng USD đã thu hẹp đáng kể. Trong khi vay ngoại tệ vẫn tiềm ẩn rủi ro tăng tỷ giá USD/VND. Theo đó, nhu cầu vay ngoại tệ đã giảm.
Thực tế trong gần 3 tháng đầu năm 2013, tình hình hoạt động của thị trường ngân hàng hết sức ảm đạm. Dư âm của đợt hạ lãi suất điều hành cuối cùng của NHNN trong 2012 và những ngày cuối tháng 3/1013 chỉ tác động nhỏ đến mặt bằng chung và cũng không hề tạo những đột biến trên thị trường tín dụng. Trên thị trường 1, mặt bằng lãi suất huy động VND ổn định hầu hết ở các kỳ hạn, kỳ hạn 12 tháng về dưới 10%/năm và lãi suất cho vay ổn định quanh 11% - 16%/năm.
Nếu so sánh với cùng kỳ các năm 2010, 2011, 2012 thì tốc độ tăng trưởng tín dụng của tháng 1/2013 đang thực sự báo động. Xu hướng này sẽ còn kéo dài đến hết quý II/2013 và như vậy, sự hồi phục sức sản xuất, chi tiêu và xét ở quy mô rộng hơn là tổng cầu, vẫn chưa tìm thấy sự lạc quan.
Xét trên thị trường 2, không khí ảm đạm bao trùm là nét chủ đạo và chi phối hầu hết các mặt từ quy mô giao dịch đến lãi suất. Nguồn cung tiền đồng quá dồi dào nên lãi suất rất thấp, thậm chí chỉ ở mức 1%/năm đối với kỳ hạn qua đêm, được coi là mức thấp kỷ lục. Trong khi đó, đầu tư trái phiếu chính phủ tiếp tục là kênh hấp dẫn đối với ngân hàng.
Đến thời điểm nay, đang vào mùa báo cáo tài chính, các tín hiệu chính thức phát đi về kết quả hoạt động từ các ngân hàng cho thấy, rất nhiều ngân hàng không đạt được các chỉ tiêu lợi nhuận, kinh doanh đề ra, tăng trưởng tín dụng không như kế hoạch.
Là thành viên chịu nhiều sóng gió vì các lãnh đạo chủ chốt "gặp hạn”, năm 2012 Ngân hàng ACB có mức lỗ sau thuế là 158,6 tỷ đồng ở quý IV/2012 và chỉ đạt lợi nhuận 928,4 tỷ đồng trong cả năm 2012. Trong cả năm 2012, hầu hết các khoản doanh thu của ngân hàng đều giảm, trong đó hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng lỗ 1.863 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng giám đốc ACB cho biết, khủng hoảng chung của nền kinh tế khiến khách hàng gặp khó khăn nên nguồn thu từ các khoản vay của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Việc trích lập dự phòng tăng do tình trạng nợ xấu còn cao cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm. Thêm vào đó, sự cố nằm ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng xảy ra hồi tháng 8-2012 đã khiến ngân hàng không thể đạt mục tiêu lợi nhuận đề ra. Năm 2013, dự báo kế hoạch lợi nhuận sẽ khiêm tốn hơn.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Ngân hàng SHB, tính cả năm 2012 SHB lỗ trước thuế 94,88 tỷ đồng và lỗ sau thuế là 95,46 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của SHB đảo chiều là do ngân hàng này phải gánh thêm nhiều chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Đi tìm nguyên nhân
Theo đánh giá của giới chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do nhu cầu sử dụng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh chưa được cải thiện bởi lượng tồn kho của doanh nghiệp rất lớn. Tính đến tháng 1/2013, chỉ số tồn kho tăng 21,5% so với cùng kỳ 2012, xuất hiện một số ngành có tồn kho tăng gấp 3 lần. Vì thế, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung bán tháo hàng tồn. Đi kèm với hàng tồn kho cao là nhu cầu tiêu dùng giảm rất mạnh, người dân tăng cường thắt chặt chi tiêu. Cùng với đó, tình trạng nợ xấu chưa được cải thiện; chính sách giải cứu hàng tồn kho chưa được triển khai mạnh nên chưa tác động đến thị trường và doanh nghiệp…
“Bức tranh chung của thị trường tiền tệ, đặc biệt là nút thắt tín dụng vẫn chưa thoát khỏi u ám vốn kéo dài từ năm 2012 đến nay, không chỉ là sự lo ngại thông thường mà dần hiện hữu tác động cho cả nền kinh tế”, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank.
Theo ông Hưởng, nếu tổng cầu, sức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa tê liệt nốt năm nay nữa thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại. Bóng ma lạm phát là vẫn có nhưng không vì thế mà quá sợ hãi để rồi đẩy nền kinh tế đến chỗ giảm phát. Rất nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, châu Âu đều đã tung ra nhiều gói kích thích kinh tế. Điều đó cho thấy, họ sợ giảm phát hơn là lạm phát..
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhà nước cho rằng, để giải quyết vấn đề này thì phải đi từ tháo gỡ nút thắt tín dụng mà trước hết là xử lý nợ xấu. Giải pháp tiếp theo là phải tìm cách khôi phục tổng cầu, thậm chí là đặt lên bàn cân giữa lạm phát và giảm phát. Không nhất thiết quá sợ hãi lạm phát mà kéo dài sự trì trệ của nền kinh tế.
Theo TS. Lê Thẩm Dương, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh: Trong kết cấu lãi của các ngân hàng thì 50-70% là từ hoạt động cho vay, mà trong cho vay thì không dưới 1/3 là hiệu quả từ hoạt động vĩ mô, đó là chính sách kích cầu. Nhưng hãy thử phân tích, niềm tin thị trường hiện đang rất yếu. Sau khi chỉ số giá tiêu dùng là 1,35% trong tháng 1 và 1,32% trong tháng 2 chứng tỏ thực tế: sức mua thấp, người tiêu dùng không mạnh dạn chi tiêu, hệ lụy từ việc doanh nghiệp phá sản nhiều, thu nhập thực tế của người tiêu dùng giảm. Hiệu quả các gói hỗ trợ thuế, lãi suất không như mong muốn.
Tăng trưởng tín dụng đóng góp khoảng 70 - 75% lợi nhuận cho các ngân hàng, nên khi hoạt động này bị sụt giảm, đình trệ thì tình hình tài chính của ngân hàng không thể khơi thông. Hiện nay, ngân hàng trải thảm mời, các doanh nghiệp vẫn không mặn mà vay vốn. Trong năm 2013, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN đặt ra là 12%, trong đó bao gồm cả khoản tiền ngân hàng đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Song theo các chuyên gia, tính khả thi của mức tăng trưởng này là đáng lo ngại.
Minh Trí
Theo Tài chính
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dự báo thời tiết ngày mai 8/11 trên cả nước: Hà Nội chuyển rét, có nơi 19 độ, TP Hồ Chí Minh xuất hiện mưa rào
PC Đà Nẵng: Xử lý kịp thời các trường hợp sản lượng điện tăng bất thường
Đà Nẵng: Cấm một số loại ô tô trên Quốc lộ 1 giờ cao điểm
Nhiều hoạt động mới lạ, hấp dẫn tại Festival Hoa Đà Lạt năm 2024
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Phân cấp triệt để trong mua sắm, đấu thầu thiết bị y tế
Cột tin quảng cáo