Tại sao có hiện tượng vốn Hàn Quốc "rời bỏ" Trung Quốc đến Việt Nam?
Hàn Quốc hiện đang là đối tác FDI lớn nhất của Việt Nam. Theo thống kê, nước này đang có 6.760 dự án với vốn đầu tư đăng ký là 59 tỷ USD còn hiệu lực tại Việt Nam. Riêng năm 2017, lượng vốn đăng ký đã đạt mức kỷ lục là hơn 9 tỷ USD, tập trung ở các dự án lớn trong mảng công nghiệp chế tạo, kinh doanh BĐS, năng lượng, M&A...
Dòng vốn Hàn Quốc đã có sự chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam, theo nhận định của ông Ban Won Ik, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp tiềm năng cao của Hàn Quốc (AHPEK). Theo đó, từ năm 2016, số lượng dự án và tổng vốn đầu tư của nước này tại Trung Quốc đã giảm mạnh. Ngược lại, đối với Việt Nam, Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (Kotra) nhận xét các doanh nghiệp Hàn đang có chiến lược đầu tư rất bài bản.
Trao đổi với Trí Thức Trẻ, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lý giải trong những năm gần đây, người Hàn đang nhìn thấy được những cơ hội "sinh lời" lớn từ Việt Nam.
Nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế gần đây đã nhận định Việt Nam đang nổi lên như là một điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Hàn Quốc không phải ngoại lệ. Khác với Nhật Bản, cũng là một quốc gia đầu tư mạnh ở Việt Nam trước đó, ông Toàn nhấn mạnh người Hàn thích "chớp thời cơ" hơn là bước đi từng bước "thận trọng".
"Tính cách Hàn Quốc trong kinh doanh là sự nhanh chóng, đổi mới liên tục. Vậy nên khi cảm nhận môi trường ở Việt Nam là phù hợp, họ đầu tư rất mạnh tay", ông Toàn nói.
Điều này được minh chứng qua những dự án cứ điểm của Samsung, LG... tại Việt Nam kéo theo hàng loạt công ty công nghiệp phụ trợ của Hàn vào theo.
Bên cạnh đó, ông Toàn cũng nói rằng phổ đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam rất rộng, từ công ty rất bé, đến những công ty rất lớn như Samsung. Chứng minh, vị này cho biết bình quân vốn trên dự án của Hàn Quốc hiện chỉ bằng 2/3 vốn đầu tư trung bình trên dự án của các quốc gia, vùng lãnh thổ vào Việt Nam, trong khi Hàn Quốc cũng đồng thời là chủ đầu tư của nhiều dự án trị giá hàng tỷ USD.
"Chứng tỏ có rất nhiều công ty bé đầu tư vào Việt Nam. Phổ đầu tư là rất rộng, từ công ty cực lớn đến công ty cực bé. Chứng tỏ môi trường kinh doanh ở Việt Nam hấp dẫn như thế nào", ông Toàn nói.
Đây chính là yếu tố khiến cho có sự chuyển hướng của dòng vốn Hàn, từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo ông Toàn, việc chuyển hướng này, thậm chí doanh nghiệp Hàn cũng phải chấp nhận những thua thiệt, tốn kém nếu họ đang đầu tư tại Trung Quốc. "Điểm đến Việt Nam đang hấp dẫn hơn Trung Quốc", ông Toàn nhận xét.
Chính sách mở của Việt Nam đang tạo nên thị trường xuất khẩu rất lớn, kết nối với các quốc gia khác. Việt Nam đã ký rất nhiều FTA, trong đó, phải kể đến FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA) có thể hoàn tất trong năm 2018 hay Hiệp định CPTPP vừa mới ký kết đầu năm nay. Bên cạnh đó, nguồn lao động với chi phí thấp, chính sách khuyến khích doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất cũng là các yếu tố khiến doanh nghiệp Hàn quyết định chọn lựa Việt Nam.
Việt Nam cũng đang được xem là trọng tâm của chính sách "Làn gió phương nam mới" của Hàn Quốc. Chính sách này là việc Hàn Quốc sẽ tăng cường giao lưu, hợp tác với ASEAN, nâng tầm mối quan hệ lên tương đương 4 cường quốc là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Hàn ước đạt 100 tỷ USD vào năm 2020, tương đương mức tăng bình quân hàng năm trên 18% trong 3 năm tới. Tốc độ tăng trưởng này tuy thấp hơn tốc độ bình quân hàng năm gần 24% trong giai đoạn 2009-2017, nhưng đủ mạnh để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam đi lên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước