Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại
Theo cơ quan thống kê, nếu xét về cơ cấu kinh tế trong quý I/2016 thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giá trị tăng thêm chỉ đạt 98,77% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Ngành nông nghiệp tăng trưởng âm (-2,6%) trong khi quy mô ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong khu vực I (chiếm 70%).
Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng giá trị tăng thêm 6,72% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,74% của năm 2015.
Trong đó, ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% thua xa mức tăng 9,7% của năm 2015 do hai lĩnh vực chủ lực của ngành này là công nghiệp chế biến và khai khoáng có mức giảm khá mạnh. Ngành khai khoáng giảm mạnh chỉ đạt 98,8%, tương đương giai đoạn khó khăn của năm 2014 do sản lượng khai thác dầu thô chỉ đạt 96,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 7,9%, thua xa mức tăng 9,7% của Quý I năm 2015. Riêng ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải đạt tăng trưởng tốt và tăng cao tương ứng 13,1% và 9,4%.
Trái ngược với các khu vực trên, theo cơ quan thống kê thì ngành xây dựng lại có mức tăng trưởng ấn tượng 9,94%. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2010 trở lại, trong đó khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng cao nhất với tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt trên 23%, khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng đạt mức tăng giá trị sản xuất 11%, trong khi khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực khác có tốc độ tăng giá trị sản xuất âm.
Thêm vào đó, khu vực dịch vụ cũng ghi dấu ấn với giá trị tăng thêm tăng 6,13% so cùng kỳ năm trước và cao nhất kể từ quý 1 năm 2012 tới nay. Ngoài ra, hoạt động bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô xe máy tăng 7,52% thấp hơn năm 2015 nhưng cao hơn năm 2014 và 2013. Hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng nhẹ so với cùng kỳ, đạt 5,99% do tăng trưởng tín dụng đạt 1,54%...
Theo đánh giá của cơ quan thống kê, quý 1 năm nay là quý khởi đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Do đó, kết quả hoạt động của quý này sẽ tạo động lực và khích lệ cho toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh các dự báo kinh tế Việt Nam có dấu hiệu khả quan, như kinh tế vĩ mô đang được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát ít biến động, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, tăng trưởng kinh tế đang trên đà hồi phục, kinh tế đối ngoại có nhiều yếu tố tích cực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo