Tái cơ cấu: Phải từ ruột gan doanh nghiệp
Tái cơ cấu trước hết cần được thực hiện đối với bản thân DN; cần được tái cơ cấu toàn diện, từ nhân sự, vốn, nợ, sản phẩm, mặt hàng sản xuất kinh doanh đến thị trường...
Trong hơn một thập kỷ qua, số lượng doanh nghiệp (DN) đã tăng lên nhanh chóng. Tổng số DN đang hoạt động đã tăng gấp trên 8,2 lần so với năm 2001, tăng bình quân 18,6%/năm. Đó là tốc độ tăng cao, là kết quả của việc chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường, nhất là từ sau khi Luật DN đi vào thực hiện.
Cơ cấu DN Việt Nam đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng DN nhà nước đã giảm từ 13,6% năm 2001 xuống còn 0,9% hiện nay.
Trong khi đó, tỷ trọng của DN ngoài nhà nước tăng từ 82,8% lên 95,8%. Tỷ trọng lao động của DN nhà nước giảm từ 59% còn 14,5%, trong khi của DN ngoài nhà nước tăng từ 29,4% lên 61%, trong đó, DN FDI tăng từ 11,5% lên 24,5%.
Tỷ trọng vốn sản xuất - kinh doanh của DN nhà nước đã giảm từ 67,9% xuống còn 32,3%; của DN FDI giảm từ 21,8% xuống còn 16,9%; trong khi của DN ngoài nhà nước tăng từ 10,3% lên 50,8%.
Một kết quả không dễ nhận thấy là, các DN Việt Nam đã bước đầu làm quen với cơ chế thị trường, mở cửa và hội nhập. Một bộ phận DN đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, làm quen dần với hạch toán, cạnh tranh, thương trường ở trong nước và thế giới. Một số mặt hàng đã có sức cạnh tranh khá trên thế giới, như dệt may, giày dép, điện thoại, cà phê, cá ba sa...
Bên cạnh những kết quả tích cực, DN Việt Nam cũng còn một số vấn đề đáng quan tâm. Số DN bị ngừng hoạt động, phá sản tăng lên trong mấy năm qua, chủ yếu do việc tiếp cận vốn khó khăn, nợ xấu cao, bất động sản trầm lắng, tiêu thụ chậm, tồn kho cao...
Một điểm yếu nữa là, quy mô bình quân một DN còn nhỏ (32 lao động, 43,8 tỷ đồng vốn hoạt động, 13,8 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, 17,5 tỷ đồng tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn, 32,2 tỷ đồng doanh thu thuần, 1,03 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế). Vốn chủ sở hữu/tổng nguồn vốn hoạt động chỉ đạt 31,4%. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần làm cho nợ xấu tăng cao, tăng trưởng tín dụng chậm lại.
Nhìn ở góc độ doanh nhân, nếu như trước đổi mới, chưa có doanh nhân thực thụ, mà chỉ có người buôn bán nhỏ và bị kỳ thị gọi là “con buôn”, thì từ sau Đổi mới, các doanh nhân đã thực sự xuất hiện và trưởng thành. Theo Niên giám Thống kê 2013, số chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh là trên 1,31 triệu người. Đây có thể được coi là số doanh nhân.
Tuy nhiên, số lượng doanh nhân còn chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong tổng số lao động đang làm việc trong cả nước (trên 40 lao động đang làm việc mới có một doanh nhân). Điều này đòi hỏi Nhà nước cần có cơ chế để tạo điều kiện cho các doanh nhân xuất hiện trên thị trường nhiều hơn nữa, tạo điều kiện cho các doanh nhân có môi trưởng sản xuất - kinh doanh thuận lợi, giúp họ vượt qua khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra.
Trong kinh tế thị trường, việc DN phá sản, ngừng hoạt động là khó tránh khỏi, nhưng số lượng DN phá sản, ngừng hoạt động quá lớn, liên tục tăng lên trong thời gian qua là hiện tượng không bình thường, cần xem xét lại chính sách kinh tế vĩ mô và sự hỗ trợ cụ thể của các cấp, các ngành cần hiệu quả hơn.
Về phần mình, các doanh nhân cần xác định rõ những nguyên nhân chủ quan và rút ra những bài học cần thiết, nhất là những bài học thất bại để “tự cứu trước khi trời cứu”. Tái cơ cấu trước hết cần được thực hiện đối với bản thân DN; cần được tái cơ cấu toàn diện, từ nhân sự, vốn, nợ, sản phẩm, mặt hàng sản xuất kinh doanh đến thị trường...
Theo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ
Giảm phát thải carbon, bước đệm vào nền kinh tế xanh toàn cầu
Chính thức: Hộ cá nhân có doanh thu dưới 200 triệu đồng được miễn thuế VAT
Cột tin quảng cáo