Thị trường

Tăng giá điện-nước, người dân và doanh nghiệp lo lắng

Điện và nước cùng tăng giá từ đầu tháng 7. Việc tăng giá điện, nước đồng loạt này sẽ tác động trực tiếp đến túi tiền của người dân và cả nền kinh tế.

Song hành tăng giá

 

Công bố tăng giá điện của Bộ Công Thương và EVN chỉ trước khi áp dụng 1 ngày (ngày 29/6 công bố, ngày 1/7 áp dụng) đang gây bức xúc trong dư luận. Mặc dù, EVN cho biết, mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp không điều chỉnh, giữ nguyên ở mức 993 đồng/kWh. Các hộ sử dụng điện sinh hoạt bình thường với mức sử dụng cao nhất tới 400kWh thì mỗi tháng cũng chỉ tăng thêm 38.950 đồng.

 

Phản ứng với thông tin tăng giá điện, nhiều người dân cho rằng, việc Bộ Tài chính tính toán cho rằng “tăng giá như vậy không ảnh hưởng lớn đến túi tiền của người dân” là không đúng.

 

Ông Nguyễn Hưng - cán bộ hưu trí ở khu tập thể Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) bình luận: “Cho dù chỉ khiến chi phí phải trả cho ngành điện tăng lên chút ít, nhưng khi mua hàng hóa hay dịch vụ, người dân cũng phải chịu giá tăng thêm do tăng giá điện. Nếu cộng dồn lại khó thể nói là không đáng kể với nhiều người”.

 

Theo sau giá điện chỉ đúng 10 ngày, giá nước cũng sẽ tăng từ ngày 11/7 tới với khung giá biến động lớn, lên tới tối đa 18.000 đồng/m3 ở đô thị loại 1. Một bạn đọc ở Khu tập thể 8.3 (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) gửi ý kiến đến báo điện tử Dân Việt:

 

“Dù giá tăng, người dân chúng tôi vẫn phải dùng nước. Chỉ có điều chúng tôi trả tiền cho nước sạch nhưng thực tế lâu nay lại được hưởng nước chẳng lấy gì làm sạch. Nước được bơm theo giờ, vì vậy nhà nào không có bể chứa thì coi như thiếu nước triền miên. Chất lượng nước thì đục, cặn, có, mùi tanh và đặc biệt còn có nhiều... giun đỏ.

 

Hệ lụy được báo trước!

 

Với mức giá bán điện mới, doanh thu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến tăng thêm 3.710 tỷ đồng. Khoản tăng thêm này dự kiến được sử dụng để bù đắp cho tăng giá than và một phần các chi phí còn treo của các năm trước.

 

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: “Việc tăng giá điện vào thời điểm này hại nhiều hơn lợi”. Bởi, giá điện tăng ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất. Trong bối cảnh hàng tồn kho lớn, hạ giá mạnh vẫn không đẩy nhanh được sức tiêu thụ, thì việc tăng giá điện khiến giá thành của sản phẩm chắc chắn sẽ tăng thêm.

 

Vì vậy, “bài toán hạ giá thành sản phẩm sẽ đè nặng lên vai doanh nghiệp khi mà sức chịu đựng gần như đã cạn kiệt do phải chống chọi với hàng loạt khó khăn từ đầu năm 2012 đến nay” - giám đốc một doanh nghiệp may xuất khẩu ở Hưng Yên than thở.

 

Theo kế hoạch, sau năm 2022 sẽ có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Khi đó, mỗi khách hàng sử dụng điện có thể lựa chọn nguồn điện mình sẽ mua ở đâu, và giá điện lúc đó sẽ do thị trường quyết định.
 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích: “Tăng giá điện sẽ tác động cả trực tiếp và gián tiếp vào túi tiền của người dân vốn đã rất eo hẹp. Hơn nữa, từ trước đến nay giá điện chỉ có một chiều tăng mà không giảm, mặc dù các chi phí, như giá dầu, có tăng có giảm”.

 

Cũng từ 1/7 - ngày đầu tiên áp dụng giá điện mới, là ngày chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh. Bộ Công Thương cho biết có 29 nhà máy điện đạt yêu cầu đã nộp bản chào giá với Công ty Mua bán điện (EPTC). Tuy nhiên, “sự kỳ vọng giá điện sẽ rẻ đi là khó khả thi” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

 

Theo ông Vượng, giá điện sẽ chưa thể giảm ngay là do hiện giá điện của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, nhiều nhà máy điện hiện trong tình thế khó khăn về tài chính. “Vì thế, khi vận hành thị trường phát điện cạnh tranh hầu hết các nhà máy đều đưa ra giá chào bán cao hơn giá quy định hiện nay” - ông Vượng giãi bày.

 

 

Theo Dân Việt

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo