Tận diệt trùn biển để bán sang Trung Quốc
Chiếc thuổng mũi sắt thọc nhanh xuống lớp đất bùn mặt pha cát, chưa đầy 3 giây sau, những con trùn biển (còn gọi là địa sâm, sá sùng, giun biển…) lộ lên bên những bãi đất mép phá Tam Giang – Cầu Hai. Hàng trăm người đến từ các tỉnh phía nam đổ về Thừa Thiên – Huế khai thác tận diệt loài đặc sản này bán sang Trung Quốc.
Bắt vô tội vạ
Nửa tháng nay, khu nuôi tôm cao triều ở thôn 4, xã Quảng Công (huyện Quảng Điền) nhộn nhịp hơn hẳn khi có gần 30 người từ huyện Tuy Phước (Bình Định) tập kết về săn lùng trùn biển. Họ thuê khu nhà kho để ở, càn quét trùn biển dọc phá Tam Giang từ Phú Lộc ra đến tận vùng giáp ranh với tỉnh Quảng Trị.
Ông Nguyễn Ngọc Hơn -làm nghề bắt trùn biển hơn chục năm qua ở khu vực đầm Thị Nại (Bình Định) - thấy nghề này có ăn, dân đổ xô săn lùng, trùn trở nên khan hiếm, ông và những người trong xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) đi dần ra Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế tìm bắt trùn. “Trùn biển chỉ sống ở vùng ven bờ đầm phá nước lợ. Mùa săn trùn từ tháng 4 đến tháng 8, khi triều xuống, trên bãi đất bồi ven cửa phá, cửa biển lộ lên những ụ đất có lỗ nhỏ thì đưa thuổng thọc nhanh, lật lớp đất bắt trùn biển. Việc này diễn ra trong 3-5 giây, chậm tay, trùn biển lủi mất coi như công toi” - ông Hơn nói.
Mỗi ngày, ông Hơn bắt được hơn 10kg trùn tươi, bán cho thương lái tại chỗ kiếm được 500.000 đồng. “Thương lái từ quê ra ở nấu ăn cho anh em, đồng thời thu mua tại chỗ với giá 40.000 - 50.000 đồng một cân, tùy kích cỡ trùn to hay nhỏ” - ông Hơn cho biết thêm.
Thợ săn trùn lão luyện Đào Văn Sáu cho biết, lúc mới “hành quân” ra vùng Quảng Điền, trùn săn được kích thước to, nhiều vô kể, làm vài giờ đã có vài chục cân. Gần đây, thợ săn các xứ đổ về đông, dân địa phương bắt chước làm theo nên số lượng ngày một ít đi, trùn bắt được cũng nhỏ hơn.
Cơ quan quản lý cần sớm vào cuộc
Bà Trần Thị Lệ - thương lái trùn từ Bình Định đi theo thợ săn - tiết lộ: “Trùn biển được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc. Có người sống ở Trung Quốc về kể lại, ở bên đó, đám cưới của nhà giàu mà không có món trùn biển thì coi như là chưa thịnh soạn”. Với đội quân gần 30 người quần thảo trên vùng phá Tam Giang, mỗi ngày, bà Lệ thu mua từ 2-3 tạ trùn biển. “Thường thì phải sơ chế bằng cách lộn ruột con trùn ra ngoài, rửa sạch rồi sau đó phơi khô, bán cho thương lái ở Quảng Ninh với giá từ 700.000 - 800.000 đồng/kg. Để làm ra 1kg trùn khô phải mất từ 12 - 14kg trùn tươi” - bà Lệ nói thêm.
Trước thực trạng nhiều vùng bãi bồi dọc phá Tam Giang bị những người săn trùn biển đào bới để lại hầm hố nham nhở, người nuôi tôm các huyện Quảng Điền, Phú Vang yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Thừa Thiên - Huế cần vào cuộc làm rõ có hay không việc khai thác trùn biển ảnh hưởng đến môi trường nuôi tôm của họ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Hùng - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế - nhận định, vùng phá Tam Giang thuộc huyện Quảng Điền là nơi phân bố khá lớn loài trùn biển. Việc khai thác ồ ạt, tự phát sẽ ảnh hưởng đến tài nguyên, đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, có thể gây xung đột lợi ích kinh tế của người dân địa phương với những người từ nơi khác đến khai thác trùn biển.
Còn ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, ông chưa nắm được sự việc và sẽ tìm hiểu trả lời sau.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo