Tin tức - Sự kiện

Tăng ưu đãi, nâng tầm chọn lọc

Bên cạnh lời hứa sẽ nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi hơn, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, Thủ tướng cũng đã rất kiên quyết và thẳng thắn yêu cầu các cơ quan của Chính phủ, chính quyền các địa phương phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa để có cơ chế, chính sách về đầu tư theo hướng thuận lợi và có tính cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực...
Lợi thế cũ vơi dần
 
25 năm qua, Việt Nam đã có nhiều lợi thế trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN). Ngược lại, Việt Nam cũng đã dành cho khu vực này những sự ưu đãi, khuyến khích đặc biệt. Tuy nhiên, thời gian qua đi, nhiều biến chuyển lớn ập đến, cả hai phía, Việt Nam và các nhà đầu tư đều nhận thấy những lợi thế ban đầu đang vơi đi.
 
Để cả hai bên vẫn “hấp dẫn” nhau, cần có những điều chỉnh quan trọng. Vì thế, Hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu ĐTNN đã được tổ chức ngày 27/3/2013 tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Hội nghị, cho thấy tầm quan trọng của vấn đề.
 
Bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đã không ngần ngại nói rằng: Những lợi thế ban đầu khi đất nước mới mở cửa hội nhập đã hết. Phía các nhà đầu tư, họ đang không thỏa mãn với trình độ nguồn nhân lực hạn chế, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển và thủ tục hành chính còn phức tạp. Đơn cử như: Có những DN Nhật Bản phải chờ đợi thủ tục hành chính quá lâu đã phải nhờ sự can thiệp của cấp cao như Thủ tướng”, ông Kyoshiro Ichikawa (Tiểu ban công nghiệp phụ trợ của Nhật Bản) cho biết.
 
Còn về phía Việt Nam, chẳng những kỳ vọng về tiếp thu những kinh nghiệm quản lý, chuyển giao công nghệ, những dự án lớn, công nghệ cao... chưa đạt được, mà đến nay, ĐTNN còn bộc lộ những hạn chế và cả những hệ quả không mong muốn. “Tôi nghĩ cơ hội mới là rất lớn... Nhưng cần thay đổi cách làm... Chính phủ đã làm nhiều việc nhưng quan trọng là cần đội ngũ quản lý đủ tầm”, GS. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN phát biểu.
 
Tại Hội nghị, chính Thủ tướng cũng phải bộc bạch rằng, đích thân ông đã nhiều lần, phải thảo luận trực tiếp với lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương để tháo gỡ những rào cản đầu tư cho một số dự án quy mô lớn như Samsung, Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Lọc hoá dầu Phú Yên, khu vui chơi giải trí ở Vũng Tàu... đồng thời phải trực tiếp xử lý nhiều vấn đề trong suốt 2 năm mới tháo gỡ được khó khăn cho dự án hợp tác công - tư (PPP) xây cảng Lạch Huyện ở Hải Phòng do Nhật Bản đầu tư.
 
Siết chặt quy trình cấp phép
 
Trong bối cảnh khu vực, thế giới đang có nhiều biến động và cạnh tranh mạnh mẽ, để thực hiện tốt mục tiêu tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ĐTNN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi hơn, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.
 
Bên cạnh lời hứa với nhà đầu tư, Thủ tướng cũng đã rất kiên quyết và thẳng thắn yêu cầu các cơ quan của Chính phủ, chính quyền các địa phương phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa để có cơ chế, chính sách về đầu tư theo hướng thuận lợi và có tính cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực; Có chính sách ưu đãi cao, đủ sức hấp dẫn đối với một số dự án có quy mô lớn, có tính lan toả và tác động tích cực; Đẩy mạnh thu hút ĐTNN vào các dự án PPP...
 
Nhưng đồng thời Thủ tướng cũng yêu cầu phải chọn lọc các dự án đầu tư với những quy định chặt chẽ hơn như quy định về tiêu chí DN công nghệ cao, bảo vệ môi trường và giới hạn đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường…
 
Chính phủ cũng yêu cầu cần siết chặt quy trình cấp phép đầu tư. Theo đó, những dự án có quy mô vốn đăng ký đầu tư mới từ 100 triệu USD trở lên, dự án sử dụng trên 5 ha đất đô thị… sẽ phải trình Thủ tướng thay vì được chính quyền địa phương cấp phép như hiện nay.
 
 
 
 
Công Duy
Theo TBNH
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo