Tăng trưởng tín dụng: Hát to nhưng đừng mở miệng?
Sáng 9/7, ngành ngân hàng sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm. Bên cạnh một số kết quả tích cực như mua nợ xấu, ổn định tỷ giá, giảm lãi suất thì tăng trưởng tín dụng trì trệ được coi là “món nợ” của nhà điều hành, trước chỉ tiêu 12% - 14% sừng sững như ngọn núi.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2014, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,52% so với cuối 2013, trong đó có sự đóng góp cao của khu vực tín dụng ngoại tệ, với mức tăng 12,03%, trong khi VND chỉ 2,17%.
Điểm nóng tín dụng
Theo đó, dòng vốn tín dụng được nắn chỉnh vào các lĩnh vực căn cơ và đạt tốc độ tăng lạc quan: tín dụng xuất khẩu tăng 10%; công nghiệp hỗ trợ tăng 5,8%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 13%, doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 2%, “tam nông” tăng 2,56%.
Đáng tiếc, nhà điều hành không công bố tỷ trọng tín dụng “căn cơ” nói trên là bao nhiêu so với “miếng bánh” tín dụng toàn ngành.
Thêm nữa, thanh khoản hệ thống cũng khá ổn định. Hầu hết các đơn vị đều đảm bảo chỉ tiêu dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước cũng như khả năng chi trả, tỷ lệ cấp tín dụng/huy động vốn bằng VND giảm từ mức 92,5% từ cuối 2013 xuống còn 87,4% ở hiện tại. Có vẻ như sự lạc quan này phần lớn là do tín dụng tăng èo uột và sự không khoan nhượng của nhà điều hành trong việc kiểm soát an toàn hệ thống.
Ở khu vực ngoại hối, dù thị trường vừa trải qua một đợt điều chỉnh ngày 18/6 vừa qua nhưng tính chung 6 tháng đầu năm, quản lý ngoại hối vẫn là điểm sáng đáng ghi nhận: dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 35 tỷ USD và đến cuối tháng 6/2014, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán giảm xuống mức 11,4% so với với 12,4% thời điểm cuối 2013 về trước.
Cùng với đó là một số mặt tích khác như ổn định tỷ giá, lãi suất giảm, mua và xử lý nợ xấu có nhiều tiến triển.
Nhưng giữa không ít lạc quan thì tín dụng tăng thấp đã làm bức tranh hoạt động ngân hàng thêm phần u ám, bởi xét cho đến cùng, đây là khu vực mang lại 70% giá trị nguồn thu của nhiều đơn vị.
Điều đáng lo ngại là tín dụng tăng thấp không chỉ ở khối cổ phần mà còn lan sang cả các ngân hàng thương mại nhà nước chi phối vốn. Trong nhiều năm, VietinBank là một trong những đầu tàu tín dụng của toàn hệ thống nhưng 6 tháng qua, mức tăng chỉ đạt 3%, thấp hơn mức tăng 3,52% toàn ngành.
“Dù tăng thấp hơn mức tăng toàn hệ thống nhưng so với thời điểm này của năm ngoái, tín dụng VietinBank vẫn còn tăng trưởng âm 6%”, ông Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank phân trần.
Lý giải nguyên nhân tín dụng tăng thấp, người đứng đầu ngành ngân hàng xác định đó là do tính quy luật đầu năm, sức hấp thụ vốn kém, nợ đọng từ ngân sách, vướng mắc xử lý tài sản bảo đảm, thiếu cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn…
Có lẽ, nằm trong số ít ngân hàng có mức tăng tín dụng khá là Vietcombank và được cho là niềm an ủi của hệ thống.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng giám đốc Vietcombank “khoe”: “Sáu tháng qua so với đầu 2014, huy động vốn tăng trên 10%; tăng trưởng tín dụng đạt 6,63% và là tổ chức tín dụng có mức tăng trưởng khá nhất. Kết quả này là do chúng tôi tích cực thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tập trung tới 50% nguồn vốn cho vay lĩnh vực ưu tiên với lãi suất hấp dẫn từ 7 - 8%/năm, đầu tư cho nhiều dự án lớn trọng điểm quốc gia trong ngành giao thông và thủy điện…”.
Lo gỡ ách tắc
Dù giải thích với cách nào thì tăng trưởng tín dụng thấp đang trở thành tâm điểm thu hút quan tâm của thị trường và là nỗi lo lớn của Chính phủ, bởi phía sau đó là GDP, số thu thuế cho ngân sách, việc làm và an sinh xã hội.
Thế nên, tại hội nghị sơ kết lần này, khá nhiều ý kiến đề xuất tháo gỡ ách tắc để cải thiện tình hình. Ông Nguyễn Văn Thắng hiến kế: “Sáu tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước phải triển khai rốt ráo các mô hình tín dụng mới như chuỗi liên kết, cho vay cánh đồng mẫu lớn, đẩy mạnh kết nối ngân hàng và doanh nghiệp để đảm bảo chu trình luân chuyển vốn trong nền kinh tế”.
Cũng theo ông Thắng, nợ xấu và xử lý tài sản thu hồi nợ vẫn đang cản trở khá lớn đến việc tiếp cận tín dụng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước phải kết hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan giúp ngân hàng xử lý nhanh vấn đề này.
Đồng quan điểm, ông Nghiêm Xuân Thành cho rằng, thời gian tới, dư địa giảm lãi suất gần như chạm ngưỡng, trong bối cảnh chưa thuận lợi cho việc tăng trưởng tín dụng thì phải phát huy vai trò của chính sách tài khóa thông qua đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn ngân sách để hồi phục tổng cầu, nhằm tạo đà cho tăng trưởng tín dụng.
Song song, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tư pháp cùng các bộ liên quan sớm ban hành Thông tư hướng dẫn xử lý tài sản bảo đảm theo Nghị định 163/2006/NĐ-CP và Nghị định 11/2012/NĐ-CP về bảo đảm tiền vay theo hướng cho phép các tổ chức tín dụng được toàn quyền chủ động trong việc xử lý tài sản bảo đảm khi bên vay không trả được nợ.
Tạm gác lại những đề xuất trên thì trước mắt, tín dụng vẫn chưa nhìn thấy điểm đến nào thật khả dĩ, có thể thay đổi tương quan so với với hiện tại.
Điểm lại một số chương trình tín dụng lớn được Ngân hàng Nhà nước đưa ra thời gian gần đây sẽ thấy rất rõ.
Trước hết, 12 nghìn tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước “hứa” dành cho tái canh cây cà phê thì phải chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các địa phương xác định quy hoạch và phải được người vay hồ hởi đón nhận thì ngân hàng mới có thể giải ngân. Chương trình thứ hai là gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng dành cho nhà ở thu nhập thấp và nhà ở xã hội nhưng nay mới giải ngân được trên 12%.
Chương trình thứ ba là 10 nghìn tỷ đồng cho vay ngư dân bám biển nhưng không dễ triển khai vì do các ngân hàng tự quyết định cho vay bằng vốn của mình, trong khi độ mạo hiểm cao nên mới chỉ có BIDV xung phong cho vay 3.000 tỷ đồng.
Chương trình thứ tư là cho vay theo chuỗi liên kết và cánh đồng mẫu lớn không giới hạn số lượng nhưng cũng đang thí điểm và phải chờ đợi sau hai năm, nếu thành công thì mới nhân rộng mô hình.
Có một đề xuất đáng chú ý từ ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank rằng, Thông tư 13 tính tỷ lệ an toàn đối với cho vay bất động sản đang ở hệ số 250% thì nên rút xuống còn 150% để tạo điều kiện kinh doanh vốn cho các ngân hàng trong lĩnh vực bất động sản.
Thực ra, điều mong muốn của ông Khang không bó hẹp ở đây, mà còn liên quan đến quan điểm của nhà điều hành: vừa muốn tín dụng tăng từ 12% - 14%, tập trung cho 5 lĩnh vực ưu tiên, dù các lĩnh vực này đang trầm luân theo xu hướng suy thoái tổng cầu; vừa kiên trì “gia tăng giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng”, duy trì sự hà khắc với cho vay một số lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán...; không chấp nhận nới lỏng. Thậm chí, trong điều kiện khó khăn như vậy, nhưng nhà điều hành còn tham vọng chọn 10 tổ chức tín dụng triển khai Basel II đợt đầu.
Có vẻ như Ngân hàng Nhà nước muốn được tất cả nhưng không chịu đánh đổi thứ gì. Và, điều này khó như đề nghị ai đó hãy “hát to nhưng đừng mở miệng”.
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam
Cột tin quảng cáo