Tin tức - Sự kiện

Tái cơ cấu kinh tế: Một năm nhìn lại

Tái cơ cấu kinh tế vẫn luôn là tâm điểm thời sự “nóng”. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển có một số ý kiến về Đề án tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ và quá trình triển khai một năm qua.
Yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng, dù được đặt ra từ Đại hội XI (tháng 1/2011), nhưng phải mất hơn một năm, qua rất nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, mới hình thành được những định hướng chủ yếu.
 
Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) tháng 10/2011 xác định ba nội dung tái cơ cấu cần tập trung triển khai trong giai đoạn từ 2012 đến 2015: Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu các định chế tài chính, trọng tâm là các ngân hàng thương mại (NHTM) và tái cơ cấu doanh nghiệp (DN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.
 
Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã báo cáo Đề án tổng thể về tái cơ cấu kinh tế. Việc có một đề án tổng thể về tái cơ cấu là cần thiết, cho chúng ta thấy rõ toàn bộ công việc phải làm và đích đến của tiến trình này. Hơn nữa, tái cơ cấu gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
 
Qua một năm triển khai chương trình tái cơ cấu kinh tế, Chính phủ đã dành nhiều công sức để xây dựng một hệ thống văn bản. Tuy nhiên, chất lượng văn bản không cao, nhiều nội dung thiếu tường minh, việc triển khai còn chậm và chưa có những chuyển biến cụ thể trên từng nội dung của tái cơ cấu. Quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng chưa được thiết lập theo một chương trình bài bản có mục tiêu nên kết quả là chưa rõ ràng, nhất là đối với khu vực kinh tế trong nước.
 
Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công
 
Đến nay, chưa có đề án về tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công. Chỉ thị 1792/CT- TTg ngày 15/10/2011 chỉ nhằm mục đích xử lý một số vấn đề cấp bách trong đầu tư công, trong đó, chủ yếu giải quyết mâu thuẫn giữa các dự án đầu tư và khả năng bảo đảm nguồn vốn, góp phần sắp xếp lại các dự án đầu tư.
 
Không thể phủ nhận mặt tích cực của Chỉ thị này. Nó góp phần loại bỏ những dự án kém hiệu quả, tình trạng đầu tư phân tán, đầu tư dở dang, chậm đưa vào khai thác gây lãng phí nghiêm trọng. Song đây chưa phải là một đề án tái cơ cấu thực thụ.
 
Một đề án thực thụ phải bao gồm 6 công đoạn chủ yếu:
 
Thứ nhất, lập lại quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội gắn với quy hoạch phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ được bố trí trên địa bàn lãnh thổ trên cơ sở lợi thế so sánh của từng vùng, thúc đẩy liên kết vùng.
 
Thứ hai, thiết lập lại hệ thống phân cấp đầu tư gắn với phân cấp ngân sách.
 
Thứ ba, hoàn chỉnh cơ chế thu hút đầu tư, trong đó, quan trọng nhất là cơ chế PPP.
 
Thứ tư, ban hành Luật Đầu tư và mua sắm công, trong đó quy định trình tự các bước cần thực hiện khi đầu tư; tiêu chí đánh giá, giám sát dự án đầu tư không chỉ trong quá trình triển khai dự án mà cả sau khi dự án hoàn thành, cũng như trong cả đời hoạt động của dự án (có đối chiếu với thiết kế ban đầu, xác định sự sai biệt, tìm nguyên nhân và quy trách nhiệm của các bên liên quan).
 
Thứ năm, sửa đổi Luật Đấu thầu.
 
Thứ sáu, thiết lập hệ thống đánh giá các dự án đầu tư trên 3 mặt: Kinh tế (hiệu quả kinh tế, tiến bộ công nghệ, chi phí vận hành...), xã hội và môi trường; cơ chế giám sát theo các tiêu chí này. Nhưng đến nay, chúng ta mới đang triển khai nghiên cứu những nội dung đơn lẻ.
 
Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước
 
Chính phủ đã có đề án và ban hành nhiều văn bản liên quan đến nội dung này. Điều này, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả của DNNN.
 
Tuy nhiên, đề án và các văn bản này mới chỉ tập trung giải quyết vấn đề cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước khỏi các ngành nghề không phải là ngành nghề kinh doanh chính, phân công lại trách nhiệm thực hiện vai trò chủ sở hữu nhà nước theo hướng lập lại mô hình “Bộ chủ quản” một thời đã bị bãi bỏ.
 
Đề án đưa ra danh mục các DNNN nắm giữ 100% vốn và các DNNN nắm cổ phần chi phối với tỷ lệ khác nhau, nhưng chủ yếu dựa vào tình hình hiện tại, thiếu cái nhìn dài hạn trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học- công nghệ, sự phát triển của thị trường trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
 
Đề án không định lại vai trò của DNNN, đặc biệt của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong một nền kinh tế nhiều thành phần.
 
Điểm cốt lõi, đề án không áp đặt kỷ luật thị trường lên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, tạo dựng môi trường cạnh tranh ở những lĩnh vực ngành nghề mà các đơn vị này đang độc quyền kinh doanh hoặc chiếm vị thế thống lĩnh; không đặt ra lộ trình các tập đoàn và tổng công ty nhà nước phải công khai minh bạch theo các tiêu chí của công ty nhiêm yết.
 
Ngoài ra, Đề án cũng không có nội dung “tái cơ cấu” cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước và cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN.
 
Công tác cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các ngành kinh doanh chính có rất ít tiến bộ, với lý do kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán, sụt giảm, nếu bán cổ phần thì nhà nước mất tiền.
 
 
Xử lý nợ xấu bất động sản - bài toán nan giải
 
Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng
 
Trong 3 nội dung tái cơ cấu, Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng được xây dựng khá sớm và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ ngày 1/3/2012.
 
Đề án đề cập nhiều nội dung theo từng loại hình tổ chức tín dụng (tổ chức tín dụng nhà nước, cổ phần, các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, tổ chức tín dụng nước ngoài) và đề ra lộ trình triển khai cho từng năm.
 
Thực tế, các nội dung: Xử lý nợ xấu gắn với việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; xử lý tình trạng sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng và giữa các tổ chức tín dụng và DN; không đặt ra lộ trình áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đã và đang được NHNN triển khai thực hiện.
 
Đề án gần như một văn bản định hướng nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng. Rất nhiều công việc cụ thể gắn với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng không được đề cập trong đề án, nên các bước thực hiện rất khó theo lộ trình. Chẳng hạn, không xử lý nợ xấu, khó có thể tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, vấn đề được đặt ra từ lâu, nhưng xử lý rất chậm.
 
Bên cạnh đó, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém mới chỉ thực hiện thông qua sáp nhập tự nguyện, chất lượng sau sát nhập thế nào cũng không có sự đánh giá công khai.
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo Công Thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo