Thị trường

Tái cơ cấu ngân hàng: Cờ đến tay ai?

Sự tham gia của NHNN ở vai trò nhà đầu tư cho thấy tới đây công cuộc tái cấu trúc ngân hàng sẽ có chuyển dịch bước ngoặt.

Điều gì cản trở thoái vốn?

Cho đến nay chưa có thống kê chính thức nào về số vốn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn nắm giữ tại các tổ chức tín dụng, tài chính, bảo hiểm, chứng khoán. Không phải người sở hữu chúng không muốn chuyển nhượng. Ngược lại ai cũng muốn bán, chỉ chưa thấy người mua. Nói đúng hơn không có người mua ở mức giá mà người bán rao. Quy định mang tính ràng buộc thoái vốn đầu tư ngoài ngành phải bảo toàn vốn nhà nước đã bó tay bó chân các doanh nghiệp. Nay quốc doanh được thoái vốn dưới mệnh giá.

Có hai điểm cốt lõi cản trở thoái vốn ngoài ngành. Thứ nhất là sự sụt giảm giá trị khoản đầu tư ở mức giá thị trường hiện tại so với giá vốn. Khoảng cách chênh lệch giữa giá đầu tư - giá thị trường rất lớn và ngay cả trong trường hợp chứng khoán phục hồi, thì mức chênh lệch cũng chưa thể kéo về bằng 0 trong vòng 12 tháng tới. Cái thời cổ phiếu ngân hàng giá 100.000-300.000 đồng; cổ phiếu chứng khoán 50.000-100.000 đồng có lẽ sẽ không trở lại nữa trong tương lai gần.

Hầu hết các khoản đầu tư nói trên không được trích lập dự phòng rủi ro. Trong báo cáo tài chính chúng được hạch toán vào danh mục đầu tư dài hạn, hoặc giữ đến ngày đáo hạn. Trái phiếu có ngày đáo hạn; các khoản vay nợ cũng có ngày đáo hạn, nhưng cổ phiếu không có ngày đáo hạn. Trích lập dự phòng chẳng khác nào công khai thừa nhận sự thua lỗ của khoản đầu tư. Mà đã thua lỗ thì phải có người chịu trách nhiệm. Không tập đoàn, tổng công ty nào muốn dính dáng đến cụm từ “trách nhiệm thua lỗ” cả.

Thứ hai, phải nói thẳng không ít ông chủ thực sự ở các ngân hàng không muốn xáo trộn cơ cấu cổ đông, thay cổ đông nhà nước bằng cổ đông khác vì sự thay thế đó có thể dẫn đến việc làm yếu đi hoặc khiến họ không còn kiểm soát được việc cung cấp tín dụng của ngân hàng. Trừ một số ông chủ ngân hàng có tiềm lực tài chính mạnh, đứng ra mua lại phần đầu tư của cổ đông nhà nước dưới tên những người liên quan. Còn lại những ông chủ ngân hàng góp vốn bằng tiền vay, thì việc mua lại để nắm vững quyền kiểm soát là bất khả kháng.      

Nhà đầu tư Ngân hàng Nhà nước?

Từ nay nghị quyết mới của Chính phủ cho phép các ngân hàng thương mại quốc doanh mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành vào các tổ chức tín dụng cổ phần hoặc chuyển giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm chủ sở hữu. Ở đây có những chi tiết cần làm rõ. Ba ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV đã cổ phần hóa, không còn là nhà nước 100%, vậy họ có được mua các khoản đầu tư? Nếu không, sẽ chỉ còn lại ngân hàng Agribank. Liệu ngân hàng này có lĩnh ấn xung phong đứng ra mua lại những khoản thoái vốn? 

Việc chuyển giao cho NHNN làm chủ sở hữu liệu có thể hiểu là NHNN sẽ bỏ tiền ra mua hay NHNN chỉ nhận về, còn các tập đoàn, tổng công ty sẽ hạch toán giảm vốn điều lệ? Khả năng đang hé mở là NHNN sẽ mua, trả theo giá thị trường. Nhiều nước trên thế giới đã đi theo con đường này. Nhà nước mua lại những khoản thoái vốn, sau đó sẽ mang ra bán lại trên thị trường khi điều kiện thuận lợi xuất hiện. Nhà nước đóng vai trò như nhà đầu tư trường vốn, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Sự tham gia của NHNN ở vai trò nhà đầu tư cho thấy tới đây công cuộc tái cấu trúc ngân hàng sẽ có chuyển dịch bước ngoặt. NHNN có thể tham gia vốn vào những ngân hàng cần tái cơ cấu mà không thể tìm được đối tác chiến lược cũng như những nhà đầu tư có “tiền tươi thóc thật”. Quan trọng nhất là NHNN sẽ đầu tư với giá nào trên cơ sở các khảo sát thực tế (due diligence). Giá đầu tư sẽ phải đảm bảo cho NHNN không lỗ khi bán lại sau này, cũng như giúp ngân hàng được mua “sống” lại.

Khi trở thành “ông chủ”, NHNN có trực tiếp điều hành các ngân hàng được mua? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào thực trạng của các tổ chức tín dụng. Có thể NHNN sẽ thuê đội ngũ điều hành hiện hành của ngân hàng đó tiếp tục quản lý. Khả năng khác là NHNN giao cho một “ông lớn” như Vietcombank, VietinBank, BIDV... hỗ trợ công tác quản trị. Về mặt nguyên tắc, bộ máy điều hành giống như người làm thuê và mọi quyết sách về chiến lược phát triển đều phải do đại diện NHNN quyết định.

Hiện tại danh sách những ngân hàng đang có cổ đông là tập đoàn, tổng công ty còn tương đối dài. Tập đoàn Dầu khí đang nắm giữ 20% cổ phần của Ngân hàng TMCP Đại Dương và là cổ đông lớn của PVCombank; Tổng công ty Bến Thành là cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Phương Đông; tập đoàn Dệt - May Vinatex chưa thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Nam Việt (tên mới là Quốc Dân); tập đoàn Than - Khoáng sản Vinacomin sau nhiều lần tìm kiếm vẫn chưa chuyển nhượng được cổ phần ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)... Tập đoàn Điện lực EVN cuối năm ngoái đã chuyển nhượng được 22,5 triệu cổ phiếu tại Ngân hàng TMCP An Bình, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 16%, tương đương 76,9 triệu cổ phiếu. Với số lượng này EVN vẫn sẽ tiếp tục là cổ đông lớn của An Bình.

Theo TBKTSG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo