"Nghe nói tăng lương thì vui, nhưng lo vì sợ nhất là công ty cắt giảm nhân sự, đuổi bớt công nhân", chị Trần Hoàng Vân chia sẻ.
Tăng lương cũng lo!
- Hội đồng tiền lương quốc gia vừa thống nhất phương án tăng mức lương tối thiểu vùng 2015 tối đa 15,1%. Hẳn là chị cũng rất vui mừng với thông tin này?
Lúc thấy bảo sẽ tăng lương thì chúng tôi vui mừng lắm. Chứ với mức lương như hiện nay, một người độc thân còn có thể tự xoay xỏa được, chứ người đã có gia đình, phải nuôi con nhỏ, cho chúng nó đi học nữa thì vô cùng chật vật.
Nhiều khi có muốn tổ chức "ăn tươi" cũng khó, cân nhắc chán chê các khoản khác mới dám mạnh tay. Nhưng cũng chưa kịp vui thì lại lo, vì thấy bảo nhiều doanh nghiệp kêu lắm. Kêu là làm ăn thì khó khăn, tăng lương cho công nhân đồng nghĩa với tăng khó cho doanh nghiệp, nên nhiều nơi sẽ phải sa thải bớt công nhân để lấy tiền tăng lương.
- Hiện lương của chị có đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống không?
Nói thật là tôi không có thời gian để tiêu tiền, ấy thế mà cũng không để ra được đồng nào. Tôi làm mỗi ca 8 tiếng, nhưng công ty khuyến khích những người chưa có gia đình làm thêm ca, tính tổng cộng những ngày làm thêm ca thì thời gian làm việc có khi lên đến 12 tiếng. Cứ một tuần làm ngày thì một tuần làm đêm. Thu nhập mỗi tháng với tăng ca hết mức thì tôi được khoảng 4 triệu đồng, nói chung cũng vừa vặn để sống chứ không có tích lũy.
- Mức lương đó của chị được coi là khá cao so với mặt bằng chung đấy chứ?
Cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống thôi chứ không dư dật được. Cuộc sống xoay quanh gói gọn trong xưởng, không có bất kỳ mối quan hệ nào khác, không giao du hưởng thụ. Ngày giỗ chạp cưới hỏi của gia đình có muốn nghỉ cũng rất khó, cứ nghỉ là bị trừ lương, thưởng rất ngặt nghèo nên không ai dám và không ai muốn nghỉ.
- Bạn bè cùng làm với chị có than thở về thu nhập không?
Ôi dào, than thở mãi thì cũng có để làm gì đâu. Chỗ tôi có hai vợ chồng cùng làm công nhân, nuôi 2 đứa con cùng với bố mẹ già. Tổng lương của hai vợ chồng được khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng, nhưng các khoản chi cho gia đình chắc là không đủ, nên hai vợ chồng suốt ngày hục hoặc. Có khi vợ muốn cải thiện bữa ăn, mua con gà về ăn thì anh chồng càu nhàu, bảo vợ hoang phí, không tiết kiệm, thế là đánh nhau. Những chuyện đó là chuyện thường ở xóm trọ công nhân.
|
Trần Hoàng Vân, Công nhân khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. |
Giấc mơ đủ ăn
- Nếu bây giờ mỗi tháng có thêm 400.000đ, chị dự định sẽ làm gì?
Làm được gì với vài trăm ngàn đồng bây giờ? May ra thì thêm được bữa ăn sung túc cho cả gia đình chứ chưa thể nói đến tiết kiệm, làm giàu. Đủ ăn thôi đã là may mắn lắm rồi.
- Chị thấy cuộc sống của một công nhân có cơ cực quá?
Không vất vả như làm ruộng, công việc cũng nhàn nhã, chỉ có điều cuộc sống khép kín trong xưởng làm việc, không có bất kỳ mối quan hệ nào khác với bên ngoài. Sáng đi làm ở xưởng, tối mịt mới về. Thời gian gò bó, trong giờ làm thì gần như không được phép làm bất cứ việc gì khác. Đi làm muộn, nghỉ không lý do là bị phạt rất nặng. Tuần nào làm ca đêm thì ngày ngủ. Không phải là công việc bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng mọi thứ nó kìm kẹp. Nhiều khi thấy mình chẳng khác gì người máy.
- Có khi nào chị nghĩ sẽ tìm công việc khác với mức lương cao hơn?
Tìm việc bây giờ đâu phải là dễ. Dù tôi có bằng đại học chuyên ngành sử học đấy, nhưng cũng đã gõ các loại cửa rồi mà không xin được. Chỗ này chỗ kia, người ta đòi phải có hàng trăm triệu mới có "suất", mà gia đình tôi thì không có điều kiện. Lúc mới làm công nhân, tôi cũng nghĩ tiêu cực, cay đắng lắm. Nhưng đi làm rồi lại quen, ước gì mình không học đại học thì đã kiếm được khá khá rồi không.
- Ồ, chị có bằng đại học? Đi làm công nhân thì thu nhập của chị có được trả cao hơn lao động phổ thông không?
Không, làm gì có chuyện đó. Tôi phải giấu cái bằng đi thì mới xin được vào làm công nhân đấy. Mà nghĩ cũng chán, giả sử xin được việc vào làm công chức nhà nước, mức lương của tôi chắc chắn sẽ còn ít hơn nữa so với lương tôi đang nhận. Thế nên nhiều khi tặc lưỡi, mình sẽ làm công nhân cả đời cho yên ổn.
- Nhưng chị đâu có khoẻ mãi để làm?
Cũng biết là thế, người ta làm được thì mình cũng làm được thôi. Đến khi nào già yếu buộc phải chọn công việc khác phù hợp hơn thì sẽ nghỉ.
- Chị có thấy buồn khi có bằng cử nhân mà phải lao động chân tay?
Cũng có chút buồn, nhưng đó là vì mình đi sai hướng thôi chứ không phải vì mình làm công nhân.
- Hiện giờ chưa có gia đình, chị có tích lũy được không?
Tiền đâu mà tích lũy, đủ để sống là may lắm rồi. Mỗi tháng trả tiền thuê nhà 1 triệu đồng, tiền ăn 1 triệu đồng, tiền xăng xe đi lại, cưới hỏi bạn bè, tiền biếu bố mẹ chi tiêu. Đủ để sống, không phải ăn bám hay vất vưởng mùa vụ cũng là may lắm rồi.
Bữa rau bữa đậu lởn vởn trong đầu!
- Có người vì nghèo, vì không có tiền tích lũy mà chưa lập gia đình, chị có nằm trong danh sách đó?
Nó cũng có ảnh hưởng. Với mức thu nhập đó thì không đủ để nuôi con cái, nên có lập gia đình, có con thì cuộc sống sẽ càng chật vật. Đó cũng là một lý do để tôi tính toán, cân nhắc.
- Lúc túng thiếu nhất, trong túi chị có bao nhiêu tiền?
Có lúc không đủ tiền mua gói mỳ tôm để ăn, nhưng chỉ thi thoảng mới rơi vào tình cảnh đó do công ty vào đợt ít đơn hàng hoặc gia đình có việc đột xuất như ốm đau phải nằm viện thôi.
- Chị vừa nói không có tích lũy, chị đi làm bao nhiêu năm rồi?
Tôi làm được bốn năm rồi, không riêng tôi mà các công nhân khác, có người đi làm đến hơn chục năm cũng vậy. Cuộc sống chật vật kéo dài suốt nhiều năm mà cũng không thể có để tích lũy. Nhưng vì không thể làm được gì khác nên mọi người vẫn làm
- Chị mong muốn mức lương sẽ tăng như thế nào thì đáp ứng được hết nhu cầu tối thiểu?
Mức tăng 15% là cải thiện được một chút cuộc sống, nhưng để đảm bảo được mức sống tối thiểu thì chắc chắn là chưa. Một lao động sống ở mức trung bình, ổn định cuộc sống, nuôi được con cái học hành, có tích lũy phòng trừ ốm đau... thì mức thu nhập phải ở mức khoảng 8 - 10 triệu đồng/tháng. Đấy là chưa kể người phải mua nhà cửa thì cần mức lương cao hơn nữa.
- Còn ở các nước công nhân, mơ ước lớn nhất của chị là gì?
Tôi chỉ ước gì mình không phải nghĩ đến tiền nữa. Ước gì tôi có một công việc và chuyên tâm vào công việc ấy, dù làm công nhân hay làm văn phòng, không phải lởn vởn trong đầu bữa này ăn đậu, bữa kia ăn rau hay ăn thịt thì không bị lạm vào ngân sách trong tháng.
Xin cảm ơn chị!
Sáng 6/8, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã bỏ phiếu thông qua phương án tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2015 với tỷ lệ 63% thành viên tán thành. Theo đó, lương tối thiểu Vùng I là 3,1 triệu đồng (tăng 400.000đ so với năm 2014); vùng II: 2,75 triệu đồng (tăng 350.000đ); vùng III: 2,42 triệu đồng (tăng 320.000đ); vùng IV là 2,2 triệu đồng (tăng 300.000đ). Phương án này được lựa chọn để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định để tăng lương vào năm 2015 ở khu vực doanh nghiệp.
Theo Kiến Thức