Thị trường

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Doanh nghiệp bia, rượu lên “cơn đau tim”?

Đại diện các doanh nghiệp (DN) ngành sản xuất, kinh doanh bia rượu đều kiến nghị Bộ Tài chính cần có một lộ trình tăng thuế cụ thể để họ thích nghi dần với chính sách thuế mới. Việc tăng thuế trong một năm rưỡi sẽ là “cơn đau tim” đối với các DN trong ngành.

Quang cảnh Hội nghị góp ý về Dự thảo Luật Thuế TTĐB đối với mặt hàng đồ uống. (Ảnh: Đoàn Huế)

Chiều ngày 20/2, tại Hà Nội, Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) đã tổ chức Hội nghị góp ý kiến về Luật Thuế TTĐB đối với mặt hàng đồ uống.

Theo dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB, riêng trong mảng bia rượu, mức thuế dự kiến của Bộ Tài chính như sau: Bia tăng 15% (từ 50% lên 65%); rượu có độ cồn dưới 20% tăng 10% (từ 25% lên 35%)…

Tại Hội nghị, đa phần các DN đều nêu lên những khó khăn khi Bộ Tài chính tăng mức thuế TTĐB, một số DN còn tỏ ra lo ngại cho những ảnh hưởng về lâu dài của cả ngành sản xuất bia rượu nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Có DN còn cho rằng “Với mức tăng đó, có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ lạm phát của Việt Nam”.

Điều quan ngại nữa, là người tiêu dùng có thể quay lại sử dụng rượu có cồn cao hơn, rẻ hơn nhưng lại gây nhiều tác hại nguy hiểm.

Cuối những năm 80 đầu 90, thị trường Việt Nam tràn ngập bia nhập khẩu (Trung Quốc, các nước châu Âu…) Khi ngành bia Việt Nam có những DN lớn phát triển thì bia nhập khẩu giảm. Hiệu quả đóng góp giảm nhập khẩu, áp lực ngoại tệ…

“Mức độ tiêu thụ đồ uống có cồn ở Việt Nam chưa đến mức báo động, con số ở mức trung bình thấp trên thế giới.  Việc gây tác hại cho người dân cũng chưa được đánh giá chính xác. Đánh thuế cao không có tác động nhiều đến việc giảm thiểu lạm dụng rượu, bia. Ngành bia cũng cần được đối xử như các ngành khác, cần có chính sách bền vững để nhà đầu tư có thể hoạch định chiến lược tốt hơn. Việc thay đổi thuế suất liên tục trong những năm qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách đầu tư, kinh doanh của họ”, đại diện hãng bia Heineken phát biểu.

Theo ông này, việc đánh thuế đồng nhất bia lên 65% là chưa phù hợp, vì hiện sản phẩm rất đa dạng, thậm chí có bia có độ cồn bằng 0%. Kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới, việc đánh thuế bia trên đồ uống có cồn thiên về đánh thuế trên % độ cồn là phù hợp hơn.

Trước những ý kiến đóng góp của các DN, ông Phạm Đình Thi - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu xung quanh tất cả các đề xuất, góp ý. Cũng theo ông Thi, muốn sửa luật thì cũng phải xuất phát từ thực tiễn, cần phải đánh giá toàn thể tình hình tiêu thụ và lợi nhuận của các nhà máy bia, để từ đó đưa ra mức thuế suất hợp lý.

“Có ý kiến cho rằng, đánh thuế suất bia rượu như nhau, nhưng tập hợp kinh nghiệm từ 100 nước trên thế giới cùng đánh thuế bia, rượu, chúng tôi thấy, nhiều nước phát triển họ đánh thuế suất mức tuyệt đối vì cho rằng dễ thu, minh bạch, không ảnh hưởng lạm phát. Trong 1 hội nghị, tôi đã trả lời, nếu đánh thuế 100% tính trên độ cồn thì các nhãn hiệu bia rượu tại Việt Nam không phát triển được, dần dần đóng cửa ngay. Ví dụ, không thể đánh thuế rượu 40 độ bằng rượu John Walker được. Cho nên lựa chọn phương pháp đánh thuế nào là quyền của chúng ta” – ông Thi nói.

Vấn đề quản lý hàng nhập lậu rất nhức nhối với nhiều quốc gia, Việt Nam cũng không là ngoại lệ .Về cơ bản, người tiêu dùng sẽ chịu thuế. Trong bối cảnh hiện nay thì phương án tối ưu là tất cả các bên cùng phải chia sẻ khó khăn đó.

Trước ý kiến của đại diện Công ty CP Vang Thăng Long về việc dự thảo lần này không phân biệt mức thuế đối với rượu nói chung và rượu dùng nguyên liệu hoa quả nói riêng, ông Thi cho biết: Trong cam kết WTO “Sau 3 năm là thành viên, rượu từ 20 độ trở lên chịu một mức thuế suất, rượu từ 20 độ trở xuống có mức khác” nên không có sự phân biệt nữa kể từ khi sửa Luật vào năm 2008 để phù hợp với lộ trình gia nhập WTO.

Giá bia sẽ tăng 20-25%/chai

“Chính sách thuế này sẽ có ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp bia của Việt Nam. Nếu dự thảo tăng thuế TTĐB được áp dụng, nhà sản xuất sẽ phải tăng giá sản xuất bia (sản phẩm trung cấp) lên thêm 12% thì giá bia tiêu thụ khi đến tay người tiêu dùng sẽ tăng 20- 25%/chai. Việc tăng giá cũng làm ảnh hưởng đến các ngành khác như: nhà hàng, ăn uống, ngành phụ trợ cũng như ảnh hưởng đến nguồn thu liên quan. Việc tăng thuế trong một năm rưỡi sẽ là cơn đau tim đối với các DN trong ngành”.

(Ông Tayfun Uner - Tổng giám đốc Carlsberg Việt Nam)

Mức tăng 15% là quá cao

“Chúng tôi thắc mắc là tại sao lại gộp chung bia và rượu vào để tính mức tăng thuế? Bia có độ cồn 5% thôi. Cứ cố áp đặt thuế suất chung như vậy liệu có phù hợp và công bằng không? Đề nghị ban biên soạn xem xét lại vì đánh thuế cao thì người tiêu dùng chịu hết. Với DN tôi, mức tăng 15% là quá cao. Nếu tăng, đề nghị phải có lộ trình, không thể áp đặt ngay, để DN quen với việc thay đổi thuế suất. Thời gian qua, có tình trạng hàng nhập lậu bán công khai, việc quản lý thị trường ra sao? Chúng tôi đề nghị cần quan tâm đến vấn đề này. Vì DN như chúng tôi đóng thuế, thì mong nhận được sự quan tâm, bảo vệ quyền lợi để kinh doanh tốt hơn, đóng góp nhiều hơn”.

 (Ông Lê Thế Bảo - Công ty Bia Sapporo Việt Nam)

Cạnh tranh ngày càng khó khăn

“Thời điểm, mức thuế đặt ra cần phù hợp với tình hình kinh tế và sự phát triển của DN. Từ năm 2012-2013, nền kinh khó khăn, DN đã phải bươn chải, nếu năm 2014-2015, kinh tế vẫn khó thế này và lại tăng thuế lên thì càng khó khăn cho DN. Với CP Cồn rượu Hà Nội, năm 2012 nộp thuế là 212 tỷ, thì năm 2013 đã giảm xuống còn 193 tỷ. Trong khi tem thuốc lá được miễn phí thì Bộ Tài chính yêu cầu DN rượu phải mua tem rượu với giá 500 đồng/cái, chưa kể chi phí thuê dán tem. Một lít rượu bán ra là 100 đồng, thì thuế TTĐB là 33 đồng. Như vậy, cạnh tranh rất khó khăn”.

(Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó GĐ Công ty CP Cồn rượu Hà Nội)

 

Thảo Nguyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo