Tài chính - ngân hàng

60 tỷ USD trong dân: Hiểu cho đúng về huy động

Có rất nhiều kênh, nhiều giải pháp để “huy động” nguồn lực trong dân, trong đó ngân hàng chỉ là một. Vấn đề là chọn giải pháp nào cho hiệu quả và có lợi nhất đối với nền kinh tế.

Bộ Tài chính tổ chức Lễ trao giải báo chí toàn quốc viết về ngành Tài chính năm 2018 / Kienlongbank ra mắt thẻ tín dụng quốc tế Kienlongbank JCB

Vấn đề huy động nguồn lực trong dân lại một lần nữa nóng lên khi mà tại Diễn đàn chuyên đề Thị trường vốn - tài chính diễn ra hôm 21/8, ông Alatabani - chuyên gia trưởng thị trường Tài chính Việt Nam của Ngân hàng Thế giới cho biết, nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỷ USD nằm trong dân mà chưa được huy động hết, đây là tiềm năng lớn.

Kiến nghị đó là hoàn toàn xác đáng, tuy nhiên dường như cụm từ “huy động” chưa được hiểu thấu đáo nên khi nhắc tới vấn đề này, mọi con mắt lại đổ dồn về phía ngân hàng như thể “huy động” là chức năng riêng có, là trách nhiệm của ngân hàng vậy.

Ảnh minh họa

Theo định nghĩa chung nhất thì huy động là việc điều động một số đông, một số lớn nhân lực, vật lực để phục vụ cho một công việc nào đó. Chiểu theo định nghĩa trên có thể thấy, miễn là nguồn lực trong dân không nằm chết nơi đầu giường xó tủ mà được đầu tư vào sản xuất kinh doanh, dù dưới bất kỳ hình thức nào, thì nguồn lực đó đã được “huy động” chứ không không phải chỉ có mỗi phương thức gửi vào ngân hàng.

Lấy ví dụ về thị trường vàng. Mặc dù hoạt động huy động vàng của các TCTD đã bị chấm dứt kể từ ngày 26/11/2012, thế nhưng nguồn lực vàng trong dân vẫn được “huy động” một cách khá hiệu quả để phục vụ cho nền kinh tế. Nếu như thời gian trước việc nắm giữ vàng được hưởng lãi suất, vừa được lợi nếu giá vàng tăng; còn nếu chẳng may giá vàng giảm, thì phần lãi suất từ ngân hàng đã bù đắp phần nào những thiệt hại.

Bởi vậy người dân đua nhau tích trữ vàng, đổ xô mua bán mỗi khi giá vàng biến động, gây bất ổn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc không cho phép các TCTD được huy động vàng đã giảm thiểu lợi ích nắm giữ vàng của người dân, thậm chí họ còn phải trả phí nếu muốn ngân hàng giữ hộ.

Trong khi, mấy năm qua kinh tế tăng trưởng ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp càng khiến người dân không còn mặn mà với vàng như trước. Hệ quả là một lượng vàng đáng kể trong dân đã được chuyển hóa thành tiền để đầu tư vào sản xuất kinh doanh một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp thông qua hệ thống ngân hàng.

Điều đó có nghĩa nguồn lực vàng trong dân đã được “huy động” bằng một phương pháp có lợi hơn nhiều đối với nền kinh tế đó là thị trường vàng đã không còn sốt nóng lạnh, gây bất ổn cho nền kinh tế như trước đây nữa.

 

Hay như thị trường ngoại tệ cũng vậy. Nếu như những năm trước đây, việc nắm giữ ngoại tệ cũng được hưởng lợi kép như vàng, thì nay điều đó cũng không còn nữa khi mà lãi suất tiền gửi ngoại tệ đã được giảm về 0%. Cộng thêm cơ chế điều hành tỷ giá mới, trong đó tỷ giá trung tâm được công bố hàng ngày có tăng có giảm, đã giảm thiểu được hành vi đầu cơ găm giữ ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp. Nhờ đó, NHNN đã mua vào được một lượng rất lớn ngoại tệ trong mấy năm qua để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức cao kỷ lục, gần 64 tỷ USD.

Một minh chứng khác là thị trường chứng khoán, đi đôi với việc số lượng nhà đầu tư cá nhân tăng mạnh trong những năm gần đây là một nguồn lực không nhỏ trong dân đã được doanh nghiệp huy động thông qua thị trường này.

Nói như vậy để thấy, có rất nhiều kênh, nhiều giải pháp để “huy động” nguồn lực trong dân, trong đó ngân hàng chỉ là một. Vấn đề là chọn giải pháp nào cho hiệu quả và có lợi nhất đối với nền kinh tế. Tuy nhiên không chỉ Việt Nam mà tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng vậy, người dân thường có xu hướng mua vào các tài sản an toàn như vàng để phòng tránh rủi ro mỗi khi thị trường biến động hoặc lạm phát tăng cao. Hay nói cách khác, muốn nguồn lực trong dân không nằm chết trong tủ, vấn đề quan trọng nhất vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.

Quay lại với hệ thống ngân hàng, là một trung gian tài chính đi vay để cho vay nên vấn đề huy động vốn luôn là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động ngân hàng. Cứ nhìn vào bảng cân đối tài sản của các ngân hàng có thể thấy rõ điều này. Theo số liệu thống kê của NHNN Việt Nam, tính đến thời điểm cuối tháng 5/2018, tổng tài sản của toàn hệ thống TCTD là gần 10,33 triệu tỷ đồng, trong đó nguồn vốn tự có của các TCTD chỉ là 749,55 nghìn tỷ đồng, tức chỉ chiếm chưa tới 10% trong tổng tài sản. Vậy phần còn lại ở đâu ra nếu không phải là vốn huy động từ người dân và các tổ chức kinh tế. Nguồn lực đó lại được chuyển qua đầu tư cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo Thời báo ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm