Tin tức - Sự kiện

Tăng cơ hội cho doanh nghiệp

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), với thay đổi quan trọng có tính đột phá của Dự thảo Luật DN (sửa đổi) khi tiếp cận vấn đề theo hướng “được kinh doanh những gì pháp luật không cấm”, DN sẽ dễ dàng tận dụng hết tiềm năng của mình.

 TS. Nguyễn Đình Cung.

Thưa ông, tại bản dự thảo mới lần này, sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, đâu là điểm đột phá quan trọng nhất đối với môi trường kinh doanh?

Thay đổi đầu tiên, quan trọng nhất và có tính đột phá của dự thảo Luật lần này là không ghi ngành nghề trên giấy đăng ký kinh doanh. Quy định như vậy sẽ giảm rủi ro cho DN khi kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm (nhưng không ghi trong giấy đăng ký), tăng cơ hội, giúp DN khai thác hết tiềm năng, đồng thời tránh tạo ra khả năng vận dụng pháp luật tùy tiện, trục lợi của nhà chức trách.
 
Ông có thể giải thích rõ hơn về việc “tăng cơ hội” cho DN?
 
Một DN khi xây một tòa nhà lớn mà chỉ sử dụng hết một tầng thôi, thì phần diện tích còn lại làm gì? Hoặc nếu anh là DN sản xuất, muốn chủ động nguyên vật liệu, hạ giá thành nên tự sản xuất lấy, nhưng tự mình sử dụng không hết thì phần còn lại làm sao?
 
Hiện giờ nếu muốn cho thuê phải có giấy phép kinh doanh bất động sản, muốn bán nguyên vật liệu ra thị trường cũng phải có giấy chứng nhận mới là thực hiện đúng quy định “chỉ được kinh doanh những gì đã đăng ký”. Khi tiếp cận vấn đề theo hướng “được kinh doanh những gì pháp luật không cấm” thì DN dễ dàng tận dụng hết tiềm năng của mình.  
 
Với lập luận này, 10 thủ tục đăng ký kinh doanh hiện nay sẽ lược bỏ được 5 thủ tục, chỉ giữ lại 5. Và bỏ được 5 thủ tục, Việt Nam sẽ tiến được 60 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh.
 
Còn về danh mục ngành nghề bị cấm và ngành nghề hạn chế kinh doanh, vấn đề đã được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 vừa qua của Quốc hội thì sao, thưa ông?
 
Đúng như ý kiến các đại biểu đã chỉ ra, hiện 3 danh mục cấm (cấm đầu tư, cấm kinh doanh, cấm mua bán) có nhiều chỗ trùng lặp, chồng lấn và không trả lời được câu hỏi bắt buộc phải đặt ra là: Tại sao lại cấm; cấm nhằm mục đích gì; cấm trong phạm vi và không gian nào.
 
Có nhiều loại “cấm” thực ra chỉ là hạn chế kinh doanh, ví dụ cấm kinh doanh quân trang, quân dụng. Nhiều ngành nghề bị cấm khác rất khó xác định ranh giới và phụ thuộc rất lớn vào đánh giá, nhận định cảm tính (như: Kinh doanh sản phẩm văn hóa phản động; đồi trụy; sản phẩm mê tín dị đoan hoặc có hại tới giáo dục thẩm mỹ, nhân cách)...
 
Hay như quy định “cấm kinh doanh phế liệu gây ô nhiễm môi trường NK từ bên ngoài” là không đủ rõ ràng, vì cả người kinh doanh lẫn người thực thi pháp luật đều có thể băn khoăn: Có cấm kinh doanh phế liệu NK hay không? Cũng có khi, “cấm” thực chất là do địa bàn chứ không phải lĩnh vực cấm đầu tư; chẳng hạn như các dự án xây dựng trong khuôn viên của di tích lịch sử, văn hóa quốc gia; các dự án làm ảnh hưởng xấu đến kiến trúc, cảnh quan của di tích lịch sử, văn hóa quốc gia. Xin nói rõ thêm, ý tôi ở đây là thuật ngữ đã được sử dụng thiếu chính xác.
 
Đặc biệt, với các ngành nghề bị hạn chế kinh doanh, chúng tôi mới chỉ tập hợp riêng danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện để được kinh doanh đã lên tới hơn 1kg giấy tờ tài liệu! Nhiều hạn chế vô lý hoặc mù mờ không rõ làm giảm cơ hội kinh doanh, tạo ra kẽ hở xin - cho. Cá nhân tôi cho rằng, danh mục này có thể bỏ được khoảng ¼ và cần chính xác hóa lại nhiều thuật ngữ.
 
Xin cảm ơn ông!
 
 

 Đối với các lĩnh vực cấm và hạn chế kinh doanh, có sự tồn tại của “nhiều không” đã 10 năm nay và chỉ gia tăng thêm về mức độ. Đó là:

 
(1) không cụ thể
 
(2) không rõ ràng
 
(3) không hệ thống
 
(4) không hợp lý
 
(5) không minh bạch
 
(6) không tiên liệu trước được
 
(7) không hiệu quả
 
(8) không hiệu lực”
Theo báo Hải quan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo