Tài sản khủng của quan chức: Cục chống tham nhũng lên tiếng
Chưa biết vụ tài sản khủng của quan chức đúng, sai mức nào; nhưng những điều tiếng này đang gây sự thất vọng không nhỏ về đội ngũ quan chức nhà nước.
Dư luận đang bàn thảo xôn xao về hai khối tài sản của hai lãnh đạo Thanh tra Chính phủ (TTCP): Ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng TTCP và ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng TTCP. Xung quanh vấn đề này, ông Phí Ngọc Tuyển - Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng của TTCP, chia sẻ:
- Thưa ông, TTCP là cơ quan chủ quản của hai quan chức: Ông Trần Văn Truyền và ông Ngô Văn Khánh; vậy từ khi xảy ra câu chuyện về khối tài sản của hai ông gây bàn luận khắp nơi, nội bộ cơ quan TTCP đã có động thái gì chưa?
+ Với trường hợp cụ thể như nói trên, tôi không phải là cấp xem xét. Ban Cán sự TTCP có họp hay không thì tôi không được biết, nên không thể trả lời được. Tôi cũng không liên quan đến công tác tổ chức nên cũng đề nghị là không trao đổi về vấn đề bổ nhiệm cán bộ trước khi nghỉ hưu của nguyên Tổng TTCP Trần Văn Truyền mà báo chí nêu.
- Dù thế nào đi nữa thì sự việc lùm xùm hiện nay đối với hai lãnh đạo chủ chốt của TTCP (một đã về hưu, một đang đương chức), cũng đang làm suy giảm sự tin cậy đối với cán bộ hoạt động trong lĩnh vực cần sự liêm khiết tuyệt đối là thanh tra. Vậy, tại sao TTCP lại im lặng, như sự việc không phải của “nhà mình”?
+ Tôi cho rằng không phải là cơ quan im lặng. Để trả lời những thông tin mà báo chí nêu về những vấn đề này thì nên chờ tới cuộc họp báo thường kỳ của TTCP vào cuối tháng 3 này. Lúc đó nếu phóng viên hỏi, mà TTCP không trả lời, thì mới nói là TTCP né tránh.
- Nói về chính sách minh bạch tài sản trong chiến lược phòng, chống tham nhũng, trên báo chí ông từng nhấn mạnh, việc công khai tài sản là “công cụ hữu hiệu” để phát hiện tham nhũng và ngăn ngừa tham nhũng?
+ Về vấn đề kê khai tài sản: Từ năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị định 68, trong đó có chế định công khai bản kê khai tài sản. Đến năm 2012, Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi đã luật hóa chế định việc công khai tài sản. Tuy nhiên, chính sách công khai tài sản cá nhân của cán bộ công chức lại bao gồm cả những người liên quan như vợ, chồng, con cái...
Như vậy, biện pháp công khai và chính sách công khai là có kiểm soát. Nó thể hiện ở các khía cạnh:
Thứ nhất - cán bộ phải kê khai tài sản hằng năm và bản kê khai hằng năm thì phải công khai.
Thứ hai - phạm vi và đối tượng công khai chỉ là những người cùng làm trong một cơ quan.
Thứ ba - người chịu trách nhiệm công khai bản kê khai ấy là thủ trưởng cơ quan đó. Xét về mặt tổ chức thì chỉ có tổ chức mới được công khai, không phải cá nhân nào cũng được công khai bản kê khai ấy. Như vậy, bất kể nghị định nào, cách công khai nào mà vượt quá phạm vi, địa điểm công khai, không đúng người có thẩm quyền công khai, thì đều là sai.
- Thưa ông, dù giới hạn bản kê khai tài sản chỉ được công khai ở cơ quan đó, nhưng không có nghĩa là chỉ cán bộ cơ quan đó mới biết được. Thực tế đúc kết: “Chuyện đến tai người thứ ba, nghĩa là cả làng biết”; và như thế thì “đến tai” báo chí là điều rất bình thường?
+ Tôi chỉ muốn nói từ chế định để soi xét vào những điều đang diễn ra, để nói rằng pháp luật luôn bảo vệ tài sản hợp pháp của bất cứ ai, và việc công khai tài sản phải nằm trong những giới hạn nhất định.
- Bản kê khai tài sản của ông Ngô Văn Khánh mà báo chí có được là bản khai khi ông Khánh làm thủ tục bổ nhiệm ông vào vị trí Phó tổng TTCP năm 2011, chứ không phải bản kê khai hằng năm? Bản này theo quy định không được công khai, nên chắc hẳn là rò rỉ từ nội bộ TTCP?
+ Quy trình bổ nhiệm cán bộ có rất nhiều khâu, nhiều nơi có trách nhiệm xem xét hồ sơ... Vậy nên, rõ ràng không chỉ cơ quan TTCP là người duy nhất tiếp cận, nắm giữ bản kê khai tài sản đó.
- Khi mới về công tác tại TTCP, ông Khánh có được xem là người giàu có không, thưa ông?
+ Anh Ngô Văn Khánh về công tác tại TTCP trước tôi (tôi về TTCP năm 1992). Thời gian đó anh Khánh đã được biết đến là người giàu có rồi. Khi đó tôi nghe nói gia đình anh Khánh còn có cả công ty.
- Việc hai lãnh đạo TTCP nhiều tài sản như vậy, theo ông có đáng nghi vấn không?
+ Cán bộ của ta kinh qua nhiều thời kỳ. Có thời kỳ Đảng, Nhà nước ta chủ trương động viên các đảng viên tham gia làm kinh tế. Nhà nước ta cấm cán bộ quan chức nhà nước tham gia quản lý doanh nghiệp, chứ không cấm họ đầu tư, góp cổ phần...
Vì vậy có thể thấy, tài sản của quan chức, cán bộ và viên chức nhà nước nói chung có thể từ nhiều nguồn mà có được, chứ không phải chỉ có từ lương, thu nhập ở cơ quan làm việc nhà nước.Vấn đề là ở chỗ tài sản có nguồn gốc hợp pháp hay không?
- Thưa ông, khi còn đương chức, ông Trần Văn Truyền thuộc diện phải kê khai tài sản, vậy khi đó ông Truyền có nhiều tài sản như hiện nay không?
+ Năm 2012 mới bắt đầu thực hiện công khai bản kê khai tài sản ở nơi làm việc. Trước đó các bản kê khai tài sản của cán bộ nhà nước (trong diện phải kê khai) là tài liệu mật. Anh Trần Văn Truyền nghỉ hưu từ năm 2011, thời kỳ đó các bản kê khai tài sản là tài liệu mật, nên tôi dù công tác cùng cơ quan với anh Truyền cũng không được biết.
- Ở một số quốc gia, tài sản của quan chức - tất cả đều được công khai trên mạng cho toàn dân biết. Ở nước ta việc công khai tài sản đã có bước tiến dài, tuy nhiên vì sao vẫn phải “công khai có kiểm soát ”, thưa ông?
+ Kinh nghiệm các nước thực hiện công khai tài sản các quan chức lên mạng, hiệu quả phòng, chống tham nhũng rất cao. Nước ta, trong bối cảnh các loại tội phạm gia tăng, hoạt động hết sức tinh vi, nhưng cơ chế bảo vệ tài sản của cán bộ, công chức lại chưa tốt; bây giờ tôi công khai tài sản rộng rãi trên mạng, bọn tội phạm biết được sẽ nhòm ngó, lúc ấy ai bảo vệ tôi, vợ con, tài sản của tôi?
Đó cũng là lý do chúng ta chưa tiến hành công khai tài sản cán bộ lên mạng. Việc kê khai tài sản không có nghĩa là công khai hết với mọi người. Trong nghị quyết của Đảng sẽ tiến tới công khai ở nơi cư trú.
Nhưng hiện nay pháp luật chưa thể chế hóa được chính sách đó nên chưa thực hiện được. Quốc hội cũng đã họp và cân nhắc việc công khai tài sản cán bộ ở nơi cư trú, nhưng phải đi kèm với việc bảo vệ tốt hơn, do vậy phải có lộ trình nên chưa thể nóng vội.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng quay trở lại của du khách
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cột tin quảng cáo