Tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm: Tiếp tục hướng về “chất“
Tại buổi họp báo của NHNN thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2018, ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, tín dụng đã tăng ngay từ đầu năm và tăng đều qua các tháng. Cụ thể, tính đến 31/5/2018, tín dụng đạt trên 6,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,16% so với cuối năm 2017.
Liên quan đến vấn đề tín dụng trong những tháng đầu năm 2018 tập trung cho các ngành sản xuất, kinh doanh - động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ông Tần cho biết, đến cuối tháng 5/2018, dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm thủy sản ước tăng 6,8%; ngành công nghiệp và xây dựng ước tăng 6,83%; ngành thương mại và dịch vụ ước tăng 5,7%.
Bên cạnh đó, tín dụng tiếp tục được tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, với các mức tăng trưởng cao so với cuối năm 2017, cụ thể: Tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 5,8%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 15,64%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển tăng 5,42%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 6,29%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2,61%.
Đồng thời, các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được các tổ chức tín dụng tích cực triển khai, cụ thể: Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt khoảng 40.000 tỷ đồng với 14.723 khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay để ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đạt trên 10.650 tỷ đồng; dư nợ cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ đạt khoảng 4.800 tỷ đồng; dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại ngân hàng chính sách xã hội đạt 179.048 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2017 với hơn 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ.
“Trong 6 tháng đầu năm 2018, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức trên 300 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Theo đó, các ngân hàng đã giải ngân hơn 210.000 tỷ đồng cho hơn 20.000 doanh nghiệp và một số đối tượng khác; thực hiện các giải pháp cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ cho gần 1.900 doanh nghiệp và gần 600 khách hàng khác, giúp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn ổn định sản xuất, kinh doanh”, ông Tần nói.
Đặc biệt, tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong tầm kiểm soát của NHNN. Kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm cho thấy nhiều khả quan, nhưng NHNN cho biết, không chủ quan, lơ là.
Theo đó, những tháng cuối năm 2018, NHNN tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng có hiệu quả gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra từ đầu năm là 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế nhằm phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7% và lạm phát bình quân khoảng 4% được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm.
Để hoàn thành định hướng này, ông Tần cho biết, NHNN sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp nhằm thực hiện mở rộng tín dụng có hiệu quả gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (như kinh doanh bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông), đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh đó, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho hệ thống tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, đi đôi với an toàn hoạt động…
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định: “NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng 17% và cung tiền M2 khoảng 16% trong năm 2018 là khá phù hợp. Tất nhiên, chúng ta không nhất thiết phải đạt được mục tiêu này bằng mọi giá, mà ưu tiên kiểm soát tín dụng, nắn tín dụng vào những lĩnh vực hiệu quả”.
Cụ thể hơn, ông Lực phân tích, nhiệm vụ hàng đầu của NHNN vẫn là ổn định giá trị đồng tiền (trong đó có nhiệm vụ kiểm soát lạm phát), qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện vẫn đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2018, trong đó có sự đóng góp của nhiều kênh chính sách khác nhau, bao gồm cả chính sách tiền tệ, tài khóa, giá cả.
Tuy nhiên, để kiểm soát tốt lạm phát, cũng như đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phải phối hợp rất tốt 3 cụm chính sách này. Bên cạnh đó, phải đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, để qua đó tăng năng suất lao động, vốn và năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP).
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024