Tin tức - Sự kiện

Tàn sát thiên nhiên

Dù có nhiều cơ quan quản lý về môi trường và chính sách điều chỉnh, sau 25 năm phát triển kinh tế, Việt Nam bắt đầu “nuốt trái đắng” từ môi trường.

Đó là nhận định của các chuyên gia tham dự  hội thảo “Hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở Việt Nam: thực tiễn và chính sách”, được Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức tại Ninh Bình, trong hai ngày 20 và 21/9.

 

Rừng mất, thú tuyệt chủng

 

Theo PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường), sau 25 năm phát triển kinh tế, cái  giá phải trả cho suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường không nhỏ. Đáng nói là tình trạng này diễn ra trong một bối cảnh có đầy đủ các cơ quan quản lý và chính sách điều chỉnh trong lĩnh vực tài nguyên môi trường.

 

Theo TS Nguyễn Mạnh Hà, Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường Đại học Quốc gia Hà Nội, nếu trước kia Việt Nam được biết đến như một đất nước nhỏ nhưng có tính đa dạng sinh học cao thì hiện nay, nước ta “nổi tiếng” như một trong những nơi “tàn sát” thiên nhiên.
 
 
Thống kê từ năm 2007- 2011, các cơ quan chức năng đã bắt được hơn 23 tấn ngà voi, 100 tấn tê tê,  hơn 100 kg sừng tê giác… tuy nhiên đây chỉ là một con số rất nhỏ so với thực tế.  “Chúng ta từng tự hào về đa dạng sinh học và đưa biểu tượng các loài lên tem nhưng hầu như con gì đưa lên tem đến nay đều mất cả,  ăn không được thì ngâm rượu!” - TS Hà nhận xét.
 
 
Một lo ngại khác của TS Hà là sinh cảnh của các loài mất đi do mất rừng và một trong những công trình tàn phá rừng nhanh nhất hiện nay là thủy điện. Rừng là  nơi lý tưởng cho thủy điện  vì  cung cấp nước lâu dài cho thủy điện, dẫu vậy đến một lúc nào đó nước hết vì không còn rừng thì hoạt động của thủy điện cũng chấm dứt. Một dự án thủy điện cao lắm chỉ hoạt động được 20-30 năm, thủy điện đi qua mất rừng và mất sạch thú rừng.
 

“Chạy giỏi” là được!

 

Với trọng trách cảnh báo,  bảo vệ môi trường và “song hành” để dự án được bền vững trong suốt quá trình hoạt động, đánh giá tác động môi trường dự án (ĐTM) được ví như một trong những  người “gác cửa” về môi trường. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Khắc Kinh, Phó Chủ tịch Hội ĐTM Việt Nam, nguyên vụ trưởng Vụ Thẩm định và đánh giá tác động môi trường - Bộ Tài nguyên - Môi trường, hiện nay ĐTM không được coi trọng hoặc coi trọng một cách hình thức  để làm cho “văn bản được tròn trịa và hợp mốt mà thôi!”.
 
 
Các quy định của pháp luật hiện nay khiến cho ĐTM chỉ là thủ tục “vuốt đuôi”.  Cụ thể, Nghị định 21/ 2008/NĐ- CP về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 80/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và nghị định 29/2011/NĐ- CP quy định về đánh giá môi trường chiến lược thì các dự án chỉ trình thẩm định và phê duyệt ĐTM sau khi địa điểm dự án đã được chấp nhận. Việc này vô hình trung đã làm vô hiệu hóa tác dụng của ĐTM, trái với thông lệ quốc tế và không phù hợp với tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.
 

“Vấn đề quan trọng nhất, ĐTM hiện nay do chủ đầu tư bỏ tiền túi thuê tư vấn thực hiện. Chủ đầu tư tất nhiên phải thuê những đơn vị nói dự án không ảnh hưởng gì cả, và tốt nhất là thuê những đơn vị thật dở hoặc không có chuyên môn nhưng cứ “chạy” giỏi qua các cửa địa phương, bộ ngành… là được!” - TS Kinh nhận xét.

 

Vì vậy, đa số đều nhìn nhận, một khi Việt Nam còn quy định cơ chế chủ đầu tư bỏ tiền thuê tư vấn làm ĐTM thì báo cáo này không còn ý nghĩa.

 

“Đại gia” phất lên nhờ khai thác gỗ

 

Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, nhận định: “Sự ra đời và lớn mạnh nhanh chóng của những “đại gia” tư nhân lớn, nhỏ ở Việt Nam, những “đại gia” này phất lên nhanh chóng không do có tiến bộ khoa học - công nghệ, không do tăng năng suất lao động hay đóng góp vào bảo vệ môi trường, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội mà chủ yếu do khai thác tài nguyên đất đai, khai thác gỗ, mỏ, biển...”.

 

Trong khi đó, dẫn dự báo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn nhu cầu gỗ trong nước hằng năm tăng từ 6%-11%, nhu cầu tiêu dùng gỗ của Việt Nam đến 2020 khoảng 18 triệu m3. TS Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Forest Trends của Mỹ tại Việt Nam, nhận định: Đây là nguyên nhân sâu xa của vấn nạn khai thác gỗ trộm và tàn phá rừng hiện nay.

 
 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo