Tin tức - Sự kiện

Tăng giá điện, xăng và lạm phát

Mặc dù số tiền người nghèo phải trả trực tiếp cho điện, xăng sau mỗi lần tăng giá không nhiều, nhưng ảnh hưởng của nó đến đời sống kinh tế của họ là không hề nhỏ, do tác động của việc tăng giá cộng hưởng khác.
“Giá xăng dầu ở Việt Nam năm 2012 gần như thấp nhất Đông Nam Á… Giá điện bình quân có trọng số ở Việt Nam hiện nay thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực… Khoảng cách đó, cho phép một biên độ rộng để tăng giá bán trong nước…”.
 
Đây là những khái quát chính trong đề tài nghiên cứu của Trung tâm Phân tích và Dự báo (CAF) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Tuy nhiên CAF cũng đặt vấn đề phải tính kỹ câu chuyện tăng giá. Bởi mỗi lần tăng giá kéo theo bao hệ lụy mà ảnh hưởng lớn nhất là tới những người nghèo.
 
Theo CAF, đến năm 2030 nhu cầu trong nước về các sản phẩm xăng dầu được dự báo là tăng gấp đôi so với hiện nay. Với việc tiêu dùng dự đoán vượt năng lực sản xuất, Việt Nam được cho rằng sẽ trở thành nước nhập khẩu dầu thô thuần và 70% sản phẩm xăng dầu tinh chế trong vòng 5 năm tới, khi giá dầu thế giới luôn biến động thất thường. Bên cạnh đó, nhiều nguồn dự báo cũng cho rằng giá thế giới sẽ tăng trong năm 2013 do khan hiếm nguồn dầu thô dự trữ.
 
Kịch bản tăng giá điện trong năm 2013 cũng đã được dự trù theo những diễn biến của các năm trước. Từ năm 2007, hầu như năm nào cũng tăng giá điện, riêng năm 2012 điện tăng giá tới 2 lần (tháng 7 và tháng 12).
 
Theo dự thảo quy định về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện được Bộ Công Thương đệ trình mới đây, khoảng cách giữa mỗi lần tăng giá điện là 3 tháng và mức tăng tối đa EVN được tự quyết là 5%. Như vậy, tối đa trong năm giá điện có thể tăng tới 20% là việc nằm trong tầm tay của EVN.
 
Cùng với tình hình hạn hán làm giảm sản lượng thuỷ điện, ngành điện cũng có thể phải tăng thêm 1,8 tỷ kWh từ nhiệt điện chạy bằng dầu diezel. Và dựa trên những dự báo về giá xăng dầu thế giới tăng, theo CAF, nhiều khả năng giá điện sẽ tăng 7,2% trong năm nay.
 
Như vậy, câu chuyện tăng giá xăng, điện lại thêm một lần gây nên những xáo trộn không nhỏ đến đời sống xã hội. Mặc dù, bấy lâu nay, những ông lớn kinh doanh 2 mặt hàng thiết yếu là xăng dầu và điện luôn biết “khéo léo” đưa ra các mức tăng giá mà họ cho rằng sẽ “không gây ảnh hưởng đáng kể tới những đối tượng thu nhập thấp”.
 
Đơn cử như đợt tăng giá điện ngày 22/12/2012 vừa qua, EVN cho biết, các hộ sử dụng điện sinh hoạt bình thường tăng chỉ 6.600 – 38.200 đồng/tháng. Mức tăng giá này, tính một cách cơ học được cho là không tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.
 
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân với nhóm nghiên cứu của CAF, mặc dù tiền họ phải trả trực tiếp cho điện, xăng sau mỗi lần tăng giá không nhiều, nhưng ảnh hưởng của nó đến đời sống kinh tế của họ là không hề nhỏ, do tác động của việc tăng giá cộng hưởng khác. Và dường như đã trở thành quy luật, cứ sau mỗi lần điện, xăng tăng giá là báo hiệu một đợt lạm phát tiếp theo. Nghiên cứu này cũng đã đưa ra giả định, nếu trong một năm, giá điện và giá xăng dầu đều tăng 20% sẽ kéo theo lạm phát tăng lên 4%.
 
Quan điểm của CAF là không thể tránh được chuyện xăng, điện tăng giá. Nhưng khi bàn chuyện tăng giá phải tính cả lợi ích kinh tế, phúc lợi xã hội, cũng như khía cạnh tâm lý xã hội. Nếu không “chính sách đúng cũng sẽ trở thành một chính sách “lạnh lùng”. CAF khuyến nghị, phải để ý đến các tác động này để tính toán kỹ khi quyết định tăng giá điện, giá xăng khi ban hành các quyết định quan trọng đến cơ chế và quản lý giá các mặt hàng này.
 
 
 
 
Minh Trí
Theo TBNH
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo