Tin tức - Sự kiện

Tái khởi động hội nhập

“Ở trong nước, chúng ta đang dự thảo Nghị quyết về hội nhập quốc tế, không chỉ về kinh tế mà cả chính trị, an ninh...”, TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói và nhấn mạnh thêm rằng, nếu Việt Nam “quyết” hội nhập thì cơ hội mở ra rất lớn, nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Nhất là khi “gió độc” dường như đang mạnh hơn “gió lành”.
“Quyết” theo hội nhập
 
“Sắp tới, có khi nhạc Rock và Hip Hop lại được nhảy cùng hát chèo, khi Việt Nam hội nhập mạnh mẽ hơn nữa với thế giới”. TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói một cách đầy hình ảnh như vậy tại Hội thảo công bố báo cáo đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO, được tổ chức sáng 3/4 tại Hà Nội.
 
Cục diện hợp tác thế giới, trong lưu ý của ông Thành, đang được “sắp đặt” lại từ khả năng mở rộng tầm ảnh hưởng của WTO, khi tổ chức này sắp tới sẽ bầu ra một vị chủ tịch mới, thay ông Pascal Lamy. Trong khi đó, các hiệp định hợp tác khu vực khác như giữa Hoa Kỳ và châu Âu có thể được thông qua cuối năm nay hoặc đầu năm tới.
 
 
Do thiếu công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô của Việt Nam chủ yếu là lắp ráp
 
Liên quan đến Việt Nam, Hiệp định hợp tác ASEAN +6 đã được thống nhất ký vào năm 2015 với quyết tâm cao của các bên, trong khi Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang có thêm Nhật Bản đề nghị tham gia, cũng dự kiến sẽ thông qua vào năm 2014...
 
Điều lưu ý của ông Thành được đặt ra trong bối cảnh, những thành tựu về kinh tế chủ yếu ở giai đoạn trước hội nhập dường như đã “bay hơi” ngay những năm sau khi gia nhập WTO, như dự trữ ngoại hối đã có thời sụt giảm mạnh, bất ổn vĩ mô kéo dài suốt nhiều năm, thu ngân sách đang ngày càng khó hơn và dư địa chính sách vĩ mô còn khá hẹp... Nhưng tại thời điểm này, “cuộc chơi” hội nhập dường như đang tái khởi động lại mạnh mẽ hơn, nhưng với sự cẩn trọng hơn.
 
“Ở trong nước, chúng ta đang dự thảo Nghị quyết về hội nhập quốc tế, không chỉ về kinh tế mà cả chính trị, an ninh...”, ông Thành nói và nhấn mạnh thêm rằng, nếu Việt Nam “quyết” hội nhập thì cơ hội mở ra rất lớn, nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Nhất là khi “gió độc” dường như đang mạnh hơn “gió lành”.
 
Bà Phạm Lan Hương - nguyên quyền Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) khái quát, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2007 - 2011 chỉ đạt bình quân 6,5%/năm, thấp hơn giai đoạn 5 năm trước đó (từ 2002 - 2006, tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,8%) và không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là 7,5 - 8%.
 
Lỗi tại trong nước?
 
TS. Lê Xuân Sang - Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô đại diện Ban tổ chức Hội thảo có lưu ý rất đáng quan tâm. Ông cho biết một số nghiên cứu chỉ ra rằng, sau khi gia nhập WTO, có nhiều nước tăng trưởng cao hơn phần còn lại các nước ngoài tổ chức này, nhưng cũng có nước giảm tăng trưởng. Nguyên nhân, có phần từ yếu tố cải cách kinh tế vĩ mô trong nước.
 
Trong bài phân tích của mình, bà Hương cũng chia sẻ sự đồng tình. Giai đoạn thuận lợi ngay sau WTO chỉ kéo dài được trong 2 năm 2007 và 2008. Nhưng sau đó, nền kinh tế Việt Nam bước vào thời kỳ tăng trưởng chậm lại và đạt ở mức thấp hơn nhiều so với trước. Phân tích các yếu tố tác động, bà Hương cho rằng, bên cạnh những cơ hội mở ra về thị trường, về thu hút vốn đầu tư... tác động tiêu cực có mức độ ảnh hưởng lớn hơn, lại được truyền dẫn nhanh hơn vào nền kinh tế.
 
 
Tăng trưởng kinh tế thời kỳ 2002 - 2011 (%)
 
Cụ thể là diễn biến kinh tế Việt Nam trong giai đoạn từ 2008 đến nay chịu ảnh hưởng không thuận từ giá nguyên, nhiên liệu trên thế giới tăng cao (trừ 2009). Hay như cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu thông qua một số “kênh hội nhập” như giá cả, thương mại và đầu tư cũng tác động vào Việt Nam nhanh và mạnh hơn. Bà Hương còn cho rằng, có nguyên nhân từ một số yếu kém và hạn chế trong nội tại nền kinh tế bộc lộ rõ nét hơn sau gia nhập WTO.
 
“Một yếu tố quan trọng tương tác mạnh mẽ với các yếu tố tích cực và tiêu cực bên trong và bên ngoài nền kinh tế là chính sách của Chính phủ trước và sau khi gia nhập WTO”, bà Hương nói.
 
Trước hết, các chính sách thúc đẩy tăng trưởng cao từ giữa năm 1999 đến trước khi gia nhập WTO dựa vào mở rộng đầu tư với hiệu quả không cao, đã tạo sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô trong giai đoạn sau đó. Thêm nữa, những diễn biến không thuận của tình hình kinh tế thế giới đã không được lường hết trong kế hoạch 5 năm 2006 - 2010.
 
Điều không kém phần quan trọng là việc thiếu kinh nghiệm và năng lực hấp thu, trung hòa dòng vốn FDI tăng đột biến trong năm 2007; các lúng túng và không nhất quán giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để xử lý các bất ổn kinh tế vĩ mô giai đoạn 2008 - 2010 làm giảm tác dụng của từng chính sách; các biện pháp chính sách thường bị chậm.
 
Cần phản ứng chính sách tốt hơn
 
Ông Raymond Mallon - Cố vấn cấp cao của một Dự án về WTO khuyến nghị, các nhà lãnh đạo của đất nước, sau khi gia nhập WTO, phải có phản ứng chính sách tốt hơn. Ông nói vậy khi nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại về hạn chế khi ban hành chính sách vĩ mô của Việt Nam trong giai đoạn từ 2007 đến nay.
 
Ở điểm này, ông Thành lưu ý thêm: “Bài học đến nay còn nguyên giá trị, khi nền kinh tế có nhiều tiền quá cũng không tốt, nó dễ che mờ tính hiệu quả, năng lực quản trị rủi ro...”. Tại thời điểm năm 2009, trước “lịch sử” Việt Nam luôn duy trì tăng trưởng GDP rất cao, nên khi sự sụt giảm tăng trưởng xuất hiện, chính sách kích thích kinh tế đã được đưa ra.
 
Theo các phân tích của CIEM, việc nới lỏng chính sách trong năm đó khiến GDP tăng thêm được 1 điểm phần trăm. Tuy thế, ông Thành nhìn nhận để đạt được kết quả GDP tăng 5,3% trong năm đó, cái giá phải trả là quá lớn, không chỉ từ khoảng 8 tỷ USD kích cầu, mà còn tạo ra những yếu tố tiềm ẩn rủi ro cho những năm tiếp theo.
 
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng tán đồng cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam “quyết” cải thiện tăng trưởng năm 2009, cả thế giới khi đó chỉ có 16 quốc gia đạt tăng trưởng dương. “Vì sao ta phải trả giá cao như vậy, với hậu quả nặng nề kéo dài đến tận bây giờ? Khi tiền đổ vào các DNNN, thị trường bất động sản và các thị trường đầu cơ... từ đồng tiền kích cầu dễ tiếp cận thì có phải là điều cần thiết?”, bà Lan đặt câu hỏi.
 
Nhưng không chỉ ở tầm chính sách lớn, ngay trong chiến lược phát triển ngành, Việt Nam cũng thể hiện những hoạch định chính sách chưa tận dụng được hết cơ hội từ WTO. Chẳng hạn, ngay tại thời điểm nền kinh tế đình đốn sau WTO, nông nghiệp trở thành điểm tựa rất tốt, nhưng đầu tư cho lĩnh vực này lại rất hạn chế, hậu quả là năng suất thấp, chưa tập trung vào đầu tư cho công nghiệp chế biến...
 
Trong khi, dòng đầu tư vào các ngành công nghiệp chỉ chạy vào khu vực gia công. Vì lẽ này, công nghiệp chế biến chế tạo không đạt được mục tiêu xây dựng các ngành công nghệ cao mà chỉ dừng lại ở “công nghệ đạp máy khâu”. Do chính sách động lực phát triển có phần chưa hợp lý, nền kinh tế Việt Nam dù bước đầu tiếp cận với chuỗi giá trị toàn cầu nhưng chưa vững chắc.
 
“Chúng ta mới tham gia theo kiểu nhập khẩu sản phẩm trung gian, phần có nhiều giá trị gia tăng nhất trong chuỗi giá trị, trong khi xuất khẩu nguyên liệu thô và gia công là chính. Tham gia đó chưa có lợi cho nền kinh tế”, bà Lan nói.
 
 
 
 
Minh Trí
Theo TBNH
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo