Tài chính - ngân hàng

Nới lỏng tín dụng sẽ tiềm ẩn rủi ro

DNVN - Phát biểu tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng 2023 với chủ đề “Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu”, sáng 10/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho rằng, nếu nới lỏng tín dụng sẽ tiềm ẩn rủi ro.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ đánh giá cao chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam / Thống đốc NHNN: Tiền gửi tại SCB được đảm bảo trong mọi trường hợp

Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, thị trường quốc tế biến động rất mạnh, từ thị trường tiền tệ, ngoại hối với đồng đô la Mỹ biến động mạnh nhất trong 20 năm qua, thị trường vốn, cổ phiếu, trái phiếu cho thấy sự dịch chuyển toàn cầu theo xu hướng gây bất lợi tới nhiều quốc gia.

Trong bối cảnh đó, là một nền kinh tế có độ mở rất lớn như Việt Nam, nội tại còn nhiều khó khăn thách thức, công tác điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là các công cụ điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức để xử lý hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau.

Phải làm sao để vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch mà vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát; vừa giảm áp lực mất giá mạnh của đồng Việt Nam trong bối cảnh đồng USD tăng giá mạnh mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho rằng,nếu nới lỏng tín dụng sẽ tiềm ẩn rủi ro. Ảnh: Hà Anh.

Với tín dụng, ngành ngân hàng phải vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế. Trong các tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng rất chậm, nếu nới lỏng tín dụng thì sẽ tiềm ẩn rủi ro.

Cũng theo ông Hà, khó khăn của nền kinh tế là một tổng thể và trong đó có thể phân ra khó khăn của doanh nghiệp và khó khăn của các ngân hàng. Nếu các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp ở mức chấp nhận được thì nền kinh tế sẽ tốt lên. Nếu ngân hàng hoãn, giãn nợ, ngân hàng nới lỏng điều kiện tín dụng thì khó khăn sẽ bị chuyển về phía ngân hàng.

“Mong muốn về giảm lãi suất của doanh nghiệp là chính đáng, ngành ngân hàng cũng không ai muốn lãi suất huy động và cho vay cao, song chúng ta còn phải tính tới sự ổn định vĩ mô, tỷ giá và tựu trung là ổn định hệ thống ngân hàng”, ông Hà nói.

Chia sẻ tại diễn đàn, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, chính sách tiền tệ không cho phép “thử sai”, vì sai một li đi một dặm. Vậy nên nhiều quốc gia có cách tiếp cận thận trọng, thậm chí bảo thủ với chính sách tiền tệ.

“Đáng lo nhất hiện nay là nợ xấu đang có dấu hiệu tăng nhanh, dự kiến khoảng 2,5% cuối năm. Để nền kinh tế phục hồi, bài toán lớn nhất năm nay là phải quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chính sách tiền tệ phải đa mục tiêu hơn, vì ngoài mục tiêu thông thường còn phải “gánh” mục tiêu ổn định hệ thống tiền tệ trong bối cảnh thế giới rất bất ổn”, ông Thành nói.

Đánh giá cao vai trò của chính sách tiền tệ với nền kinh tế, ông Thành nhận định năm 2023, chính sách tài khóa (giãn, hoãn, giảm thuế phí; đẩy mạnh đầu tư công...) vẫn là chính sách chủ lực trong hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, năm nay, kinh tế thế giới sẽ suy thoái nhẹ, tăng trưởng chậm lại song sẽ hồi phục vào năm 2024.

Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không còn tăng lãi suất trong năm nay và sẽ đảo chiều lãi suất năm tới.

Với Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã đi trước một bước trong giảm lãi suất điều hành, đó là giảm lãi suất điều hành 2 lần từ đầu năm đến nay. Thị trường đang kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ giảm về mức 4%/năm, tương đương với lãi suất trước đại dịch COVID-19.

“Từ đầu năm đến nay, VNĐ đã tăng giá 0,7-0,8%, cơ bản cả năm sẽ ổn định, nếu mất giá thì chỉ khoảng 0,5-1%. Về tín dụng, năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tín dụng tăng 14% song khả năng tăng trưởng tín dụng thực tế sẽ thấp hơn”, ông Lực dự báo.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm