Tăng mức phạt vi phạm giao thông gấp 10 lần?
Trong thông tư nêu rõ, “Người điều khiển môtô, xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 2-4 triệu đồng (tăng gấp 10 lần hiện nay); người có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở (mức 3) sẽ phạt tiền từ 14-16 triệu đồng thay vì mức 10-15 triệu đồng như trước; phạt tiền gấp đôi mức cũ nếu xe chở quá tải trên 150%, chủ phương tiện cá nhân vi phạm phạt từ 28-32 triệu đồng...”. Báo Lao động thông tin.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGTQG cho biết, việc tăng mức xử phạt như trên được tính toán trên yêu cầu thực tế của Việt Nam và theo mức độ nguy hiểm của từng hành vi vi phạm.
Theo Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (ATGT), Bộ Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Thạch, sau một thời gian triển khai thực hiện Nghị định 171 và Nghị định 107 đã xuất hiện nhiều quy định còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Lý giải về việc tăng mức xử phạt, ông Hoàng Thế Tùng cho rằng sau hai năm áp dụng quy định nghị định 171 vào thực tế, trong quá trình soạn thảo thành viên ban soạn thảo là lực lượng CSGT cũng cho rằng chế tài cũ chưa đủ sức răn đe, nhiều người lái xe vẫn còn xem thường dẫn tới hành vi sẵn sàng vi phạm giao thông. Báo Tuổi trẻ thông tin.
Dự thảo mới hướng tới ba mục tiêu chính. Một là tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm giao thông có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng.Thứ hai, mô tả lại một số quy định chưa rõ gây ra những cách hiểu khác nhau. Thứ ba, bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi trong thực tế gây nguy hiểm tới an toàn giao thông nhưng trước đây chưa quy định rõ mức xử phạt.
Ngoài ra, dự thảo đề xuất tăng mức phạt tiền từ 2-3 triệu đồng lên 3-5 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn dưới 50mg trong máu hoặc dưới 0,25mg/lít khí thở (mức 1); tăng từ 7-8 triệu đồng lên 8-12 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 50mg - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg - 0,4 mg/lít khí thở (mức 2).
Đặc biệt, người có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở (mức 3) sẽ phạt tiền từ 14-16 triệu đồng thay vì mức 10-15 triệu đồng như trước. Các hành vi ở mức 2 và 3 còn bị tước giấy phép lái xe (GPLX) 3 tháng thay vì 2 tháng như hiện nay.
Đối với người điều khiển môtô, xe gắn máy vi phạm nồng độ cồn, mức phạt cũng tăng gấp đôi hiện nay, bị phạt mức cao nhất đến 7 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị tước giấy phép lái xe từ 2-3 tháng.
Dự thảo nghị định này cũng xác định sẽ tăng mức phạt tiền gấp đôi đối với hành vi chở quá tải trên 150%. Theo đó, lái xe vi phạm sẽ bị xử phạt từ 14-16 triệu đồng còn chủ phương tiện là cá nhân bị xử phạt từ 28-32 triệu đồng.
Đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt từ 56-64 triệu đồng so với mức cũ là 32-36 triệu đồng. Nhằm ngăn chặn tình trạng không chấp hành, chống đối khi bị kiểm tra tải trọng mức phạt cũng tăng lên tới 14-16 triệu đồng.
Dự thảo cũng tăng mức xử hành vi đi xe máy vào đường cao tốc lên gấp 10 lần. Người điều khiển mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 2-4 triệu đồng thay vì mức 200.000-400.000đ hiện nay.
Ngoài việc tăng mức phạt, theo dự thảo, một số hành vi vi phạm khác trước đây chưa được chú trọng xử phạt hiện nay sẽ được áp dụng nghiêm. Báo Tuổi trẻ thông tin.
Đơn cử như dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái ôtô sẽ bị phạt 600.000 - 800.000 đồng. Xe không được quyền ưu tiên nhưng lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên bị xử phạt 800.000-1,2 triệu đồng. Dự thảo cũng đưa ra quy định mới buộc tất cả người ngồi trên ôtô phải thắt dây an toàn, xử phạt xe chạy trên hè phố...
Ngoài ra, bổ sung thẩm quyền xử phạt cho các cảng vụ hàng hải, hàng không, cảng vụ nội địa... đối với hành vi xếp hàng quá tải trọng trong phạm vi kho bãi phụ trách, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính cho công chức, viên chức thuộc thanh tra các sở GTVT đang thi hành công vụ...
Tuy nhiên, những con số về mức xử phạt hiện đang ở giai đoạn lấy ý kiến, có thể tăng hoặc giảm trên cơ sở góp ý của người dân, các địa phương, bộ ngành trước khi ban hành vào thực tế.
Theo lộ trình, cuối tháng 9 dự thảo nghị định sẽ được trình Bộ Tư pháp thẩm định, trước khi trình Chính phủ quyết định vào tháng 10/2015.
End of content
Không có tin nào tiếp theo