Tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam đến năm 2020
(chinhphu) Đây là Hội thảo trong khuôn khổ hoạt động Dự án “Hỗ trợ xây dựng tầm nhìn và lộ trình thực hiện Tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam” do Tổ chức SIDA (Thụy Điển) tài trợ.
Dự thảo đã nêu lên một số vấn đề cần thực hiện như: Chính phủ và công cuộc chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam: Câu chuyện chung; quản lý kinh tế vĩ mô; cải cách hành chính công; tầm nhìn hiện đại hóa Chính phủ đến năm 2020; chuyển tầm nhìn thành hiện thực: Sử dụng thẻ tích điểm…
Theo các chuyên gia quốc tế, “Tầm nhìn” ở đây đưa ra một tập hợp các bức tranh hay những viễn cảnh về việc các thiết chế của Chính phủ và công chúng sẽ tương tác với nhau như thế nào.
Những viễn cảnh đó gồm các thủ tục hành chính hiện đại; việc tiếp cận hiệu quả với thông tin và dịch vụ bằng thẻ thông minh; khả năng công dân tiếp cận với tất cả các loại dịch vụ hiện có (ví dụ như khám chữa bệnh và bảo hiểm hưu trí ở cấp xã); đăng ký nhập học và dịch vụ y tế mà không phải trả tiền “ngầm”; công chức chính phủ nộp báo cáo đúng hạn và chất lượng cao.
Đại diện tư vấn quốc tế, chuyên gia Paul Collins cho biết: Những khuyến nghị trong tầm nhìn Chính phủ có thể đang được tiến hành ở các cấp độ khác nhau. Ông đánh giá cao chương trình đưa 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã ở vùng sâu vùng xa của Chính phủ Việt Nam vì điều này cho thấy, ngoài thúc đẩy tăng trưởng chung, Việt Nam rất chú trọng việc thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực nghèo với khu vực phát triển hơn.
Tuy nhiên, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình và đây là chỉ báo việc vốn ODA sẽ không còn dồi dào. Do vậy, nếu thời gian tới Việt Nam không thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, có thể sẽ “chậm chân” so với thế giới.
Đóng góp ý kiến cho Dự thảo, ông Nguyễn Văn Nam (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thương mại) khẳng định Việt Nam nhận thức tương đối tốt vấn đề nâng cao tầm nhìn của bộ máy Nhà nước nhưng khi triển khai thực tiễn còn gặp nhiều vướng mắc.
Chẳng hạn, về chất lượng nhân sự, có thể nhận thấy một công chức Việt Nam được đào tạo rất rộng nhưng khi thực hiện phục vụ “khách hàng” (là người dân) thì có thực tế nhiều cán bộ làm chưa tốt. Có cán bộ quản lý khi xử lý một công việc cụ thể mà lãnh đạo giao thì lúng túng trong triển khai phối hợp công việc cụ thể. Việc mô tả công việc và thực hiện các quy định về khen thưởng, kỷ luật, miễn nhiệm vẫn chưa nghiêm; việc kiểm điểm đánh giá, xử lý cán bộ chưa đầy đủ; vẫn có nghịch lý là trong bộ máy có những người làm việc mẫn cán thì lại không được quyền lợi bằng những cán bộ làm việc không hiệu quả...
Kết thúc hội thảo, PGS.TS. Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết tất cả những ý kiến đóng góp cho Dự thảo “Tầm nhìn và lộ trình thực hiện Tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam đến năm 2020” sẽ được ghi nhận và hoàn thiện cho những giai đoạn thực hiện tiếp theo.
Anh Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Sun Life nhận giải dịch vụ khách hàng tốt nhất
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024