Tắc ruột vì bổ sung chất xơ không đúng cách
Đủ loại tắc ruột
Theo TS Nguyễn Ngọc Bích - Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Bạch Mai - bệnh lý này mấy năm gần đây có xu hướng tăng. Từ năm 1999 đến nay, khoa đã tiếp nhận và xử lý cho hơn 100 trường hợp tuổi từ 17-82 bị tắc ruột. Hầu hết người bệnh vào viện trong tình trạng chướng bụng, đau bụng, nôn, bí trung đại tiện, quai ruột nổi hằn như rắn bò, sờ thấy khối, hơi sốt, mạch và huyết áp nhanh... Đa phần bệnh nhân có từ 2-5 khối bã thức ăn.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong vòng 5 năm cũng có tới hơn 100 ca nhập viện do dị vật là thức ăn. Trong đó các dị vật chủ yếu là hồng xiêm, sung, hồng ngâm, cam, ổi, ngô rang, dâu da xoan, mít, tóc, sợi len, quần áo rách...
Bác sĩ Trương Thanh Tùng - khoa Ngoại chung, Bệnh viện 354 - cho biết, tắc ruột do đọng bã thức ăn là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp, chiếm gần 20% các cấp cứu bụng.
Khó chẩn đoán, dễ tử vong
PGS-TS Triều Triều Dương - Chủ nhiệm khoa Ngoại nhân dân, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - lưu ý, thời điểm ăn, loại thực phẩm và thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân mang tính nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn”. Đặc biệt lưu ý nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều pectin và nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc.
Theo TS Dương, tắc ruột do bã thức ăn còn gọi u bã thức ăn đường tiêu hóa, có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng xu hướng tăng nhiều ở trẻ em tuổi học đường và bệnh nhân cao tuổi. Vì triệu chứng lâm sàng thường không đặc hiệu, bệnh diễn biến tăng dần nên việc chẩn đoán còn gặp nhiều khó khăn, thầy thuốc quan tâm thăm khám và phân tích tỉ mỉ bệnh sử, tiền sử bệnh sẽ tránh bỏ sót tổn thương. Đặc điểm trẻ nhỏ và người già nếu không được xử lý phẫu thuật kịp thời dễ dẫn đến các biến chứng nặng như vỡ - thủng, hoại tử ruột, viêm phúc mạc... và xuất huyết.
Bác sĩ Tùng thì cho biết, phần lớn các trường hợp dấu hiệu tắc ruột không điển hình, lúc tắc hoàn toàn, có lúc lại không. Do vậy bệnh nhân thường đến viện muộn (sau 24-72 giờ), với biến chứng nặng, cục bã thức ăn đã nút chặt lòng ruột non
Để dự phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, nói chung và đặc biệt đối với trẻ nhỏ, không cho trẻ nuốt kẹo caosu. Thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ. Khi ăn phải nhai kỹ, không ăn quá nhanh hoặc nuốt chửng, thức ăn không quá nhiều rau quả có tanin và hàm lượng chất xơ cao, nhất là những người có tiền sử bệnh lý răng miệng, bệnh đường tiêu hoá hay đã phẫu thuật dạ dày, ruột...
Thảo Anh (Theo Lao Động)
End of content
Không có tin nào tiếp theo