Thị trường

Tăng có mấy trăm triệu đô, cứ làm ầm ĩ!

Trước số tiền đội giá dự án lên tới 339 triệu USD, một vị lãnh đạo ngành GTVT cho rằng: "điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên".

Luật Ngân sách nhà nước quy định "chi ngân sách nhà nước bao gồm các khoản chi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước; chi trả nợ của nhà nước; chi viện trợ và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật".

"Theo quy định của pháp luật" là vậy, nhưng chỉ một chữ "chi khác" kia thôi mà trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tiền bạc khan hiếm, đôi khi có những con số khiến người ta phải giật mình: tiền ở đâu mà nhiều thế?
 
Toàn tiền là tiền
 
Liên quan đến việc tăng vốn dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, mới đây, Bộ GTVT đã kiến nghị cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 552 triệu USD lên 891 triệu USD (tăng thêm 339 triệu USD). Được biết, theo phê duyệt ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD, trong đó vốn ODA Trung Quốc 419 triệu USD.
 
Điều gì khiến cho chỉ mới sau hơn 2 năm thi công mà dự án đã đội vốn lên nhiều như vậy, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm các cá nhân và tổ chức. Vậy mà, chiều 23/4, ông Nguyễn Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, cho rằng: "điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên"!
 
Công luận cũng đang được dịp xôn xao khi ông Lương Ngọc Phi (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình), sẽ được bồi thường khi bị kết án oan hơn một thập niên về trước với số tiền lên đến 21 tỷ đồng. Sau khi thẩm định xong, TANDTC sẽ chuyển hồ sơ bản án sang Bộ Tài chính để trích ngân sách nhà nước bồi thường cho công dân theo đúng quy định của pháp luật.
 
Tương tự, vụ án oan sai Nguyễn Thanh Chấn từng gây chấn động. Rồi đây, số tiền phải bồi thường oan sai cho 10 năm trong tù của ông chắc chắc cũng sẽ không hề nhỏ.
 
Mới đây, thông tin đề án đổi mới giáo dục cả Bộ GD-ĐT có kinh phí đầu tư dự kiến lên đến hơn 34 ngàn tỷ đồng, tương đương 1,6 tỷ USD khiến không ít người hoảng hốt chẳng kém gì dịch sở đang hoành hành, đặc biệt nếu biết rằng tổng sản phẩm quốc nội năm 2013 của Việt Nam là gần 176 tỷ USD. Nhưng ngay sau đó, Bộ trưởng đã đăng đàn khẳng định đây chỉ là một sự sơ suất.
 
Những con số toàn tiền là tiền nêu trên hình như không dành cho những người... yếu tim, nhưng chắc chắn dành cho... ngân sách nhà nước. Bởi tất cả những khoản tiền phạt, tiền trả nợ vốn ODA, tiền bồi thường... đó sẽ được trích từ ngân sách nhà nước để chi trả.
 
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: News.zing.vn
 
Quýt làm cam chịu
 
Nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước là từ thuế. Có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu những khẩu hiệu, băng rôn: nộp thuế là quyền và nghĩa vụ của mọi người dân, nộp thuế vì sự phồn vinh của đất nước...
 
Để tăng thu ngân sách, Bộ Tài chính cũng đang trình phương án đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng nước nước giải khát có ga không cồn với kiến giải: bảo vệ sức khỏe người dân. Bằng cách này ngân sách sẽ có thêm 1.500 tỷ đồng mỗi năm tài khóa.
 
Gần đây là hàng loạt các vụ truy thu thuế khủng như truy thu Keangnam Vina, Y khoa Hoàn Mỹ cũng đã mang lại cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng.
 
Thuế là tiền của dân. Các cơ quan quản lý thuế đã phải rất khó khăn mới có thể thu được nguồn tiền này để phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước. Thậm chí với số tiền công, tiền lương ít ỏi, người lao động vẫn có nghĩa vụ nộp thuế bằng cách "khấu trừ tại nguồn". Nhưng việc chi ngân sách đôi khi lại có những điều vô lý đến khó chấp nhận.
 
Rồi còn chuyện vốn ODA từ lâu vẫn được xem là "chùm khế ngọt". Ngọt đối với ai không biết, nhưng đó là món nợ của chúng ta, của con cháu chúng ta. Đây là nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, là một hình thức đầu tư nước ngoài. Ngoài một phần viện trợ không hoàn lại, nguồn vốn này cũng phải hoàn trả theo lộ trình nhất định, nên nếu không sử dụng hợp lý và tiết kiệm thì sẽ là có tội với thế hệ mai sau. Theo tính toán của các chuyên gia, nợ công Việt Nam đang ở mức 80.092.622.951 USD, và với dân số 90.525.901 người, hiện tại, mỗi người dân đang gánh 886,59 USD nợ công.
 
Nhưng rồi sau tất cả những băn khoăn này, phương án điều chỉnh dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có thể vẫn sẽ được phê duyệt, và cũng như nhiều vụ lùm xùm khi sử dụng vốn ODA khác, chẳng có ai phải chịu trách nhệm cả.
 
Đối với các "cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án" (Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước) cũng vậy. Lẽ thường, chúng ta chia sẻ mất mát với họ, và ngân sách nhà nước được trích ra để kịp thời bù đắp một phần tổn thất về vật chất cho họ cũng là một đạo lý ở đời.
 
Nhưng còn một "đạo lý" khác ít được thực hiện, là những khoản tiền mồ hôi nước mắt của dân đã ứng trước đó, chẳng mấy khi thấy "hoàn ứng" mà dường như cứ "một đi không trở lại". Như vậy, cuối cùng, há chẳng phải dân và tiền thuế lại mới chính là người có lỗi và phải chịu trách nhiệm hay sao?
 
Hòa cả làng
 
Theo Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp), tính đến ngày 30/7/2013 kể từ khi Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước có hiệu lực (ngày 01/01/2010), ngân sách đã chi trả bồi thường cho người bị thiệt hại trên 28,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền mà cán bộ, công chức hoàn trả chỉ vài chục triệu đồng. Như vậy, so với con số vài chục tỷ kia, tỷ lệ hoàn trả chỉ như muối bỏ biển mà thôi.
 
Về trách nhiệm hình sự, chính nguyên Chánh thanh tra, thẩm phán TANDTC Đỗ Văn Chỉnh đã khẳng định trong một lần trả lời báo chí: "Trong ngành tòa án tôi chưa biết có trường hợp cán bộ nào bị truy tố trước pháp luật vì xử oan sai cho người vô tội cả. Họ chỉ bị kỷ luật ở mức khiển trách, cao nhất là chậm tái nhiệm...".
 
Còn về nghĩa vụ vật chất thì dù quy định người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại phải "hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
 
Nhưng luật lại áp "giá trần" rằng người thi hành công vụ có lỗi cố ý phải hoàn trả tối đa không quá 36 tháng lương, còn nếu lỗi là vô ý thì phải hoàn trả tối đa không quá 3 tháng lương của người đó, tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.
 
Rõ ràng, thiệt hại là có thể cân đong đo đếm được bằng các khoản chi ngân sách thể hiện trên giấy trắng mực đen, nhưng mức hoàn trả thì lại được giới hạn một cách rất khó hiểu. Để rồi, nhiều cán bộ công chức đã chọn "quyền vô trách nhiệm" cả khi thi hành công vụ và cả khi khắc phục hậu quả của nó.
 
Dường như cứ mỗi khi một người có thẩm quyền nào đó hoan hỉ thông báo đã hoàn thành nghĩa vụ chi trả/bồi thường... cho một vụ việc nào đó từ ngân sách nhà nước như thể "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao", thì ngược lại, phần đông dân chúng lại cảm thấy như đang bị cấu véo vào da thịt của chính mình.
 
Ngân sách nhà nước thì cứ nai lưng chịu trận cho mọi tắc trách, sai lầm, dân thì cứ xót xa cho việc tiền của mình bị thất thoát vô lý. Còn những người liên quan trực tiếp thì cứ thản nhiên ca bài bất hủ của Chí Phèo: "cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: chắc nó trừ mình ra".
Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo