Tân Đại sứ Anh: Hợp tác quốc phòng với Việt Nam là một trọng tâm ưu tiên
- Phóng viên: Xin Đại sứ cho biết ưu tiên quan trọng của ông trong nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước?
+ Đại sứ Anh Giles Lever: Quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước Việt Nam và Anh hiện đang phát triển rất tốt đẹp với 7 lĩnh vực trọng tâm: Chính trị, thương mại và đầu tư, phát triển kinh tế xã hội bền vững; giáo dục và đào tạo, quân sự và hợp tác về an ninh, khoa học và công nghệ, quan hệ giữa nhân dân hai nước.
Trong đó, các trọng tâm ưu tiên trong nhiệm kỳ của tôi là một số lĩnh vực: Thương mại và đầu tư, giáo dục và đào tạo, các vấn đề toàn cầu và các vấn đề hai bên cùng quan tâm, quốc phòng và an ninh. Về thương mại và đầu tư, năm 2013, kim ngạch thương mại giữa 2 nước đạt 5 tỉ bảng Anh, vượt kế hoạch tới 4 tỉ bảng. Nhiệm vụ của tôi là khuyến khích các công ty Anh đến Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư và làm việc tại Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi cũng cộng tác với chính phủ Việt Nam để nâng cao môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.
Ưu tiên thứ hai của cá nhân tôi là giáo dục và đào tạo, cầu nối giữa hai nước. Hợp tác giáo dục không chỉ là việc sinh viên Việt Nam đến Anh du học ngày càng nhiều mà còn là hợp tác giảng dạy và đào tạo tại Việt Nam, hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cải cách đào tạo và cải cách chương trình giảng dạy như công việc mà Hội đồng Anh đang làm, các doanh nghiệp Anh hoạt động trong lĩnh vực giáo dục (như trường Đại học Anh) áp dụng những phương pháp giảng dạy của Anh tại Việt Nam. Đây là lĩnh vực khá quan trọng và đem lại lợi ích của cả hai bên.
Lĩnh vực thứ 3 trong ưu tiên của tôi là các vấn đề toàn cầu và các vấn đề hai bên cùng quan tâm, như biến đổi khí hậu, gìn hòa bình toàn cầu, như việc Việt Nam cử đại diện tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, vấn đề buôn bán động vật hoang dã trái phép...
- Anh là một cường quốc về quân sự, đặc biệt là hải quân, liệu trong kế hoạch thúc đẩy hợp tác giữa 2 quốc gia có ưu tiên cho hợp tác quốc phòng nói chung và hải quân nói riêng không?
+ Quốc phòng và an ninh là một trong những lĩnh vực ưu tiên quan trọng của tôi trong nhiệm kỳ làm Đại sứ tại Việt Nam. Năm ngoái, chúng tôi đã có một quyết định mang tính lịch sử là thiết lập tùy viên quân sự chính thức tại Việt Nam. Có rất nhiều lĩnh vực trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước như: Hợp tác về công nghệ quốc phòng, giáo dục quốc phòng, tập huấn quân đội, đào tạo tiếng Anh cho quân nhân.
- Được biết Văn phòng Bộ Phát triển quốc tế Anh tại Việt Nam sẽ đóng cửa vào năm 2016 và mức ODA của Anh dành cho Việt Nam sẽ giảm. Liệu có phải đó là một thách thức cho nhiệm kỳ của Đại sứ vì như vậy thì sự hiện diện và cam kết của Anh tại Việt Nam sẽ giảm?
+ Việc đóng cửa Bộ phát triển quốc tế Anh và giảm ODA cho Việt Nam không có nghĩa là chúng tôi không có cam kết tăng cường thúc đẩy hơn nữa trong những lĩnh vực khác. Việc giảm ODA của Anh dành cho Việt Nam chứng tỏ rằng Việt Nam đã tận dụng nguồn vốn và phát triển rất tốt. Nếu là người Việt Nam tôi sẽ cảm thấy rất tự hào bởi thành công này, vì Việt Nam đã vượt qua những khó khăn của mình và hợp tác một cách bình đẳng và đôi bên cùng có lợi với các nước, các đối tác quốc tế.
Giảm ODA cho Việt Nam của Anh là một lộ trình rất rõ ràng và có kế hoạch. Điều này không có nghĩa sự hiện diện của Anh ở Việt Nam sẽ ít đi. Mà trái lại, mối quan hệ hai nước sẽ nâng lên tầm cao mới: Là bạn bè, là đối tác chiến lược. Anh sẽ tăng cường hơn nữa các lĩnh vực hợp tác với Việt Nam như thương mại - đầu tư, giáo dục, quốc phòng,… Cụ thể, về lĩnh vực khoa học và sáng tạo, chính phủ Anh coi Việt Nam là một trong 15 quốc gia trên toàn cầu ưu tiên trong lĩnh vực này. Chính phủ Anh dành một Quỹ gọi là Quỹ Newton (Newton Fund) trị giá 375 triệu Bảng Anh (tương đương hơn 13 ngàn 500 tỉ VNĐ) để hỗ trợ các dự án và sáng kiến và hợp tác về khoa học sáng tạo trong các năm từ 2014 - 2019. Thêm vào đó, Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng thế giới (WB) vẫn tiếp tục các chương trình hỗ trợ ODA cho Việt Nam. Anh là quốc gia đóng góp đáng kể vào ngân sách của các tổ chức này. Nói cách khác, nước Anh cũng gián tiếp hỗ trợ cho Việt Nam thông qua các kênh khác nhau.
- Thời gian trước các công ty dầu khí của Anh có hợp tác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông nhưng do vấn đề tranh chấp chủ quyền, sức ép của phía Trung Quốc nên vấn đề đó gặp nhiều khó khăn. Vậy xin ông cho biết quan điểm của Anh về vấn đề này.
+ Đây là vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai quốc gia, Chính phủ Anh không đứng về phía nào và nói rằng bên này đúng, bên kia sai, nhưng nếu có hành động đơn phương làm cho tình hình căng thẳng thêm thì Anh cũng có những tuyên bố, nói rõ, công khai về vấn đề đó. Trong những tuyên bố trước đây được đăng tải trên phương tiện truyền thông, Vương quốc Anh khuyến khích các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, kiềm chế và không làm tình hình thêm căng thẳng.
Trở lại Việt Nam sau gần 20 năm, tân Đại sứ Anh, ông Giles Lever (46 tuổi) cho biết ông rất rất phấn khởi và hân hạnh được làm đại sứ ở nơi ông đã bắt đầu sự nghiệp ngoại giao.
Từ năm 1993, ông Lever đã làm Bí thư thứ hai tại Đại sứ quán Anh ở Hà Nội trong hơn 4 năm. Nói tiếng Việt khá thạo, Đại sứ Giles Lever cho biết ông cảm nhận rõ sự thay đổi lớn tại Việt Nam, nhất là sự phát triển kinh tế tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, đặc biệt là Đà Nẵng. Thay đổi nữa đó là sự cập nhật và ứng dụng khoa học tiên tiến vào công việc và đời sống của người dân. Thu nhập của người dân tốt hơn, hồi những năm 90 là 250 USD/người/năm, giờ đây tầng lớp trung lưu đã nhiều hơn và có thể dễ dàng sở hữu những vật dụng tiên tiến như Iphone, Ipad.
"Và tôi cũng thay đổi, tôi có vợ và hai con. Tôi không chơi bóng đá nữa, tuy nhiên, tôi vẫn thích chơi thể thao" - Đại sứ nói và nhận xét: Tuy vậy, sự nồng ấm và nét văn hóa đặc trưng của người Việt Nam thì vẫn nguyên vẹn. "Có những thứ không hề thay đổi: Bia hơi và nem chua, một sự kết hợp hoàn hảo" - Đại sứ Lever hóm hỉnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo