Tin tức - Sự kiện

Tâm sự của người quét rác trên đỉnh Yên Tử dưới 5 độ C

Mặc cho tiết trời dưới 5 độ C, lạnh buốt những công nhân quét rác trên đỉnh núi thiên Yên Tử, Quảng Ninh vẫn miệt mài làm việc.

Chị Triệu Thị Chính, Công nhân vệ sinh môi trường trên đỉnh Yên Tử (Ảnh: Xuân Hải)

Đầu đội nón, quấn khăn len, chiếc khẩu trang che kín khuôn mặt chỉ lộ đôi mắt, tay đeo găng cao su nhặt từng chiếc túi ni lông của du khách vứt ngổn ngang ở các bậc đá trên đỉnh núi Yên Tử trong tiết trời dưới 5 độ C, đó là chị Triệu Thị Chính (33 tuổi, ở TP Uông Bí, Quảng Ninh), công nhân vệ sinh, Công ty Cổ phần phát triển Tùng Lâm, đơn vị làm vệ sinh môi trường khu du lịch danh thắng Yên Tử.

Chiếc áo xanh công nhân ướt đẫm sương, tay vẫn miệt mài nhặt rác, chị Chính cho biết: Để giữ vệ sinh trên đỉnh Yên Tử, hàng ngày tôi phải dậy từ 3 giờ sáng để đi từ nhà lên đỉnh Yên Tử (mất 1 tiếng đồng hồ với quảng đường từ chân núi lên khoảng 1.500m). Mấy hôm trước, đỉnh Yên Tử chỉ 0 độ C và có băng tuyết, mặc dù trời lạnh nhưng do công việc tôi vẫn phải làm, để đến sáng sớm khi du khách đến tham quan Yên Tủ sẽ thấy cảnh quan môi trường sạch sẽ.
 
Theo chị Chính, công việc hàng ngày của chị là giữ vệ sinh tại khu vực đỉnh núi Yên Tử, thu gom rác các bao ni lông to sau đó gom lại một chỗ để chờ người trong bộ phận gánh rác để gánh rác xuống chân núi đưa ra xe của công ty chở đi xử lý.
 
“Hàng ngày tôi làm từ 4 giờ sáng cho đến khoảng 19 đến 20 giờ mới nghỉ, trước khi đi làm tôi phải dậy sớm nấu cơm rồi mang theo để ăn trưa tại đỉnh Yên Tử đến khi hết người lên đỉnh Yên Tử thì mới về nghỉ, ngày nắng hay ngày mưa cũng vậy. Mấy hôm trước nhiệt độ trên đỉnh Yên Tử 0 độ C vừa ăn cơm mà hai hàm răng cứ va vào nhau cầm cập”, chị Chính kể. 
 
Mặc cho trời mưa, sương mù, công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài làm việc
 
Tương tự, tại khu vực chùa Giải Oan, trong khi hàng trăm du khách chen lấn để được vào trong chùa làm lễ thì các nhân viên phục vụ phải liên tục nói trên loa phóng thanh nhắc du khách giữ vệ sinh môi trường. Mỗi khi có khách sắp lễ xong để vào chùa thì hàng đống túi ni lông lại bị vứt ngổn ngang khiến các công nhân quét rác phải liên tục quét dọn, nhặt rác.
 
Chị Huyền, công nhân vệ sinh môi trường ở khu vực này cho biết: Mặc dù ở trên khu vực chùa được bố trí rất nhiều thùng đựng rác nhưng người dân cứ vứt rác bừa bãi khiến tôi làm việc rất vất vả. Ngay tại khu vực chùa Giải Oan có tới 7 người làm việc nhưng cũng không xuể vì du khách đông và vô tư vứt rác.
 
Vào ngày chủ nhật nên từ sáng sớm đã có rất nhiều người dân trên khắp các tỉnh, thành cả nước đổ về với đất Phật Yên Tử, từng hàng xe nối đuôi nhau vào bãi đậu. Khu vực đi cáp treo lên đỉnh Yên Tử du khách xếp thành hàng dài đến 500m, đường lên đỉnh núi thiêng, ở hai bên đường cứ khoảng 30m lại được ban quản lý khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử bố trí 1 thùng đựng rác nhưng nhiều du khách vẫn “vô tư” vứt bừa bãi trên khắp lối đi.
 
Đỉnh núi Yên Tử dưới 5 độ C sương mù dày đặc.
 
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trung Hải, Trưởng ban quản lý khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết: Hôm nay là chủ nhật nên có khoảng 65 nghìn lượt du khách thập phương đổ về với lễ hội Yên Tử. Mỗi ngày có trên 130 công nhân vệ sinh môi trường của Công ty Cổ phần phát triền Tùng Lâm thay phiên nhau làm việc, trong đó có 30 người chuyên làm nhiệm vụ gánh rác từ trên núi xuống chân Yên Tử để thu gom lại chờ xe công ty chở đi xử lý.
 
Cũng theo ông Hải, để giữ gìn an ninh trật tự và hướng dẫn cho du khách đường lên các chùa trên núi Yên Tử, Ban quản lý đã bố trí 50 nhân viên tại các đường dẫn, khu vực lên các chùa cùng hàng trăm công an tham gia giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực Yên Tử.
 
“Vào các ngày thứ 7, chủ nhật, du khách đổ về quá đông nên chúng tôi phải bố trí hết lực lượng để tham gia giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực, đảm bảo cho du khách về với lễ hội Yên Tử 2014 không bị mất trộm, mất cắp, chèo kéo mua hàng, bị chặt chém”, ông Hải nhấn mạnh.
 
InforNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo