Tin tức - Sự kiện

Suýt mất mạng vì ăn tiết canh

Chỉ trong hơn 1 tháng qua, các bệnh viện ở Hà Nội đã tiếp nhận hàng chục bệnh nhân thập tử nhất sinh chỉ vì ăn tiết canh lợn. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên loại bỏ món tiết canh trong thực đơn hàng ngày để tránh mang bệnh liên cầu khuẩn, nhiễm sán, tiêu chảy cấp…

Nhiều bệnh nhân nhập viện

 

Từ đầu tháng 6 đến nay, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 6 trường hợp nhập viện do bệnh liên cầu khuẩn. Trong đó, có những bệnh nhân diễn biến bệnh nặng, sốc, trụy mạch, suy đa phủ tạng phải cắt bỏ các chi trên cơ thể… thậm chí có trường hợp còn tử vong ngay trên đường đến bệnh viện.

 

Tính từ đầu năm, tại bệnh viện này đã có 20 bệnh nhân nhập viện do căn bệnh nguy hiểm này. Căn nguyên của bệnh là do tiếp xúc trực tiếp hoặc ăn thịt lợn bệnh, thịt lợn chưa nấu chín kỹ và các loại tiết canh.

 

Tại Viện Sốt rét và ký sinh trùng Trung ương, mới đây tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân 32 tuổi, ở Bắc Giang, vào viện trong tình trạng hết sức nguy kịch. Theo người nhà bệnh nhân này, trước đó 3 ngày, bệnh nhân có ăn tiết canh lợn, sau khi ăn ít giờ thì 2 mắt sưng to bất thường, ngứa dữ dội, nhỏ thuốc mắt không thấy đỡ, ở rìa mắt nổi lên một cục u, lúc to, lúc nhỏ.

 

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm u sán ở kết mạc vùng hốc mắt, phải phẫu thuật để lấy sán ra. Theo bác sĩ Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét và ký sinh trùng Trung ương, tháng nào Viện cũng tiếp nhận vài chục bệnh nhân điều trị nhiễm ấu trùng sán lợn, trong đó rất nhiều trường hợp có nguyên nhân nhiễm sán từ tiết canh lợn.

 

Nhiều bệnh nhân nặng nhập viện trong tình trạng liệt tứ chi, động kinh, co giật... Mặc dù các chuyên gia y tế đã cảnh báo ăn tiết canh vô cùng nguy hiểm, nhưng thói quen sử dụng loại thực phẩm mất vệ sinh này vẫn rất phổ biến.

 

Tại Viện Sốt rét và ký sinh trùng Trung ương, thời điểm nào cũng có những bệnh nhân nhiễm sán nhập viện. Có lúc, số bệnh nhân nhiễm sán chiếm tới 70 - 80% số người điều trị tại phòng khám của Viện.

 

Cũng theo bác sĩ Dũng, nhiễm trùng sán lợn không chỉ do ăn tiết canh mà có thể ăn cả thịt nấu chưa chín, thịt của lợn bệnh hoặc nhiễm sán khi tiếp xúc với nó. Sán dây đẻ trứng, khi ăn vào có thể sống trong cơ thể.

 

Rất nguy hiểm

 

Theo một nghiên cứu do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong tổng số 55 ca mắc liên cầu khuẩn (liên cầu lợn) nặng phải nhập viện ở miền Bắc, số bệnh nhân đã giết mổ lợn, ăn thịt lợn tái, ăn tiết canh lợn chiếm 64,58% (31 trường hợp). Riêng bệnh nhân ăn lợn tái, tiết canh lợn chiếm tỷ lệ nhiều nhất (58,33%).

 

Trong số 7 ca tử vong, có 6 ca xảy ra ở những bệnh nhân có cả 2 yếu tố ăn thịt lợn tái, tiết canh lợn và giết mổ lợn. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cảnh báo: Nhiều trường hợp ăn tiết canh bị viêm màng não mủ hoặc nhiễm khuẩn huyết phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần (với viêm màng não mủ) và 2 tháng (với nhiễm khuẩn huyết).

 

Chi phí điều trị bệnh có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng nếu di chứng trầm trọng. Đó còn chưa kể, những di chứng này đe dọa tính mạng người bệnh, thậm chí có những bệnh nhân đã tử vong chỉ vì bát tiết canh.

 

Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn tiết canh, nội tạng, thịt lợn tái (nem chua, nem chạo…) bởi những thực phẩm này có nguy cơ nhiễm bệnh cao, trong đó có liên cầu lợn, sán, tiêu chảy...
 
 
 
 
Theo KTĐT

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo