Tân binh bán lẻ khiêu khích lão làng
Đang có làn sóng doanh nghiệp trong nước tấn công rầm rộ vào thị trường bán lẻ. Dù không phải là mảng kinh doanh sở trường, nhưng rất có thể, trong tương lai gần, miếng bánh thị phần của các đại gia lão làng sẽ bị hao hụt bởi sự xâm lấn của các tân binh.
Đa ngành với bán lẻ
Trung thành với chiến lược phát triển đa ngành trong các lĩnh vực bất động sản, tài chính và truyền thông, nhưng việc tham gia mảng bán lẻ của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) vẫn khiến nhiều người sửng sốt.
Ý định tấn công thị trường bán lẻ của Ocean Group nhen nhóm từ năm 2010, với việc HĐQT thông qua việc đầu tư góp vốn 127,5 tỷ đồng vào Sở Giao dịch hàng hóa INFO (INFO COMEX), chiếm 85% tổng vốn điều lệ của sở giao dịch này.
Đến ngày 3/5/2013, Bộ Công thương chính thức trao giấy phép thành lập INFO COMEX cho Ocean Group, hướng đến chuỗi trung tâm tài chính - thương mại và nhà ở trên cơ sở chương trình phát triển nông thôn mới của Chính phủ ở các tỉnh miền Bắc, cùng với việc phát triển kinh doanh các ngành nông sản, thực phẩm.
Tuy nhiên, để chiến đấu thật sự bài bản trên thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt, năm 2011, tập đoàn này đã thành lập Công ty cổ phần Bán lẻ và Quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail) và triển khai hệ thống OceanMart.
Cuối năm 2012, Ocean Retail chính thức ghi tên vào bản đồ thị trường bán lẻ Việt Nam khi khai trương trung tâm thương mại, siêu thị OceanMart Hà Đông và OceanMall Thăng Long. Gần đây nhất là Ocean Mart Trung Hòa (quận Cầu Giấy), Ocean Mart Starbowl (quận Đống Đa).
Theo kế hoạch từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Ocean Retail sẽ tiếp tục khai trương đại siêu thị Ocean Mart Times City tại Trung tâm thương mại Times City, Ocean Mart Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Mạnh Duy, Giám đốc phát triển mạng lưới Ocean Mart không giấu tham vọng trở thành một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất cả nước. Theo đó, mục tiêu đến cuối 2015, Ocean Mart sẽ có 70 siêu thị đi vào hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc, hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn hàng hóa phong phú, đa dạng, chất lượng tốt, giá cả hợp lý và dịch vụ hoàn hảo.
Ocean Group không công bố về kết quả kinh doanh mảng bán lẻ, nhưng theo quan sát, lượng khách đến siêu thị này mua hàng không được đông đúc như vị trí thuận lợi đã kỳ vọng.
Trong khi đó, theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, tập đoàn này cũng bỏ ra một khoản vốn khá lớn để nhập khẩu công nghệ quản lý hệ thống bán lẻ tiên tiến cho chuỗi siêu thị của mình theo hướng chuyên nghiệp.
Do đó, việc dồn dập mở điểm bán mới của Ocean Mart cũng khiến cho các nhà bán lẻ ngoại phải dè chừng.
Cũng là một tân binh, nhưng Công ty Hiway Việt Nam (thuộc Tập đoàn Sơn Hà) đã tấn công vào lĩnh vực bán lẻ sớm hơn 1 năm (năm 2011) với hệ thống mang tên Hiway Supercenter và nhiều lần lỗi hẹn với kế hoạch mở điểm mới.
Tại buổi khai trương đại siêu thị thứ hai là Hiway Ngọc Khánh mới đây, ông Nguyễn Bảo Lộc, Phó tổng giám đốc điều hành và nội vụ Hiway Supercenter đã giải thích về sự chậm trễ này: “So với kế hoạch dự kiến ban đầu, sự chậm trễ đó có nhiều nguyên nhân, trong đó, có sự khó khăn chọn địa điểm nội và ngoại thành Hà Nội. Kế hoạch mở 5 siêu thị vẫn đang rốt ráo thực hiện, song chúng tôi cần đi từng bước chắc chắn”.
Được biết, có thể sau Tết Nguyên đán 2014, Hiway sẽ mở tiếp siêu thị thứ ba tại huyện Từ Liêm với quy mô tương đương Big C Thăng Long.
Trong khi đó, mới đây một tân binh khác là Công ty cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu tổng hợp (Conexim) chính thức gia nhập thị trường bán lẻ, với việc khai trương hai trung tâm bán lẻ tại Hà Nội với tên gọi Eximart.
Với tổng diện tích 5.000 m2, hệ thống 2 siêu thị Eximart sẽ có hơn 10.000 mặt hàng. Ngoài ra, tại điểm bán hàng của mình, Eximart còn có kết hợp với các nhà bán lẻ khác, như hệ thống điện máy Topcare, dịch vụ ăn uống.
Conexim được cổ phần hóa năm 2011 từ công ty nhà nước trực thuộc Bộ Công thương và việc dấn thân vào thị trường bán lẻ đang được lãnh đạo công ty này coi như chiến lược trọng tâm trong việc đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh của mình.
Dù mới tham gia, nhưng dựa trên nghiên cứu kỹ về thị trường này và tận dụng những địa điểm mặt bằng sẵn có, khiến ông Trần Cương Thiết, Tổng giám đốc Conexim không ngần ngại tuyên bố về kế hoạch mở rộng quy mô. Đến cuối năm 2013, Công ty mở cửa 3 siêu thị tại Hà Nội. Trong năm 2014, sẽ tiếp tục khai trương 2 điểm nữa, cũng tại Hà Nội và 1 siêu thị tại một tỉnh phía Bắc. Trong kế hoạch dài hơi hơn, hệ thống Eximart sẽ theo chiến lược vết dầu loang, ban đầu được phủ dần các quận của Hà Nội, các thành phố, tỉnh phía Bắc và sau đó là trên cả nước.
“Khiêu thích” đại gia
Thống kê của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho thấy, tính đến cuối năm 2012, thị trường Việt Nam có khoảng 120 trung tâm thương mại (các tập đoàn nước ngoài chiếm 25%) và 700 siêu thị (tập đoàn nước ngoài chiếm 40%). Tuy nhiên, với diễn biến nêu trên, thị trường bán lẻ Việt Nam đang đặt ra những thách thức mới đối với các nhà bán lẻ ngoại.
Trở lại câu chuyện của Hiway Việt Nam, mặc dù mới mở tới cứ điểm thứ hai tại thị trường Hà Nội, nhưng sau sự thăm dò với đại siêu thị Hiway Hà Đông, tân binh này đã khẳng định, “không hề run sợ trước bất cứ đối thủ nào”.
“Với chúng tôi, thị trường bán lẻ vẫn còn nhiều chỗ trống. Bằng chứng là, Hiway Hà Đông cạnh Metro, Coopmart và phải chia sẻ khách hàng, nhưng cầu vẫn lớn hơn cung, nên chúng tôi vẫn có khách hàng trung thành”, ông Lộc cho biết.
Tuy nhiên, đáng chú ý là, cách đi của Hiway rất giống Big C, nhất là về chiến lược giá. Nếu Big C là chiến lược “giá rẻ mỗi ngày”, thì Hiway cũng vậy. Do đó, giới phân tích tỏ ra ghi ngờ về khả năng thành công của Hiway, bởi Big C đã thâm nhập thị trường Việt Nam được 16 năm và sở hữu 25 đại siêu thị tại những tỉnh thành phố lớn. Đặc biệt, Big C khá nổi tiếng trong ngành bán lẻ về khoản đàm phán để có mức giá tốt nhất đối với nhà cung cấp, nhằm đảm bảo chiến lược giá rẻ mỗi ngày.
Song từng có kinh nghiệm làm trong các tập đoàn bán lẻ như Metro Cash & Carry Việt Nam (Đức); Big C (Pháp), Daiso (Nhật Bản), ông Lộc hiểu rất rõ chiến lược giá của các nhà bán lẻ tư bản này. Hơn nữa, Hiway đã chiêu mộ được 90% nhân sự chủ chốt từ Big C.
Theo ông Lộc, Big C là tập đoàn lớn, doanh số cao và tỷ lệ chiết khấu cho nhà cung cấp cũng cao. Các nhà bán lẻ tư bản dùng chiêu bài giá rẻ mỗi ngày rất khoa học. Tuy nhiên, người chịu áp lực nhiều nhất vẫn là khách hàng, nên Hiway sẽ phải vận dụng một số chiêu trò để bán hàng cho người Việt hiệu quả hơn.
Ngoài ra, bán lẻ có điểm đặc thù là “bỏ tiền tấn, nhưng chỉ thu về bạc lẻ”, vì vậy, nếu nhà đầu tư muốn “ăn xổi” thì sẽ khó tham gia cuộc chơi. “Có thể tháng này, khách hàng không chọn mặt hàng đó, nhưng tháng sau họ lại đến mua. Nếu siêu thị không duy trì mặt hàng đó, thì khả năng mất khách là rất cao”, ông Lộc nói.
Đặc biệt, về địa điểm, trước đó, Hiway dự kiến các điểm bán lẻ cho đại siêu thị là ở ngoại thành, nhưng giờ chuyển qua nội thành.
Lý giải điều này, ông Lộc thừa nhận, do lúc đó chưa lường trước hết rủi ro.
“Kinh doanh như một trận đánh quân sự, phải linh hoạt tính toán và thay đổi. Trước đó, chúng tôi cho bộ phận nghiên cứu thị trường khảo sát về thu nhập, thói quen tiêu dùng, phương tiện giao thông… Từ thử nghiệm tại Hiway Hà Đông, chúng tôi thấy dù có vấn đề về giao thông lúc cao điểm, nhưng sức mua, tiêu thụ của người dân nội thành vẫn tốt hơn nhiều so với ngoại thành”, ông Lộc cho biết.
Ngoài ra, điều này cũng là chiêu trò để thắng Big C. Vì với tiêu chí là đại siêu thị, Big C không bao giờ có thể vào sâu nội thành. Đây chính là kẽ hở để Hiway chiếm lĩnh miếng bánh thị phần tại khu vực nội thành, những tuyến phố trung tâm”, Giám đốc Hiway Ngọc Khánh cho biết.
Hơn nữa, vị giám đốc trên khẳng định, Big C là một đại gia, nhưng lại quan tâm tới đường đi nước bước của tân binh nhỏ như Hiway, thì chứng tỏ, họ đang lo sợ miếng bánh thị phần bị rơi rụng. Mặt khác cũng chứng tỏ, chiến lược của Hiway đang đi đúng hướng.
Rõ ràng, với mức tăng trưởng 20% năm, mảng thị trường bán lẻ tại phân khúc siêu thị, đại siêu thị, được các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm quản lý quan tâm đầu tư.
Về phần mình, các nhà bán lẻ ngoại không tránh khỏi nao núng. Trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư, ông Laurent Zécri, Tổng giám đốc Big C Việt Nam cũng thừa nhận phải đối mặt với những thách thức nhất định. Tuy nhiên, Big C lại coi đây là cơ hội mới để đẩy mạnh đầu tư và đổi mới mô hình kinh doanh.
Cụ thể, mỗi năm, Big C sẽ khai trương một số siêu thị mới và trong tương lai, sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong khi đó, nhà bán sỉ Metro Cash & Carry bên cạnh việc săn tìm mặt bằng mới tại các tỉnh, thành phố lớn cũng dần lộ rõ sự chuyển hướng sang bán lẻ cho khách hàng cá nhân. Cụ thể, việc đưa mô hình chợ quê Việt Nam vào áp dụng tại Metro Thăng Long (Hà Nội) với các sản phẩm rau quả đặc trưng của các tỉnh, thành phố. Dự kiến, trong thời gian tới, sẽ nhân rộng mô hình này tại các siêu thị trong hệ thống.
Động thái này, theo giới phân tích, là tích cực, vì phù hợp với văn hóa tiêu dùng Việt Nam. Hơn nữa, đó cũng là cách để nhà bán sỉ này tận dụng ưu đãi từ chính sách của Việt Nam mà họ đã được hưởng lâu nay.
Báo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo