Tin tức - Sự kiện

Tài xế "xe ôm công nghệ" Mai Linh phải đáp ứng điều kiện gì?

Những cá nhân dưới 50 tuổi và đã được cấp giấy phép lái xe đều có thể tham gia mạng lưới M.Bike của hãng Mai Linh.

Phòng Dự án M.Bike thuộc Công ty cổ phần Mai Linh Miền Bắc cho biết, sẽ không có chiếc xe máy nào được đầu tư để triển khai dịch vụ “xe ôm công nghệ”. Thay vào đó, Mai Linh chọn cách kết nối người có nhu cầu đi xe với lái xe nhàn rỗi. Những lái xe này sẽ trở thành đối tác của công ty, theo tin tức trên báo Tri Thức Trẻ.

Không có tiêu chuẩn khắt khe nào được Mai Linh đặt ra với các lái xe. Những cá nhân dưới 50 tuổi, đã được cấp giấy phép lái xe đều có thể tham gia mạng lưới M.Bike. Tuy nhiên, phương tiện được các tài xế xử dụng trong quá trình cung cấp dịch vụ “xe ôm công nghệ” không được vượt quá 3 năm sử dụng. Điều này có nghĩa, những xe sản xuất trước năm 2014 sẽ không xuất hiện trong mạng lưới của M.Bike.

Mặc dù vậy, Mai Linh vẫn chưa tiết lộ tiêu chuẩn về lái xe và phương tiện của dịch vụ M.Bike Premium. Đây là dịch vụ đang nhận được sự quan tâm lớn vì mức cước cao gấp đôi M.Bike thông thường và gần tương đương với việc trải nghiệm dịch vụ vận chuyển trên xe hơi như UberX hay GrabCar.

Theo thông tin từ Mai Linh, dịch vụ “xe ôm công nghệ” của công ty này sẽ có bộ nhận diện thương hiệu riêng. Công ty sẽ trang bị áo và mũ bảo hiểm cho lái xe tham gia mạng lưới M.Bike.

"Xe ôm công nghệ" Mai Linh sẽ cạnh tranh với GrabBike, UberMOTO.

Trước đó, Mai Linh Hà Nội cũng đã công bố bảng giá cước dịch vụ xe ôm công nghệ M. Bike. Theo đó, đối với loại xe M.bike thông thường, mức giá cước được áp dụng là 11.000 đồng/2km đầu. Khách hàng phải trả thêm 3.800 đồng/km tiếp theo. Mai Linh cũng sẽ đồng thời triển khai M.Bike Premium với giá cước gấp đôi M.Bike thông thường.

So sánh cho thấy, mức giá trên không quá chênh lệch khi so sánh với UberMOTO và GrabBike. Cụ thể, cước phí UberMOTO là 3.700 đồng/km. Mỗi phút sử dụng dịch vụ bị tính cước 200 đồng, UberMOTO còn áp dụng cước phí hủy chuyến 5.000 đồng và đặt ra mức cước phí tối thiểu 10.000 đồng.

Trong khi đó, khách hàng sử dụng dịch vụ GrabBike tại Hà Nội và TP. HCM sẽ được tính cước theo 2 bảng giá khác nhau. Grab áp mức cước 11.000 đồng/2km đầu tiên đối với thị trường Hà Nội, trong khi 2km đầu tiên tại TP. HCM phải trả 12.000 đồng. Tuy nhiên, mức giá này còn được điều chỉnh linh hoạt khi nhu cầu tăng cao dựa theo khu vực, thời điểm trong ngày.

Ngoài Mai Linh, trước đó, Vinasun cũng cho biết đang nghiên cứu thị trường, cân nhắc lợi ích để phát triển dịch vụ gọi xe ôm trực tuyến nhằm tăng sức cạnh tranh và giữ chân khách hàng. Dự kiến dịch vụ này sẽ được triển khai sớm nhất vào cuối năm nay. Động thái này của hai doanh nghiệp dẫn đầu thị phần taxi truyền thống được cho là “cú phản đòn” trong tình thế bị Grab và Uber dồn vào đường cùng, theo VnExpress.

Quyết định của Mai Linh được cho là khá mạo hiểm khi mô hình như Grab, Uber đang phát triển ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ xe ôm.

 

Trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Grab Việt Nam cho biết, toàn hệ thống GrabBike đang có tới 50.000 lái xe. Tốc độ tăng trưởng số lượng tài xế GrabBike rất cao khi đầu năm 2017 mới chỉ có 20.000 người. Trong khi đó, dịch vụ UberMOTO của Uber cũng phát triển không hề kém so với GrabBike.

Nên đọc
Công Danh (tổng hợp theo báo Tri Thức Trẻ, VnExpress)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo