Chứng khoán

Tái cấu trúc công ty chứng khoán: Vẫn còn gập ghềnh

Năm 2013 cũng là năm ghi dấu ấn với những nỗ lực của UBCKNN- cơ quan quản lý trực tiếp TTCK trong việc hoàn chỉnh khung pháp lý và nâng cao năng lực giám sát hoạt động CTCK, công ty quản lý quỹ.

Một trong những nhiệm vụ đặt ra đối với Bộ Tài chính trong Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán được Thủ tướng Chính phủ thông qua ngày 6-12-2012 là thực hiện các giải pháp thúc đẩy các tổ chức kinh doanh chứng khoán tái cấu trúc. Sau 1 năm triển khai thực hiện, công tác tái cấu trúc công ty chứng khoán (CTCK) vẫn còn nhiều ngổn ngang, với không ít trở ngại từ cơ quan quản lý Nhà nước lẫn DN.

Ảm đạm

Theo Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Bằng, việc tái cấu trúc CTCK là lẽ đương nhiên vì số công ty thua lỗ và đứng bên bờ vực phá sản lớn. Thực trạng cho thấy vốn hóa của các công ty chứng khoán hiện khá thấp nhưng số lượng lại quá nhiều (105 công ty). Tuy nhiên, lộ trình thanh lọc CTCK phải đảm bảo mục tiêu là duy trì sự ổn định của thị trường chứng khoán, không gây ra những xáo trộn lớn, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo quy định của pháp luật. Do vậy, việc tái cấu trúc CTCK sẽ dựa trên 3 trụ cột chuẩn quốc tế là: An toàn tài chính; nhận diện rủi ro mà các CTCK có thể gặp phải, quy trình nhận diện và xử lý các rủi ro phân cấp nội bộ để quản trị rủi ro; quản trị công ty. Để trên cơ sở đó phân loại CTCK vào nhóm như: Hoạt động bình thường; diện kiểm soát và kiểm soát đặc biệt.

Nhìn lại 1 năm thực hiện các chuẩn này để tạo áp lực cải cách ở các CTCK cho thấy, hiện đã có 41/92 CTCK thua lỗ (cả năm 2012 có 38/92 công ty thua lỗ), có 52/92 công ty có lợi nhuận chưa phân phối âm trong đó có 7 công ty có lỗ lũy kế trên 50% vốn điều lệ. Mặc dù những thử thách của thị trường đã khiến các CTCK tăng cường quản lý rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ phục vụ nhà đầu tư. Mặt khác, do doanh thu giảm nên các CTCK cũng đã cắt giảm mạnh chi phí, rút gọn hoạt động như: Đóng cửa chi nhánh, phòng giao dịch; cắt giảm nhân viên, lương thưởng, thù lao; thắt chặt chi tiêu... Dẫn tới lợi nhuận sau thuế bình quân của các CTCK chỉ đạt 1.489 tỷ đồng. Tính đến 31-10-2013, tổng số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư mở tại các CTCK là 1.304.295 tài khoản, tăng 3,25% so với thời điểm 31-12-2012.

Bên cạnh đó, thông qua công tác thanh, kiểm tra, giám sát thị trường, UBCKNN đã đưa 13 CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt, 6 CTCK vào diện kiểm soát do không đảm bảo được chỉ tiêu an toàn tài chính. Trong số CTCK này, UBCKNN đã yêu cầu 3 CTCK mở thủ tục rút giấy phép hoạt động do không khắc phục được tình hình tài chính, 2 CTCK phải tạm dừng hoạt động. Hiện tại đã có 15 chi nhánh, 10 phòng giao dịch của CTCK phải đóng cửa; có trên 15 CTCK không còn thực hiện nghiệp vụ môi giới, 3 CTCK đang làm thủ tục giải thể, 2 CTCK đang trong quá trình hợp nhất. Thậm chí lần đầu tiên trên thị trường chứng khoán đã có CTCK công bố giải thể như: Công ty chứng khoán Chợ Lớn (CLSC); Công ty Chứng khoán Âu Việt.

Rộng cửa nhưng phải đúng luật

Năm 2013 cũng là năm ghi dấu ấn với những nỗ lực của UBCKNN- cơ quan quản lý trực tiếp TTCK trong việc hoàn chỉnh khung pháp lý và nâng cao năng lực giám sát hoạt động CTCK, công ty quản lý quỹ. Theo đó, UBCKNN đã ban hành Quy chế hướng dẫn thiết lập, hướng dẫn đánh giá, xếp loại các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo chuẩn CAMEL. Đây được xem là biện pháp hướng đến mục tiêu duy trì hoạt động an toàn, bền vững, hiệu quả cho các CTCK.

Mặt khác, về chính sách, Việt Nam chính thức "mở cửa" cho các CTCK có 100% vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một trong những tín hiệu cho các CTCK trong nước thực hiện việc mua bán, sáp nhập với các đối tác nước ngoài, tạo ra nhiều sức cạnh tranh hơn, thúc đẩy sự phát triển chung của thị trường.

Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh- UBCKNN Phạm Hồng Sơn, năm 2014, UBCKNN sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt mục tiêu loại bỏ CTCK hoạt động yếu kém, góp phần minh bạch thị trường chứng khoán thông qua các giải pháp như: Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra các CTCK, công ty quản lý quỹ; Giám sát hoạt động và tổng hợp báo cáo tình hình hoạt động của các CTCK, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán theo tháng, quý; Xử lý nghiêm các trường hợp CTCK thiếu khả năng thanh toán do đòn bẩy tài chính; các doanh nghiệp phát hành không đăng ký; Tiếp tục theo dõi giám sát và phối hợp với các Hiệp hội, nhà đầu tư để hạn chế tối đa hoạt động bán khống trái phép, có biện pháp xử lý kịp thời và nghiêm khắc đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán nếu có hành vi tiếp tay cho bán khống.

Theo đó, kế hoạch đặt ra là tất cả những CTCK chưa từng được kiểm tra sẽ bị kiểm tra trong năm 2014 để UBCKNN nắm bắt chính xác tình hình hoạt động của các CTCK để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn cho tài sản của khách hàng, đồng thời giúp cho các CTCK tái cấu trúc như thực hiện hợp nhất, sáp nhập, giải thể.

Đồng thời, UBCKNN sẽ bắt tay với các Sở Giao dịch chứng khoán giám sát diễn biến giao dịch hàng ngày, định kỳ, công bố thông tin... để kịp thời phát hiện đánh giá các giao dịch bất thường, các hành vi thao túng, giao dịch nội bộ, nội gián, giả mạo hồ sơ...

Dự kiến đầu năm 2014, Bộ Tài chính chính thức ban hành quy định về chế độ kế toán áp dụng với CTCK. Theo đó, sẽ chấm dứt tình trạng “3 không” đang tồn tại ở các CTCK: Phản ánh không đầy đủ, không xác thực và không minh bạch đặc thù hoạt động của các CTCK.

Tuy nhiên, UBCKNN cam kết sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ ưu đãi thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư mới (quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản), công ty đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí tự nguyện nhằm phát triển loại hình đầu tư có tổ chức, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Báo Hải quan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo