Tái cơ cấu đầu tư công, những kết quả bước đầu
Để tăng hiệu quả đầu tư công, trong Thông điệp đầu năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ, tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công là một trong 3 lĩnh vực cấp bách nhất trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2011-2020. Thực hiện “chỉ đạo” của Thủ tướng Chính phủ, năm 2012 quá trình tái cơ cấu đầu tư đã được tiến hành, và đã thu được những kết quả bước đầu.
Hạn chế được bệnh “kinh niên”
Chia sẻ với phóng viên vào những ngày đầu năm 2013, tức là sau một năm tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm và coi là một trong 3 mũi giáp công trong tái cơ cấu nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh đã khẳng định, tái cơ cấu đầu tư công là làm cho đầu tư công hiệu quả hơn chứ không phải xóa bỏ đầu tư công.
Vậy sau một năm triển khai, chúng ta đã làm được gì cho đầu tư công trở nên hiệu quả hơn?. Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho biết, sau một năm thực hiện, tình trạng phân tán đầu tư trong các dự án đầu tư công - vấn đề được coi như căn bệnh “kinh niên” trong đầu tư công tại Việt Nam đã phần nào được hạn chế. Các dự án nhóm D theo quy định chỉ kéo dài từ 4-5 năm đã không còn kéo dài “lê thê” đến 7-8 năm như trước đây; các dự án nhóm C theo quy định chỉ kéo dài 3 năm cũng không còn cơ hội kéo dài đến tận 4-5 năm như trước.
Những dự án khởi công mới trước đây rất nhiều và “không biết khi nào mới kết thúc” thì đã được khắc phục theo tinh thần Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Tức là, các dự án khởi công mới các bộ, ngành phải gửi lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát và trình Thủ tướng Chính phủ theo nguyên tắc việc bố trí vốn cho dự án mới năm 2012 phải đảm bảo đáp ứng được đúng tiêu chí và hoàn thành trong thời gian nhất định
Kết quả thứ 3 là, các dự án không hiệu quả và có khả năng tiêu tốn ngân sách thì đã bị dừng điểm dừng kỹ thuật, khi nào cần thiết mới lại tiếp tục đầu tư. Đây là tín hiệu tích cực, tiến tới xóa bỏ tình trạng đầu tư tràn lan, những dự án cần đến 2-3 ngàn tỷ đồng nhưng không có vốn vẫn được khởi công như trước đây.
Tái cơ cấu đầu tư sau một năm triển khai cũng góp phần làm thay đổi tư duy “trông chờ” vào Trung ương hỗ trợ của các địa phương như trước đây. Vì thế tránh được tình trạng cứ đưa ra quyết định đầu tư rồi mới đi “chạy nguồn lực” ở các địa phương. Đồng thời, nó còn làm cho các địa phương rất “căn cơ” trong việc ra quyết định đầu tư. Vì theo tinh thần của Chỉ thị 1792, các địa phương đã biết trước được trong vòng 3 năm trung hạn địa phương mình có bao nhiêu vốn từ trái phiếu và ngân sách để đầu tư. Nên nội bộ địa phương đã có bàn bạc “liệu cơm gắp mắm”, để với chừng ấy kinh phí thì sẽ đầu tư vào những công trình nào cho hiệu quả, không như trước đây địa phương nào cũng dàn hàng ngang ra để đầu tư, rồi “xin” trung ương hỗ trợ thêm. Điều đó có nghĩa, cơ chế “xin”- “cho”- một cơ chế điển hình trong đầu tư công đã dần bị xóa bỏ.
2013 “vẫn nóng” tái cơ cấu đầu tư công!
Tái cơ cấu đầu tư công đã đạt được những kết quả bước đầu sau một năm quyết tâm thực hiện, tuy nhiên, theo các chuyên gia, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ đã một lần nữa khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, (tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là hệ thống các ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước) gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Điều đó có nghĩa, tái cơ cấu đầu tư công vẫn tiếp tục là chủ đề “nóng” trong năm 2013 và những năm tiếp theo đó. Đây là một bước đi đúng hướng, vì theo các chuyên gia, đầu tư chính là gốc của tăng trưởng. Song để đạt được hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, trong ngắn hạn năm 2013 sẽ tiếp tục giảm phân tán đầu tư bằng cách chuyển từ kế hoạch ngắn hạn theo kiểu “ăn đong” hàng năm sang kế hoạch dài hạn và trung hạn. Theo đó, Chính phủ sẽ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho các địa phương để họ biết được từ nay đến năm 2015 địa phương mình có bao nhiêu tiền để bố trí đầu tư. Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật cho đầu tư theo mô hình PPP để kết hợp nguồn lực tư nhân tham gia vào đầu tư công. Đối với đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), sẽ tiến hành tái cơ cấu tập đoàn để nâng cao việc giám sát vay, trả đầu tư, bên cạnh đó yêu cầu các bộ ngành quản lý chuyên ngành giám sát các việc quản lý, đầu tư của DNNN, tránh tình trạng để DNNN “tự do”, thích đầu tư gì thì đi vay tiền để đầu tư như trước đây.
Đó là những kế hoạch trong ngắn hạn, còn về lâu dài. Muốn tái cơ cấu đầu tư công hiệu quả, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Chúng ta cần có một đề án cụ thể về tái cơ cấu đầu tư công, và đề án này cần phải gắn với cải cách pháp luật, thể chế, cơ chế quản lý thương hướng công khai, minh bạch. Đồng thời, chúng ta cần kiến nghị ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư công như là Luật Đầu tư công, Luật Mua sắm công, và sửa đổi bổ sung các luật khác như Luật Ngân sách, Luật Xây dựng,…
Còn theo PGS, TS Lê Xuân Bá - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Tái cơ cấu đầu tư công nằm trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, vì thế muốn thành công chúng ta cần phải thực hiện một loạt các giải pháp. Trong đó, trước hết phải giảm tổng đầu tư toàn xã hội xuống dưới mức 35% GDP thay cho mức trên 40% GDP vào năm 2011. Đặc biệt, cần giảm mạnh đầu tư công xuống dưới 1/3 tổng đầu tư toàn xã hội. Nhà nước cũng nên rút dần ra khỏi những lĩnh vực kinh doanh nhằm mục tiêu lợi nhuận để dồn sức làm những việc cần cho phát triển đất nước mà các thành phần kinh tế khác không muốn hoặc không thể làm.
Rà soát lại toàn bộ danh mục đầu tư đã được phê duyệt, nhưng chưa triển khai thực hiện. Bao gồm cả những danh mục đầu tư do cấp cao phê duyệt. Cương quyết loại bỏ các danh mục đầu tư không còn phù hợp với điều kiện và tiêu chí mới. Nghĩa là, tái cơ cấu đầu tư công phải bao gồm cả việc tái cơ cấu lại các công trình, dự án đã đầu tư không phù hợp, để lại những hậu quả xấu và ngăn ngừa việc tiếp tục sản sinh ra những danh mục đầu tư không rõ mục đích, không cân đối được nguồn lực và không xác định được phân kỳ đầu tư phù hợp, gây lãng phí lớn nguồn lực của nhân dân.
Đầu tư công chỉ tập trung vào các công trình đầu tư công cộng, và phải xây dựng được một công trình đầu tư công cộng cho giai đoạn mới; sửa đổi bổ sung Nghị quyết 08/2004/NQ-CP của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước về phân cấp quản lý đầu tư công. Chúng ta phải thừa nhận việc phân cấp quản lý đầu tư vừa qua là quá mức, vượt tầm kiểm soát của chính các cơ quan quản lý nhà nước, gây lãng phí nguồn lực, làm méo mó cơ cấu kinh tế. Muốn giải quyết được vấn đề này, chúng ta cần thực hiện ngay việc gắn trách nhiệm ra quyết định đầu tư với việc thu xếp, bố trí vốn…
Ngoài ra, theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, gốc gác của những bất cập trong đầu tư công là do tư duy không ổn, từ đó nó mới sinh ra nhiều vấn đề. Vì thế, muốn tái cơ cấu thành công thì cần có sự chuyển biến mạnh trong tư duy./.
Nhật Minh (Theo VEN)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững
Cột tin quảng cáo